Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 21/8/2008 11:50'(GMT+7)

Ưu tiên vốn phát triển ngành cơ khí chế tạo phục vụ mục tiêu CNH-HĐH vào năm 2020

Tại buổi làm việc ngày 20/8 với Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, đồng chí Tấn Sang nhận định: Từ năm 2003 đến nay, ngành cơ khí nước ta đã có những khởi sắc quan trọng, sản phẩm cơ khí tăng bình quân 21,9%/năm; một số sản phẩm cơ khí đã có sức cạnh tranh cả thị trường trong nước và nước ngoài; xuất khẩu năm 2007 đạt hơn 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và mục tiêu thì ngành cơ khí nước ta bộc lộ nhiều bất cập, mới đạt trình độ gia công kết cấu thép và chế tạo máy công cụ, chế biến công nghiệp cỡ nhỏ. Tỷ trọng gia công nhiều, giá trị gia tăng trong sản phẩm cơ khí thấp. Nếu không thoát khỏi tình trạng “nền cơ khí gia công” thì chúng ta khó đạt được mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vào năm 2020.

Đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng, trong thời gian tới, cần phải kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Kết luận 25 của Trung ương, Quyết định 186 của Chính phủ (Kết luận số 25/KL-TW ngày 17/10/2003, về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam của Bộ Chính trị và Quyết định 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển CNCK với 8 nhóm sản phẩm trọng điểm), đặc biệt là tìm nguyên nhân tại sao có tình trạng “chững lại về phát triển cơ khí?”, chúng ta đang tụt hậu so với các nước trong khu vực về cơ khí.

Để phát triển ngành cơ khí nước ta, cần phải xác định rõ vai trò, vị trị nòng cốt của ngành cơ khí trong nền kinh tế đất nước, trên cơ sở đó hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó có trách nhiệm “bà đỡ” của Nhà nước đối với cơ khí chế tạo, là cốt lõi của chiến lược phát triển kinh tế nước nhà; đồng thời thực hiện các giải pháp: ưu tiên vốn cho phát triển cơ khí chế tạo, ngành luyện kim cần có lộ trình, thời gian thích hợp; hoàn thiện quy hoạch tổng thể của ngành cơ khí; quy hoạch chuyên ngành; xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của ngành cơ khí trong 5 năm và 10 năm tới; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho cơ khí trong 5 năm tới và đến năm 2020; phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ cơ khí; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Đặc biệt, Hiệp hội các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phải phát huy vai trò tập hợp, liên kết các đơn vị thành viên vừa phân công chuyên sâu theo chuyên ngành vừa hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ nhau công nghệ, khoa học, đào tạo nguồn lực phát triển ngành cơ khí đáp ứng yêu cầu CNH -HĐH đất nước gắn với tăng cường năng lực quốc phòng, xứng đáng với vị trí nòng cốt của cơ khí trong nền kinh tế đất nước.

Các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cần đi đầu trong việc khắc phục tình trạng “Một doanh nghiệp Việt Nam thì mạnh, nhưng sức liên kết của nhiều doanh nghiệp lại yếu”. Đặc biệt, những nhà doanh nghiệp hàng đầu của ngành cơ khí trong các lĩnh vực đóng tàu, ô tô, thiết bị đồng bộ, cơ khí xây dựng.v.v...có vai trò và trách nhiệm rất lớn đối với nền công nghiệp nước nhà, càng phải nỗ lực vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.

Báo cáo của ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) và lãnh đạo các đơn vị thành viên cho thấy: thực hiện Kết luận 25 của Trung ương và Quyết định 186 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp cơ khí đã chú trọng phát triển công nghệ, đã có thể làm tổng thầu EPC thiết kế, chế tạo, xây lắp cho một số dự án lớn như dầu khí, nhiệt điện, thuỷ điện, xi măng, đóng tàu biển...

Trong giai đoạn 2001-2008, tốc độ tăng trưởng bình quân 21,9%/năm. Năm 2005, giá trị sản xuất toàn ngành cơ khí gấp 6,5 lần so với năm 1995. Năm 2007, giá trị sản phẩm cơ khí ước đạt 113 ngàn tỷ đồng, đáp ứng 40% nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu đạt đạt trên 2 tỷ USD (chiếm 30% tổng sản phẩm cơ khí); 6 tháng đầu năm 2008, xuất khẩu ước đạt 0,9 tỷ USD. So với các nước trong khu vực, cơ khí nước ta được đầu tư rất ít (tổng giá trị đầu tư đến nay khoảng 3 tỷ USD).

Vì vậy, ngành cơ khí Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ sở vật chất tiên tiến để đủ khả năng chế tạo máy, thiết bị đạt tiêu chuẩn, hàm lượng công nghệ cao, nên chưa có thương hiệu mạnh về cơ khí trên thị trường quốc tế. Trong nước, sản phẩm cơ khí Việt Nam mới chiếm 40% thị phần, trong khi tiềm năng thị trường nội địa phát triển rất mạnh (từ 10 tỷ USD hiện nay đến 18 tỷ USD trong những năm tới). Ông Thụ khẳng định: Nếu Nhà nước có chính sách phát triển cơ khi nhất quán và đồng bộ thì các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam sẽ từng bước thoát ra khỏi tình trạng cơ khí gia công như hiện nay./.
TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất