Thực trạng khan hiếm nội tạng hiến tặng đã thôi thúc các bác sỹ tìm tòi cách thức để sử dụng các tạng nhiễm virus viêm gan C - căn bệnh truyền nhiễm đang ngày một phổ biến ở Mỹ, do hậu quả của cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau nhóm opioid.
Lá phổi của người cho bị nhiễm bệnh được đặt vào dụng cụ vô trùng trong 6 giờ. (Nguồn: ctvnews.ca)
Một số bệnh viện ở Mỹ, đặc biệt là tại Boston, đã tiến hành ghép tạng từ nguồn cho bị nhiễm virus viêm gan C. Sau đó, những bệnh nhân vừa được cấy ghép sẽ phải nhanh chóng dùng thuốc để loại bỏ virus. Tuy nhiên, các bác sỹ Cananda đã sử dụng một kỹ thuật khác để loại bỏ virus viêm gan C ở các ca cấy ghép tạng.
Tại Hội nghị Viêm gan toàn cầu được tổ chức ở thành phố Toronto (Canada), ngày 14/6, các bác sỹ nước chủ nhà đã thông báo kết quả ban đầu từ việc thử nghiệm cấy ghép phổi từ những người cho tạng bị nhiễm virus viêm gan C.
Theo bác sỹ phẫu thuật Marcelo Cypel thuộc Bệnh viện đa khoa Toronto, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên 10 bệnh nhân. Trước khi cấy ghép phổi cho các bệnh nhân, các bác sỹ đã đặt những lá phổi của người cho bị nhiễm bệnh vào một dụng cụ vô trùng trong 6 giờ, sau đó, tiến hành xử lý những lá phổi này bằng thuốc để giảm thiểu lượng virus viêm gan C.
Dù biện pháp này không thể loại trừ hoàn toàn virus viêm gan C ra khỏi những lá phổi của người cho nhiễm bệnh như các bác sỹ mong muốn, song nó đã giúp giảm tới 85% lượng virus viêm gan C.
Sau quá trình cấy ghép, các bệnh nhân được nhận phổi sẽ được điều trị trong 12 tuần bằng một loại thuốc kết hợp sofosbuvir và velpatasvir, được biết đến với tên gọi Epclusa, để điều trị viêm gan C. Trung bình trong ba tuần điều trị, các bệnh nhân này được xét nghiệm âm tính với virus viêm gan C.
Bác sỹ Cypel khẳng định kết quả trên là đáng khích lệ. Theo đó, việc cho phép những người viêm gan C hiến tạng giúp tăng số lượng phổi có thể dùng để cấy ghép lên 1.000 lá phổi/năm, trong khi Canada và Mỹ có thể thực hiện mỗi năm khoảng 2.600 ca cấy ghép phổi./.
Theo TTXVN