Chủ Nhật, 29/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 21/9/2011 15:54'(GMT+7)

Vài suy nghĩ về một hội trại sáng tác văn học - nghệ thuật

Nhà văn Đỗ Kim Cuông phát biểu bế mạc trại sáng tác

Nhà văn Đỗ Kim Cuông phát biểu bế mạc trại sáng tác

Nguyễn Phước Thị Liên - Nhà văn lớn tuổi nhất trại (71 tuổi) đến từ tỉnh Kiên Giang cho biết “Tham gia trại lần này, tôi có dịp mở rộng tầm nhìn, nắm chắc thêm quan điểm sáng tác, phong cách thể hiện tác phẩm”. Nhà thơ Đông Triều (tỉnh An Giang) bộc bạch: “Đây là dịp tốt để các văn nghệ sỹ giao lưu học tập với đồng nghiệp, cùng chia sẻ những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật, tiếp cận những sáng tác mới”...

Trong dịp này, các trại viên được tham quan thực tế tại chợ nổi Cái Răng, Phong Điền; khu di tích xã Trường Long, mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị; vườn du lịch sinh thái Mỹ Khánh (huyện Phong Điền); khu du lịch Phù Sa và một số địa danh khác của Cần Thơ… tạo nguồn cảm hứng để cho ra đời những tác phẩm hay về vùng đất và con người đất "chín rồng" .

Theo Ban tổ chức, đây là trại sáng tác văn học nghệ thuật có số lượng tác phẩm khá nhiều, đồng đều, chất lượng tốt so với 4 trại đã tổ chức trước đây. Sau 10 ngày các nhà văn, nhà thơ, nhác sỹ..đã sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị:  về văn xuôi, đã có trên 40 truyện ngắn, 6 bút ký, tản văn, 1 chương tiểu thuyết, 1 tập truyện ký; về thơ, có 2 tập thơ và trên 90 bài thơ; về âm nhạc, có 38 tác phẩm. Chất lượng các tác phẩm khá tốt, đồng đều, phong phú, đa dạng, phản ảnh chân thực cuộc sống, ca ngợi chân, thiện, mỹ,... Thông qua trại sáng tác, đã xuất hiện một số nhân tố mới có nhiều triển vọng. 

Cũng trong những ngày ở trại sáng tác, các văn nghệ sỹ được cung cấp thông tin có tính thời sự về của đất nuớc, từ đó xây dựng những tác phẩm phục vụ kịp thời công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – khẳng định vai trò và trách nhiệm của những người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hoá.

Tuy vậy, các tác phẩm của các văn nghệ sỹ vẫn chỉ tập trung vào tình yêu đôi lứa, gia đình, làng xóm, những phận người đau khổ dưới đáy xã hội, mà chưa có những đề tài mới thể hiện một cách nhìn, một khát vọng đầy lạc quan, những nhân tố mới...Hình tượng sáng tác trong thơ, âm nhạc của các trại viên tuy đổi mới, nhưng chưa sâu, vẫn chỉ là bến nước, cây cầu, con đò, tình yêu trai gái... mà chưa đột phá vào sự đổi mới trong lòng mỗi con người, mỗi tập thể, thông qua những hình ảnh, việc làm cụ thể. Đáng lo ngại là một số ít tác giả chưa hiểu  biết về các thể loại văn thơ, nhạc..còn nhầm lẫn thể loại giữa tuỳ bút và tản văn, giữa ký và truyện ngắn.... ; văn phong thể hiện chưa mạch lạc, chưa định hình rõ tính cách nhân vật; bố cục tác phẩm chưa rõ ràng, chưa làm toát lên sự kiện; chưa đẩy mạnh cao trào, kịch tích, mâu thuẫn vấn đề cần đề cập…Trong một số tác phẩm, cách viết tuy có đổi mới, nhưng  chưa thuyết phục, chưa đáp ứng nhu cầu của người đọc. Mặt khác, dường như một chủ đề rất quan trọng về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động chưa được đề cập.

 Phát biểu bế mạc trại, nhà văn Đỗ Kim Cuông đánh giá cao kết quả đạt được của trại viên và nhấn mạnh: “Trong giai đoạn hiện nay, văn học nghệ thuật càng trở nên quan trọng, cấp thiết, vì vậy cần tập trung các chủ đề chiến lược như: nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước; chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc, đặc biệt chú trọng xây dựng các tác phẩm bám chắc vào chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.


Bài và ảnh: Song Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất