Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 13/11/2008 13:56'(GMT+7)

V.A.T!

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Câu chuyện về hành trình của những tờ hoá đơn giá trị gia tăng (V.A.T) bị làm giả, bị ghi khống, cùng số phận của nó chưa thể đến hồi kết và còn bị chi phối ít nhất bởi những quy định ngặt ngèo trong các doanh nghiệp nhà nước và quy luật cung cầu của thị trường. Đi qua những giá trị thực ảo, thật giả ở các chợ trời hoá đơn đỏ, người ta có thể không biết hoặc cố tình phớt lờ, sự thật V.A.T trên hoá đơn còn thanh toán những gì nữa? Xin nói ngay đó là nhân phẩm, cái thứ tưởng như không thể định giá!

Mới đây, người ta phát hiện ra và thông tin lùm xùm vụ việc một khách sạn ở Hà Nội đã ghi khống nhiều lần hoá đơn cho khách, ghi vượt trội hơn giá trị thực gấp nhiều lần; VTV trong chương trình thời sự gần đây cũng  "bóc ra" một phần của những "tụ điểm ngầm" mua bán hoá đơn V.A.T tại TP.Hà Nội... nhiều người xem truyền hình thì "tặc lưỡi và xuýt xoa", những  tưởng như thế đã "ghê gớm" lắm. Nhưng chắc chắn đó không phải là điển hình hoặc cá biệt. Nó chỉ nói lên một điều rằng: dù hoá đơn có ghi bao nhiêu thì vẫn thanh toán được, giúp người ta hiểu thêm những quy định vừa lỏng lẻo, vừa chặt chẽ nhưng rất rối rắm trong nguyên tắc tài chính của doanh nghiệp nhà nước, hiện thực đó đã khuyến khích một bộ phận công chức phải dối trá để được việc cũng như để tư lợi cho bản thân, thêm nữa dễ hình dung cho những sai phạm có tổ chức theo hệ thống như những câu chuyện truyền kỳ, nhiều người biết nhưng ít người "hé răng", bởi đã trót quen và "có mất gì đâu, tiền của Nhà nước ấy mà"!.

Những hiện trạng này đã khiến việc vận dụng cơ chế tài chính được biến thái rất linh hoạt, đi đâu, làm gì hễ khó khăn về tài chính là người ta nghĩ ngay đến hoá đơn, nó có thể hợp thức hoá tất các khoản. Thành thạo nhất những việc này là các anh hành chính, quản trị, văn phòng, cả một đoàn cơ quan nhà nước đi công tác, đi chơi, hội nghị, họp hành có thêm anh kế toán đi cùng nữa thì yên tâm tuyệt đối, không phải chi tiền mà khi về có khi còn được lĩnh thêm.

Được tháp tùng nhiều đoàn cán bộ trong những chuyến công cán xuyên Việt càng giúp tôi nhận ra thêm bên cạnh những mặt "tích cực và hữu ích" của tờ hoá đơn, công cụ giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ nguồn tài chính, thì còn có những câu chuyện khôi hài, thậm chí đau xót, chua cay! Đi qua mỗi tỉnh, các đoàn công tác đều được các chi nhánh, cơ sở đón tiếp rất nhiệt tình, hậu hĩnh, thôi thì cái khoản ăn, ngủ, nghỉ cứ gọi là "không phải lăn tăn", hào phóng và chân tình. Ngoài ra còn cái khoản "văn hoá tinh thần" trong những cuộc "công cán" đó, mà nhiều cán bộ "không nỡ bỏ qua", sơ sài thì cũng karaoke, uống, hát... trách nhiệm quan trọng và "cao cả" cuối cùng thuộc về những anh "trợ lý", "thư ký" hoặc mấy anh “loong toong”, phải tính toán, phải nói khéo với nhà hàng ghi tất tật vào hoá đơn đã bao gồm cả V.A.T.

Ở những khu du lịch có tiếng một chút, nói như cách nói của mấy anh bên bàn nhậu, thì dù có cái nắng, có cái gió (biển) nhưng nếu thiếu “cái đó” thì cũng không hấp dẫn, chính vì thế, ở một vài tụ điểm du lịch, có những "má mì" đã lộ liễu mời khách và tuyên bố rất hồn nhiên và thành thạo rằng "mức giá cho một lần vui vẻ" đã bao gồm cả... V.A.T. Nhiều đoàn công tác có những "cụ", những bác răng chẳng còn, sức chẳng có nhưng cũng "không nỡ bỏ phí của giời" nên cũng cố ăn uống và "vui vẻ" tốn đến hàng chục, vài chục triệu đồng. Điều đáng nói là số tiền đó không phải được lấy ra ở túi các bác, các cụ, mà là sẽ được "hợp thức hoá" nhờ "cái anh V.A.T". Chỉ khổ cho các DNNN, áp đặt chặt chẽ quá các phương thức tính toán với những lý thuyết thặng dư mà không nhận thức rõ ràng những dung sai với biên độ tăng giảm của thực tế thị trường, vô hình đã định giá cả nhân phẩm khi quy kết nó vào diện hàng hoá phải chịu thuế giá trị gia tăng (trong hoá đơn, nó được “núp” dưới cái vỏ bọc là “tiếp khách”), mà cái này đối với nền “kinh tế sạch” thì cần phải triệt tiêu.

Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế đất nước, các chuẩn mực đã và đang được đặt ra rồi sẽ có những hình thái tích cực rõ ràng hơn, đặc biệt đối với lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, tiền tệ, chắc chắn rồi sẽ đến lúc những cuộc hội nghị, hội họp, đi cơ sở đối với nhiều người "sẽ kém vui đi rất nhiều". Hội họp phải đăng ký, nộp tiền để người ta đánh giá đúng hiệu quả của đào tạo, công việc, còn chơi, nhậu sẽ phải tính bằng tiền túi cá nhân, các cuộc đón tiếp, đưa rước sẽ “trong veo” hơn, và lúc đó nhân phẩm sẽ trở lại đúng với giá trị vốn có của nó, là một thứ không thể quy đổi khiến Nhà nước phải hoàn thuế V.A.T cho những kẻ đã lợi dụng và kiếm ăn trên đó./.

Lê Trí Dũng (Gia Lâm - Hà Nội)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất