Ngày 28/12, tại Hội thảo “Truyền thông chính sách và xử lý khủng
hoảng truyền thông” do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối
hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức, ông
Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền
thông cho rằng trong bối cảnh mạng xã hội đang khiến thông tin bị nhiễu
loạn thì vai trò của các cơ quan báo chí càng quan trọng hơn.
Nhà báo Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối
ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) thừa nhận một thực tế là không ít
phóng viên gặp khó khăn khi đi tác nghiệp tại các cơ quan nhà nước.
“Một số cơ quan Nhà nước khi ban hành chính sách bị người dân phản
ứng, phóng viên liên hệ làm việc thì người phát ngôn lại né tránh. Do
thông tin tới báo chí còn lúng túng, bị động, không kịp thời dẫn đến
khủng khoảng truyền thông”, ông Nghiêm nói.
Về điều này, nhà báo Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: “Trong xử lí khủng hoảng
truyền thông, các cơ quan Nhà nước cần tránh việc bưng bít thông tin vì
điều này càng khiến người dân tò mò, đồng thời tạo điều kiện để lan
truyền những thông tin không chính xác. Ngoài ra, cần tránh việc dùng
tiền để xử lí khủng hoảng.
Trong việc truyền thông chính sách, những người đứng đầu các cơ quan
Nhà nước cần trang bị những kỹ năng trong việc phát ngôn và cung cấp
thông tin cho báo chí một cách chủ động, kịp thời, tránh để báo chí khai
thác các nguồn thiếu tin cậy”.
Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách đã được Chính phủ đẩy
mạnh. Mọi hoạt động của Chính phủ, các Bộ, ngành... đều được công khai,
minh bạch, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cũng đã được ban
hành năm 2013 tạo cơ sở pháp lý cho các nhà báo, cơ quan báo chí được
tiếp cận thông tin, góp phần định hướng dư luận xã hội.
Tuy nhiên, quy chế này chưa quy định cụ thể việc phát ngôn, cung cấp
thông tin với các sự cố mang tính quốc gia, các vụ việc liên quan đến an
ninh, quốc phòng, sức khỏe cộng đồng hay các sự cố liên quan đến nhiều
Bộ, ngành, địa phương.
Điều này khiến các cơ quan báo chí, nhà báo có những khó khăn nhất
định trong việc tiếp cận thông tin chính thống. Việc Chính phủ đã ban
hành Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định cơ chế phát ngôn và cung cấp thông
tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước, cộng với Luật Tiếp
cận thông tin (sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2018) sẽ cơ bản khắc phục được
những hạn chế nêu trên trong thời gian tới./.
Khánh Vy (Báo CAND)