(TG)- Sáng 10/10/2018, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo.
Nhìn nhận công tác truyền thông, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng chí Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được triển khai tương đối toàn diện, rộng khắp và đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên, thông tin về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu hiện nay vẫn đi theo những lối mòn với những cách thức truyền tải truyền thống; thông điệp vẫn mang nặng tính tuyên truyền một chiều, cách thức truyền tải chưa sinh động, hấp dẫn. Công tác tuyên truyền chỉ mới chú trọng theo hướng “ứng phó” với biến đổi khí hậu mà chưa chú trọng nhiều đến “thích nghi”, “thích ứng” với biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo, các đại biểu nhận định, trên thực tế, vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động, giữa cam kết và thực hiện của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân. Nhiều thông tin về môi trường còn hạn chế, chưa chính xác, khoa học, chưa xử lý, phân tích được báo cáo của doanh nghiệp, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu yếu. Trong khi, thông tin về môi trường, biến đổi khí hậu thường là phức tạp và không dễ hiểu với công chúng, nên nếu thông tin không chính xác, không khoa học lại càng đẩy truyền thông đến chỗ làm nhiễu loạn dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, do tâm lý đám đông và tư duy cảm tính, nhiều nhóm xã hội thiên về chỉ trích, phát tán thông tin xấu, thờ ơ trước thông tin tốt, tích cực. Khi thông tin sai lệch, tiêu cực phát tán dẫn đến tâm trạng xã hội nhiều bức xúc. Trong quá trình phát triển, những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục gây ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế - xã hội, gây mất niềm tin trong nhân dân, thậm chí gây mất trật tự an ninh xã hội.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong xã hội hiện đại, truyền thông và giáo dục tuyên truyền là động lực và là một nguồn lực trong phát triển. Nhưng muốn làm tốt công tác này, tư duy của người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng. Do vậy, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” cần tiếp tục tăng cường và ưu tiên việc thay đổi tư duy, nhận thức của các cấp lãnh đạo, nhà quản lý, những người làm giáo dục cũng như các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Từ đó, tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, lãnh đạo và quản lý. Bên cạnh đó, đầu tư nguồn lực, hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng thời giám sát, kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, phổ biến các nhân tố tích cực. Trước các sự cố phải truyền thông nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hỗ trợ khắc phục các hậu quả. Trong truyền thông phải tạo dựng được các thông điệp phù hợp với các đối tượng và đạt hiệu quả cao.
Thảo Nguyên