Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 30/8/2016 15:59'(GMT+7)

Tuyên Quang: Đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa

Thu hoạch cam đầu vụ ở huyện Hàm Yên - Tuyên Quang

Thu hoạch cam đầu vụ ở huyện Hàm Yên - Tuyên Quang

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn, đời sống của một bộ phận đồng bào vùng sâu, vùng xa có nguy cơ tụt hậu so với mặt bằng chung của cả nước do tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún. Ở Tuyên Quang, vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá lớn chưa được hình thành rõ nét, vì vậy, mặc dù có tiềm năng, lợi thế về một số mặt hàng nông, lâm sản nhưng giá trị thu nhập thấp, sức cạnh tranh hạn chế, chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI nhiệm kỳ 2015-2020 xác định cần tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp, do đó, ngày 22/5/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025. Theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đây là Nghị quyết chuyên đề duy nhất của cả nhiệm kỳ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành để tập trung lãnh đạo thực hiện các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm.

Mục tiêu cho giai đoạn 2016-2020 đặt ra là "Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm. Đến năm 2020, tổng giá trị nông sản hàng hóa chủ lực chiếm 60% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác gấp 1,6 lần so với năm 2015". Để thực hiện mục tiêu đến cả giai đoạn 2021-2025, 8 giải pháp đồng bộ đã được đồng thời đưa ra để giải quyết từ khâu nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. 

Theo đó, các quy hoạch được rà soát lại, đất đai sẽ được dồn đổi, tích tụ tạo thành vùng sản xuất chuyên canh; tập trung thâm canh nâng cao năng suất 15.500 ha mía nguyên liệu, 8.800 ha chè, 5.500 ha lạc; đưa diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu trên 130.000 ha, trong đó rừng gỗ lớn 69.000 ha, phục vụ công nghiệp chế biến gỗ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; phát triển chăn nuôi tập trung đạt 40-50% tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi theo hướng rút ngắn chu kỳ, giảm thời gian luân chuyển đàn, khôi phục tốc độ tăng trưởng đàn trâu, bò, tăng quy mô đàn lợn, gia cầm; phát triển mạnh nuôi cá lồng, nuôi thâm canh để đạt năng suất cao, chú trọng phát triển nuôi các loại cá đặc sản như Lăng chấm, Rầm xanh, Anh vũ…

Tuyên Quang đang khẩn trương ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống, xây dựng hệ thống hạ tầng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản. Hiện nay, có một số mặt hàng đã được đăng ký thương hiệu hàng hóa và được thị trường cả nước biết đến như: Cam sành Hàm Yên, Vịt bầu Minh Hương. Riêng mặt hàng Cam sành Hàm Yên vụ năm 2015-2016 đã tiêu thụ được trên 40.000 tấn, thu được trên 500 tỷ đồng, cam Hàm Yên nổi tiếng là mọng, đẹp, có vị ngọt mát, giàu giá trị dinh dưỡng. Cam sành Hàm Yên đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam chứng nhận top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam./.

Nguyễn Thị Mai Lan
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất