Chủ Nhật, 24/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Ba, 16/1/2018 14:1'(GMT+7)

Tỷ lệ ứng dụng địa chỉ internet thế hệ mới của Việt Nam tăng trưởng 200%

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải, Trưởng ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia phát biểu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải, Trưởng ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia phát biểu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải nhấn mạnh: Năm 2017 là năm đặc biệt khởi sắc của IPv6 khi việc sử dụng IPv6 tại Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục. Việt Nam đang phát triển phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ thông tin chung của thế giới.

Theo báo cáo, trong năm 2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 ở nước ta đạt mức tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã chuyển từ IPv4 sang dùng địa chỉ IPv6. Tính đến tháng hết 12/2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 10% (tương đương 4,3 triệu người sử dụng IPv6).

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Hợp tác - Quản lý tài nguyên (Trung tâm Internet Việt Nam) cho biết: Trong năm 2017, hạ tầng IPv6 Việt Nam tiếp tục hoạt động ổn định. Tất cả các doanh nghiệp lớn đã kết nối với nhau qua IPv6 và mở rộng các kết nối IPv6 quốc tế.

Tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ việc triển khai của 3 doanh nghiệp tiêu biểu là Công ty cổ phần viễn thông FPT (FPT Telecom), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến (FPT Online) và hoạt động ổn định của hệ thống mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia trên nền tảng mạng DNS quốc gia và Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX)...

Trạm trung chuyển lưu lượng internet quốc gia có thêm 2 thành viên kết nối IPv6. Tính đến cuối năm 2017, có 13/18 ISP kết nối IPv6 với tổng lưu lượng IPv6 trao đổi qua VNIX đạt hơn 18,27 GB. Mạng máy chủ tên miền DNS quốc gia hoạt động tốt với IPv6 (5/7 cụm máy chủ hoạt động song song IPv4/IPv6).

Năm 2017, một số nhà đăng ký tên miền như  “PA Việt Nam”, “Mắt bão”, “VNPT”... đã triển khai hỗ trợ IPv6 trên hệ thống cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn” cho khách hàng. Đến hết năm 2017, Việt Nam đã có 4.000 website dưới tên miền “.vn” hoạt động với IPv6 (so với khoảng 100 website năm 2016); có 27 website của các cơ quan Nhà nước trong đó có 19 website có tên miền “gov.vn” đã hoạt động với IPv6...

Theo “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2017”, hiện tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam là khoảng 10%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN, thứ 5 ở châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam thì tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với trung bình chung toàn cầu (tính đến tháng 12/2017). Với tốc độ triển khai tăng gấp 2 lần mỗi năm, các chuyên gia về internet dự báo số người dùng IPv6 trên toàn cầu sẽ vượt quá 50% vào năm 2019... 


Hiện nay, tốc độ triển khai IPv6 trên thế giới cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có chiều hướng tăng trưởng mạnh hơn. Để bắt kịp với mức độ triển khai IPv6 trung bình toàn thế giới, trong thời gian tới, công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam cần đẩy mạnh hơn và toàn diện hơn. Theo đó, năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung theo sát các nội dung “Kế hoạch hành động quốc gia về Ipv6”.

Các đơn vị công nghệ thông tin của khối cơ quan Đảng, Nhà nước cần tăng cường triển khai IPv6 trong ứng dụng công nghệ thông tin (đặc biệt là trong các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, hệ thống máy tính kết nối internet...); tăng cường sử dụng ứng dụng phần mềm, dịch vụ nội dung số trên nền tảng IPv6, đồng thời triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE, trên tên miền quốc gia “.vn”...

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất