I. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự tác động của nó đến Việt Nam
Có thể diễn đạt một cách ngắn gọn nhất, cách mạng công nghiệp là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất; là sự thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế-xã hộ, văn hóa và kỹ thuật đã được bắt đầu từ nwpws Anh sau đó lan tỏa ra toàn thế giới. Đặc trưng cơ bản nhất của cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra vào thời kỳ này là, nền kinh tế giản đơn, quy mô nhỏ, sản xuất dựa trên lao động chân tay được thay thế bằng công nghiệp và chế tạo máy móc quy mô lớn. Tên gọi "Cách mạng công nghiệp" thường dùng để chỉ giai đoạn thứ nhất của nó diễn ra ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Ý kiến về thời gian diễn ra cách mạng công nghiệp lần thứ nhất không thống nhất, nhưng nói chung là ở nửa cuối thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19. Ảnh hưởng của nó diễn ra ở Tây Âu và Bắc Mỹ trong suốt thế kỷ 19 và sau đó là toàn thế giới. Tác động của cách mạng công nghiệp là vô cùng sâu rộng.
Giai đoạn hai hay còn gọi là cách mạng công nghiệp lần thứ hai tiếp tục ngay sau đó từ nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Cuộc cách mạng bắt đầu với sự phát triển sản xuất hàng hóa của ngành công nghiệp dệt. Sau đó, với nhu cầu cung cấp máy móc và năng lượng cho công nghiệp dệt, các kỹ thuật gia công sắt thép được cải thiện và than đá sử dụng với khối lượng lớn. Thương mại mở rộng tạo điều kiện cho sự ra đời của kênh đào giao thông và đường sắt . Bên cạnh đó, đường giao thông được nâng cấp lớn cho hoạt động giao thương nhộn nhịp. Động cơ hơi nước sử dụng nhiên liệu than và máy móc dẫn động bằng cơ khí đã đưa đến gia tăng năng suất lao động đột biến. Sự phát triển các máy công cụ trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 19 tạo thuận lợi cho lĩnh vực chế tạo máy, phục vụ những ngành sản xuất khác. ách mạng công nghiệp lần thứ hai bắt đầu vào khoảng thập kỉ 1850, khi các tiến bộ kinh tế và kỹ thuật có được nhờ phát triển tàu hơi nước, đường sắt. Đến cuối thế kỷ 19, động lực của Cách mạng công nghiệp là động cơ đốt trong và máy móc sử dụng điện. Năm 1914 (năm bắt đầu từ thế chiến thứ nhất, giai đoạn thứ hai này kết thúc.
ách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu khoảng 1969, khi có các tiến bộ về hạ tầng điện tử, máy tính và số hoá vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990). Cho đến cuối thế kỷ 20, quá trình này cơ bản hoàn thành nhờ những thành tựu khoa học công nghệ cao. Năm 1997, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra là bước đánh dấu giai đoạn thứ ba kết thúc.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) bắt đầu vào đầu thế kỉ 21, tiếp sau những thành tựu lớn từ lần thứ 3 để lại, được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, IoT, S.M.A.C, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới... Hiện tại cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này và là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người[1].
So với các cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những đặc trưng sau: “Một là, nhờ khả năng kết nối thông qua các thiết bị di động và khả năng tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực. Hai là, tốc độ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là không có tiền lệ trong lịch sử. Nếu các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây diễn ra với tốc độ tuyến tính, thì tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là theo hàm số mũ. Ba là, cuộc cách mạng lần này làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên "cách mạng" về tổ chức các chuỗi sản xuất - giá trị. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người”[2].
Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra làn sóng chuyển đổi mà trong tương lai, những biến đổi sâu sắc trong cơ cấu xã hội sẽ là điều tất yếu xảy ra. Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong bài phát biểu chuyên đề tại Lễ Khai khóa-2016 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/10/2016, có nhận định: “So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Hơn nữa, nó đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị”[3]. Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có những tác động to lớn về: kinh tế, xã hội và môi trường; ảnh hưởng ở tất cả các cấp độ: toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia; có những ngành gặp nhiều thách thức, song lại là lợi thế cho những ngành khác có thể tận dụng cơ hội; sẽ có những tác động mang tính rất tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn.
Đối với Việt Nam, với chủ trương chủ động hội nhập sâu rộng với thé giới và khu vực, trong tương tác với quá trình toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có tác động đáng kể đến Việt Nam, tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức. “Vì vậy, việc thế giới mới khởi phát cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam không có được trong suốt 30 năm qua để nhanh chóng đón bắt, tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới, tranh thủ các thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển”[4]. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng có thể sẽ làm thay đổi, làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ, cũng như lợi thế địa kinh tế do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa ngành công nghiệp chế tạo quay trở lại các nước phát triển để gần với thị trường tiêu thụ và các trung tâm nghiên cứu và triển khai.
2. Công tác tư tưởng nước ta trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Với những cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động và đem lại cho Việt Nam như trên đã nói, theo chúng tôi, công tác tư tưởng nước ta trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần phải thể hiện và thực hiện các vai trò sau đây:
Một là, tuyên truyền về thời cơ và thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Việt Nam
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thực sự có ảnh hưởng lớn đối với thế giới, nhất là ở những nước có trình độ khoa học – công nghệ cao. Đối với những nước có nền khoa học – công nghệ chưa thực sự cao, như Việt Nam, thì cuộc cách mạng này cũng đã và đang có tác động hiện hữu cả về khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là cơ hội tốt, nếu chúng ta biết tận dụng nó để vượt lên, để đi tắt, đón đầu tiếp thu những thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến của thế giới nhằm đẩy nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó nội dung của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần phải bao chứa việc tận dụng được những công nghệ đột phá mà cuộc cách mạng này đem lại; đồng thời, nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây. Bên cạnh đó, cũng phải thấy một thách thức rất lớn đang đặt ra cho Việt Nam: đất nước vốn đang bị tụt hậu và giờ đây làm thế nào để Việt Nam không bị tụt lại phía sau trong một thế giới chịu sự chi phối ngày một gia tăng của công nghệ; rồi còn nữa, làm thế nào để nhóm yếu thế ở Việt Nam (tay nghề thấp, doanh nghiệp có công nghệ trung bình…) không bị tụt lại phía sau trong quá trình tăng trưởng ngày càng phải dựa nhiều hơn vào trình độ công nghệ cao và đổi mới sáng tạo…
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, công tác tư tưởng phải chỉ ra và làm rõ tất cả những điều này để người dân, nhất là những người có trách nhiệm, những cán bộ lãnh đạo, quản lý, các doanh nghiệp… phải thấy và nhận thức được những cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa lại để quán triệt, trăn trở trong suy nghĩ và trong họat động hàng ngày, không chỉ trong lời nói mà bằng các việc làm cụ thể. Có như vậy, chúng ta mới không lỗi hẹn với thời đại và với sự phát triển của dân tộc.
Hai là, tuyên truyền để giảm thiểu những tác hại có thể có đối với Việt Nam. Đó là tâm lý lo sợ của người lao động và của doanh nghiệp có công nghệ cũ, lạc hậu. Như trên đã nói, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhóm lao động chịu tác động mạnh: lao động giản đơn, ít kỹ năng, dễ bị thay thế bởi người máy; nhóm lao động có kỹ năng song gắn với doanh nghiệp có công nghệ cũ hoặc lạc nhịp, và đã có tuổi cũng chịu tác động mạnh… Đây là những điều đáng quan ngại nhất hiện nay do quá trình đào tạo lại cũng như điều chỉnh, đổi mới công nghệ không dễ dàng. Công tác tư tưởng phải biết khuyến kích, động viên để những nhóm lao động và doanh nghiệp như vậy phải cố gắng, phải biết xây dựng lộ trình, bước đi để vươn lên. Đó là, vấn đề an ninh phi truyền thống. “Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới, tốc độ ứng dụng và phát triển Internet ngày càng tăng nhưng cũng đặt ra những nguy cơ, thách thức, tiềm ẩn những yếu tố đe doạ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng mạng viễn thông, Internet để tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, gây rối, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế chính trị ở nước ta. Xuất hiện hàng nghìn trang thông tin điện tử, blog, trang mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook, có nội dung xấu, đăng tải ấn phẩm đồi trụy, bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Hoạt động tình báo mạng, tội phạm mạng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống mạng thông tin quốc gia, nhất là hệ thống mạng thông tin của các cơ quan, tổ chức trọng yếu vẫn sẽ là mục tiêu tấn công xâm nhập của tin tặc nước ngoài; nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin, lộ, lọt bí mật nhà nước sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không có giải pháp phòng, chống hữu hiệu”[5]. Trước tình hình đó, công tác tư tưởng phải làm cho các cấp, các ngành và toàn thể người dân nhân thấy, việc “bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, phòng, chống vi phạm và tội phạm mạng là cuộc đấu tranh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, là một bộ phận trọng yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, của các cấp, các ngành”[6]. Đó còn là, vấn đề thực và ảo trong kỷ nguyên số hóa. “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra tiền đề và cơ hội cho sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số làm xuất hiện Internet của vạn vật (Internet of Things, IoT). Cảm biến và các giải pháp kết nối thế giới thực vào mạng không gian ảo đang phát triển hết sức nhanh chóng”[7]. Từ đây, công tác tư tưởng phải tuyên truyền, giáo dục cho mọi công dân, nhất là thanh, thiếu niên phải hướng việc kết hợp sản xuất thực và ảo vào những mục tiêu chính đáng, chân chính; tránh và hạn chế tối đa việc sử dụng kết hợp sản xuất thực và ảo vào những mục tiêu bất chính, vị lợi cá nhân, nhất là không được phép đưa đến hậu quả vi phạm đạo đức và phạm pháp nghiêm trọng.
Ba là, tuyên truyền về định hướng phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ phục vụ kỷ nguyên số hóa
Một điểm nữa rất đáng quan tâm là, để đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công tác tư tưởng phải luôn quán triệt và thấm nhuần quan điểm của Đảng: phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, do đó cần phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tinh thần chỉ đạo của Đảng tại Đại hội lần thứ XII là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề. Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người”[8]. Theo tinh thần đó và để tham gia có hiệu quả, thiết thực vào việc Việt Nam có thể tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, công tác tư tưởng phải tập trung tuyên truyền, định hướng thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục, đào tạo theo hướng: hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật (KHCNKT) bằng các thể chế và chính sách hiệu quả; tăng cường quảng bá để nâng cao nhận thức lớp trẻ, hướng sinh viên vào học các ngành KHCNKT; nuôi dưỡng các kỹ năng KHCNKT từ nhỏ, bắt đầu từ cấp mẫu giáo bằng các phương thức giảng dạy phù hợp như câu lạc bộ người máy; học tập các nước tiên tiến trong việc đưa lập trình vào chương trình học từ những lớp dưới; khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, học tập liên tục trên cơ sở tận dụng những công nghệ học tập mới dựa trên Internet; thay đổi căn bản cách học tập và giảng dạy tiếng Anh ở trong nhà trường với những chỉ tiêu giám sát kết quả cụ thể. Bằng trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của mình, công tác tưởng phải làm cho các bậc phụ huynh và học sinh hiểu, thấm sâu và quyết tâm thực hiện lời nhắn nhủ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic quốc tế, học sinh xuất sắc tại kỳ thi THPT quốc gia 2016 tổ chức vào tối ngày 3/12/2016: “Tổ quốc không chỉ cần các tấm huy chương của các em hôm nay mà hơn thế nữa, chính các em là những người thuộc thế hệ sẽ đưa Việt Nam bước lên đài vinh quang trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[9]./.
[1] Xem: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
[2] Trần Đại Quang - “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ phát triển và các thách thức an ninh phi truyền thống." http://www.tuyengiao.vn/ 3/10/2016
[3] Trần Đại Quang - “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ phát triển và các thách thức an ninh phi truyền thống." http://www.tuyengiao.vn/ 3/10/2016
[4] Trần Đại Quang - “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ phát triển và các thách thức an ninh phi truyền thống." http://www.tuyengiao.vn/ 3/10/2016
[5] Trần Đại Quang - “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ phát triển và các thách thức an ninh phi truyền thống." http://www.tuyengiao.vn/ 3/10/2016
[6] Trần Đại Quang - “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ phát triển và các thách thức an ninh phi truyền thống." http://www.tuyengiao.vn/ 3/10/2016
[7] Xem: Thao Lâm - Nhận diện cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4. Http://dantri.com.vn. 07/12/2016
[8] ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. VPTW Đảng, HN, 2016, tr.115
[9] Báo Nhân Dân, ngày 4/12/2016
Ths. Phạm Thị Vui
Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Bồi dưỡng chính trị
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương