Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 27/2/2009 14:23'(GMT+7)

Ưu tiên phát triển y tế cơ sở

Khám và điều trị bệnh miễn phí cho người dân tộc thiểu số ở Khánh Hòa

Khám và điều trị bệnh miễn phí cho người dân tộc thiểu số ở Khánh Hòa

Phóng viên (PV):  Thưa Bộ trưởng,  mạng lưới y tế cơ sở có vai trò hết sức quan trọng, nhưng dường như thời gian qua chưa được đầu tư xứng đáng, chưa đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cơ sở?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu (B.T.N.Q.T):  Về đầu tư đối với y tế cơ sở, nên được xem xét kỹ các khía cạnh.

Trước hết có thể thấy những nội dung qua thời gian đã có chuyển biến rõ nét như: Về tổ chức: Thời kỳ đầu y tế xã, phường, thị trấn là y tế dân lập; từ  năm 1995 chuyển vào hệ thống y tế Nhà nước, coi là một khâu đầu tiếp xúc sâu sát với nhân dân. 

Về cơ sở nhà trạm: Tỷ lệ số xã có trạm y tế tăng dần qua các năm, đạt 89,4% (vào năm 1995) và tăng lên 98,4% (sáu tháng đầu năm 2008). 

Về nhân lực: Số lượng cán bộ y tế công tác tại xã được cải thiện; bình quân cán bộ y tế/trạm y tế xã từ 3,7 (năm 1995)  tăng lên 4,9 (sáu tháng đầu năm 2008). Trình độ, năng lực chuyên môn được nâng lên; số cán bộ có trình độ đại học/tổng số cán bộ y tế xã đạt 4,7% (năm 1995) tăng lên 13,1% ( sáu tháng đầu năm 2008).

Cũng thời điểm  sáu tháng đầu năm 2008, 66,5% số xã đã có bác sĩ, 93,6% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 83,9% số thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.

Về hoạt động, trạm y tế xã đi vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, vừa cung cấp dịch vụ tại trạm y tế, vừa xuống tận các thôn, bản để thực hiện vệ sinh phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân tại nhà. Về chế độ, chính sách, cán bộ y tế xã trước đây chỉ được hưởng sinh hoạt phí (ngân sách xã 50%, huyện 50%). Từ năm 1995 đã được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội như cán bộ có cùng trình độ.  Về cơ chế quản lý, trước đây do UBND cấp huyện quản lý toàn diện, sau này thêm vai trò quản lý chuyên môn, kỹ thuật của trung tâm y tế huyện.

Tuy nhiên, cũng nhiều hạn chế như cơ chế quản lý trạm y tế có nhiều biến động phần nào đã ảnh hưởng hiệu quả hoạt động.  Chế độ và chính sách đối với y tế tuyến cơ sở tuy đã được cải thiện nhiều nhưng chưa thật sự đáp ứng và khuyến khích, động viên để đội ngũ viên chức y tế làm việc tại các trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản yên tâm công tác phục vụ nhân dân.

PV: Thời gian gần đây Nhà nước cũng như ngành y tế đã có những chương trình hỗ trợ y tế cơ sở như: Ðầu tư nâng cấp bệnh viện huyện, hay tăng cường cán bộ có trình độ chuyên môn cho y tế cơ sở. Vậy kết quả cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?

B.T. N.Q.T: Thời gian gần đây, Nhà nước và ngành y tế  quan tâm  nhiều đến y tế cơ sở như: Thủ tướng Chính phủ  ban hành quyết định số 47/2008/QÐ-TTg phê duyệt đề án nâng cấp 621 bệnh viện huyện với tổng mức đầu tư 17 nghìn tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu Chính phủ.  Mục đích của đề án là  tăng cường năng lực và điều kiện để đáp ứng với nhu cầu khám, điều trị bệnh cho nhân dân nhằm tạo điều kiện để người dân có cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng đồng thời góp phần làm giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên. Ðồng thời, Bộ Y tế đang nỗ lực chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện Ðề án 1816 nhằm tăng cường, luân phiên cán bộ y tế có tay nghề tốt ở các đơn vị tuyến Trung ương về hỗ trợ cho các cơ sở y tế ở địa phương; tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới trên cơ sở xác định đúng nhu cầu và hỗ trợ có hiệu quả, thường xuyên, liên tục. Kết quả bước đầu đã tạo được phong trào và có nhiều kỹ thuật được chuyển giao cho cơ sở có hiệu quả theo phương thức cầm tay chỉ việc. Sau năm tháng triển khai thực hiện đã thu được những kết quả ban đầu như: Có 58 bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên; trong đó 30 Bệnh viện T.Ư, bốn bệnh viện thuộc TP Hà Nội; 22 bệnh viện thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang. Có 1.037 lượt cán bộ đi luân phiên; trong đó, Bệnh viện T.Ư 668, Sở Y tế Hà Nội 17, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh 340, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng 8, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Kiên Giang 4. Thời gian đi luân phiên: Từ một tuần đến ba tháng. Các lĩnh vực chuyên môn được chuyển giao, bao gồm 19 chuyên ngành: Nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, ung thư, nội tiết, tai mũi họng, răng hàm mặt, truyền nhiễm, da liễu, tâm thần, huyết học truyền máu, đông y, châm cứu, phục hồi chức năng, xét nghiệm, điều dưỡng, sửa chữa trang thiết bị. Cán bộ đi luân phiên đã giúp các bệnh viện tuyến dưới đạt được một số kết quả như: 2.931 lượt người tham gia các lớp tập huấn, 42 nghìn 608 lượt người bệnh được cán bộ luân phiên trực tiếp khám, 607 người bệnh được cán bộ luân phiên phẫu thuật tại chỗ; số người bệnh  phải chuyển về tuyến trên giảm 30%.  

PV: Chủ đề của Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay là hướng về cơ sở. Vậy ngành y tế cụ thể hóa chủ trương đó như thế nào? Những ưu tiên nào sẽ được triển khai, thưa  Bộ trưởng?

B.T. N.Q.T: Chủ đề ngày 27-2 năm nay hướng về y tế cơ sở, trước hết nhằm tôn vinh, ghi nhận, động viên công lao hết sức to lớn mà cũng rất thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở,  những chiến sĩ áo trắng tiên phong ở tuyến đầu trên mặt trận phòng, chống ngăn ngừa dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Ðồng thời, ngành y tế cũng hy vọng và mong đợi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của Ðảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị các cấp và của cộng đồng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe. Ðể cụ thể hóa, thời gian tới ngành ưu triên triển khai ba nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất,  nhóm giải pháp về tổ chức. Ngành sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và xác định cơ cấu nhân lực của trạm y tế xã phù hợp cơ chế quản lý và hoạt động cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật trong tình hình mới. Ðặc biệt, quy định rõ được khám bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã khi  bảo đảm các điều kiện về nhân lực, năng lực và trang thiết bị cần thiết. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân về nội dung và phương thức hoạt động. Khẳng định vai trò của Ðảng, chính quyền, đoàn thể và sự tham gia của cộng đồng trong xác định nhu cầu, thực hiện, theo dõi giám sát và đánh giá hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân phù hợp điều kiện cụ thể của từng vùng theo từng giai đoạn.

Thứ hai, nhóm giải pháp về đầu tư sẽ đề xuất  Chính phủ sớm có giải pháp bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch đầu tư, nâng cấp trạm y tế xã theo Quyết định số 950/2007/QÐ-TTg ngày 27-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ. Ðây cũng là một trong những nội dung quan trọng của Bộ Y tế trong hoạt động xây dựng Ðề án phát triển y tế nông thôn thực hiện Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28-10-2008 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp và đáp ứng kinh phí để trạm y tế xã có đủ điều kiện phục vụ cho các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn cho cán bộ y tế xã thông qua việc đào tạo (đại học, sau đại học), bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn, kỹ thuật; khả năng tham mưu, kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp và huy động cộng đồng; Có chính sách đào tạo thích hợp, chú trọng việc biên soạn giáo trình phù hợp, quan tâm đến nội dung chẩn đoán cộng đồng và khả năng đáp ứng những thay đổi của môi trường liên quan đến sức khỏe.

Thứ ba, nhóm giải pháp về chế độ chính sách. Nghiên cứu đề xuất và thực hiện chính sách ưu đãi phù hợp đối với đội ngũ cán bộ y tế công tác ở các xã theo các vùng, miền, nhất là những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nghiên cứu và thực hiện chính sách nghĩa vụ đối với cán bộ y tế nhất là đội ngũ mới ra trường  có khoảng thời gian nhất định công tác tại tuyến y tế cơ sở, coi thời gian  này là một trong những điều kiện bắt buộc khi tuyển dụng vào các cơ sở y tế cũng như khi được cấp chứng chỉ hành nghề; nghiên cứu đề xuất và thực hiện chế độ phụ cấp phù hợp đối với nhân viên y tế thôn, bản và cộng tác viên dân số để khuyến khích và động viên đội ngũ nhân viên y tế cơ sở tích cực tham gia công tác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bộ trưởng.

(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất