(TG)-Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Thọ, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 302 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong, trong đó gồm 17 bệnh nhân khởi phát tại tỉnh (2 ca dương tính với sốt xuất huyết); 257 bệnh nhân khởi phát từ nơi khác được chuyển về điều trị tại tỉnh (43 ca dương tính với sốt xuất huyết) và 28 bệnh nhân đang điều trị ngoài tỉnh.
Mặc dù đang được kiểm soát chặt chẽ, song bệnh sốt xuất huyết vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trên địa bàn tỉnh nếu không thường xuyên triển khai các giải pháp phòng chống chủ động, tích cực.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Phú Thọ đã phát động “Chiến dịch vệ sinh môi trường gắn với phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” với thông điệp: “Không có loăng quăng, bọ gậy - Không có sốt xuất huyết”, “Diệt loăng quăng, bọ gậy là trách nhiệm của mọi nhà - Cộng đồng chung tay để đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết”… Chiến dịch này nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân trong việc chung tay diệt muỗi, diệt bọ gậy, phòng muỗi đốt; sử dụng nước, nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay bằng xà phòng đúng cách; tổ chức thực hiện vệ sinh môi trường, tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy; vận động các hộ gia đình xây dựng, cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh.
Tỉnh cũng giao Sở Y tế tăng cường triển khai các biện pháp tích cực chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, trong đó tập trung quyết liệt vào các nhiệm vụ: phối hợp với các địa phương, hướng dẫn tổ chức triển khai chiến dịch; thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật về diễn biến tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, rà soát thực trạng, đề xuất UBND tỉnh ưu tiên bố trí ngân sách cung cấp bổ sung, đảm bảo đầy đủ dịch truyền, vật tư, hóa chất, máy móc, phương tiện sẵn sàng chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống bệnh có thể xảy ra...
Bác sĩ Nguyễn Trọng Oánh - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết, do thời tiết nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, dẫn tới nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết. Ngành Y tế đang theo dõi sát tình hình bệnh và bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên để tuyên truyền sâu rộng đến người dân hiểu đúng về tình hình bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh. Hiện nay, các trung tâm y tế huyện, thị, thành đã chỉ đạo 98% xã, phường tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy tại các khu dân cư, đến từng hộ gia đình với sự tham gia của các cộng tác viên y tế, học sinh và các tổ chức quần chúng…/.
Kim Anh