Chủ Nhật, 29/9/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 1/12/2010 21:18'(GMT+7)

Tỷ lệ nhiễm HIV ở nữ giới tăng

Chiều 1/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Bộ Y tế tổ chức hội nghị khoa học Quốc gia về HIV/AIDS lần thứ IV với chủ đề: “Tiếp cận phổ cập: hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015”. Hội nghị là cơ hội cho các nhà nghiên cứu chia sẻ các kết quả nghiên cứu về HIV/AIDS trong những năm qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây.

Hội nghị lần này có sự tham dự của hơn 1.500  đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, các trường đại học y, dược, các cơ quan nghiên cứu trong cả nước…

Nghiên cứu khoa học trong điều trị HIV được chú trọng

Theo GS Trịnh Quân Huấn – Thứ trưởng Bộ Y tế: Đại dịch HIV/AIDS đã có mặt ở khắp các địa phương của Việt Nam. Chính vì nguy cơ lây lan khó kiểm soát của căn bệnh này nên nhiều năm qua các nhà nghiên cứu đã không ngừng tìm tòi để tìm biện pháp ngăn chặn. Công tác nghiên cứu khoa học trong phòng, chống AIDS được đánh giá cao và có nhiều đóng góp trong việc xây dựng các chính sách, pháp luật của Việt Nam.

Một trăn trở được GS Trịnh Quân Huấn đưa ra là từ hội nghị lần thứ nhất đến nay, yêu cầu đánh giá cụ thể về thời gian một người nhiễm HIV từ khi phát hiện đến khi tử vong là bao lâu, trong tổng số hơn 180.000 người  bị nhiễm HIV thì type virus như thế nào; việc kháng thuốc, điều trị không đúng liều ra sao… Đây là những điều mà các công trình nghiên cứu chưa chỉ ra được.

Tổng quan về tình hình HIV/AIDS tại Việt Nam, TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đến 30/9/2010, Việt Nam phát hiện 180.312 người và đã có 48.000 người tử vong. Từ năm 2006 đến nay, số ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm dần, dù số ca được xét nghiệm tăng 5 lần. Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Sơn La… có số người nhiễm cao nhất. Về độ tuổi nhiễm HIV, chủ yếu từ 20-39 tuổi. Theo các năm có sự dịch chuyển rõ ràng theo hướng trẻ hóa. Theo thống kê, 80% số người nhiễm HIV là nam giới, nhưng từ 2006 trở lại đây tỷ lệ nhiễm ở nữ giới tăng lên.

Hội nghị lần này tập trung vào 4 chủ đề: Khoa học cơ bản về HIV/AIDS và dịch tễ học về HIV/AIDS, HIV/AIDS/STI/Lao; can thiệp, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; chăm sóc điều trị nhiễm trùng cơ hội và AIDS; Lãnh đạo, quản lý và sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự trong phòng, chống HIV/AIDS.

Hội nghị nhận được 230 báo cáo là các đề tài nghiên cứu khoa học và báo cáo chia sẻ kinh nghiệm các mô hình phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có hơn 40 báo cáo của các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế.

Ngoài ra, còn có 50 gian hàng triển lãm, 8 hội thảo vệ tinh cũng sẽ được tổ chức trong thời gian diễn ra hội nghị.

Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học phân tích, đánh giá và dự báo tình hình dịch những năm tới; chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống HIV/AIDS thông qua các công trình nghiên cứu, các mô hình can thiệp; tăng cường sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp liên ngành và sự tham gia của cộng đồng đối với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung và trong hoạt động nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS nói riêng.

Đã có những bài học thành công

Ông Steve Kraus – Giám đốc UNAIDS khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, trên thế giới hiện có 33,3 triệu nguời đang chung sống với HIV/AIDS và cũng có khoảng 30 triệu người đã chết vì căn bệnh này. Châu Phi đứng đầu về tỷ lệ lây nhiễm, số ca nhiễm và châu Á – Thái Bình Dương đứng thứ 2 (khoảng 5 triệu người). Ấn Độ, Thái Lan, Nepal… đã giảm được rất nhiều số người nhiễm mới.

Ở Việt Nam, mức độ lây nhiễm HIV trong số những người tiêm chích ma túy (so sánh với các nước có tỷ lệ tương tự về sử dụng ma túy) cũng đã giảm dần. Dịch đang ở hình thái tập trung ở những nhóm nguy cơ cao cụ thể (sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục cùng giới, hành vi tình dục không an toàn nam – nữ).

“Chúng ta phải làm cuộc cách mạng triệt để về dự phòng đối với HIV. Tăng cường tiếp cận các nhóm quần thể có nguy cơ cao và độ bao phủ của các dịch vụ” – ông S. Kraus nhấn mạnh.

Ông Kraus cũng đánh giá cao khung pháp lý liên quan đến dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV ở Việt Nam. “Việt Nam có một hệ thống chính sách, pháp luật khá hoàn thiện. Từ ví dụ của Việt Nam, các nước trong khu vực cũng phải xem xét lại khung pháp lý của mình xem nó đang hỗ trợ hay cản trở công tác này” – ông Kraus nói.

Tại hội nghị, ông Kraus cũng chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là: xác định dịch đang ở đâu để chuẩn bị nhân lực, tài lực…; thay đổi tư duy hành động để làm việc với nhóm có nguy cơ cao; Sáng tạo hơn nữa để tăng tiếp cận tới điều trị; sự tham gia có ý nghĩa của những cộng đồng bị ảnh hưởng; giảm các điều luật, chính sách và cách thực hành gây ảnh hưởng xấu; ngân sách trong nước cho HIV cần tăng lên.

Còn TS Gottfried Hirnschall – Giám đốc chương trình HIV/AIDS của WHO Geneva cho rằng: “Đã đến lúc bình thường hóa các dịch vụ HIV như các dịch vụ y tế thông thường khác. Nhu cầu điều trị ngày càng tăng vì thế cần có cách điều trị đơn giản, giá thành điều trị cũng phải giảm… Các tổ chức cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao dịch vụ. Cần nỗ lực hơn nữa đối với các nhóm đối tượng chưa tiếp cận được”.

Ông Gottfried Hirnschall cũng đưa ra những yếu tố phù hợp với Việt Nam, WHO đang hỗ trợ xây dựng chiến lược 2011-2015, tập trung vào dịch vụ toàn diện dựa vào bằng chứng và có trọng tâm đối với quần thể có nguy cơ cao; đẩy mạnh lồng ghép các dịch vụ để bảo đảm tính bền vững; Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ việc bình đẳng hóa sự tiếp cận các dịch vụ chăm sóc; nhấn mạnh các thông tin chiến lược để định hướng hành động./.

Vũ Hạnh - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất