Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 16/4/2014 21:16'(GMT+7)

Vai trò của Quốc hội trong đàm phán, phê chuẩn và thực hiện FTA

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Sáng 15/4, tại Hà Nội, Hội thảo “Quốc hội với việc đàm phán, phê chuẩn và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTAs)” được Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tổ chức. Dự Hội thảo có ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, bà Sylvia Hernandes, nguyên Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh của Thượng viện Mehico, chuyên gia của USAID.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Văn Hằng nhấn mạnh: Toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại không chỉ là động lực quan trọng nhất thúc đẩy nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21, mà còn là xu hướng tất yếu của quá trình tập trung, chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động quốc tế. Trong bối cảnh đó, liên kết thương mại đa tầng nấc thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương ngày càng được các nước thúc đẩy mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế, cho đến nay, Việt Nam đã ký kết tám Hiệp định thương mại tự do song phương, gia nhập WTO và đang đàm phán bảy hiệp định khác. Bên cạnh việc có nhiều cơ hội tạo động lực thúc đẩy kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội, cần nhận diện những thách thức cơ bản mang tính chiến lược trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện FTA. Đặc biệt là việc hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách pháp luật phù hợp với các cam kết quốc tế.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế đã trao đổi và làm rõ hơn vai trò của Quốc hội đối với việc đàm phán, ký kết và thực hiện các FTA; tập trung thảo luận về nhiều vấn đề như tác động thuận, nghịch của các FTA; vai trò của Quốc hội đối với đàm phán, ký kết và thực hiện các FTA… và đặc biệt là các vấn đề pháp lý cần sửa đổi, bổ sung của Việt Nam để tăng tính cạnh tranh thương mại. Theo đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Quốc hội sẽ tham gia vào nhiều nội dung quan trọng như củng cố và hoàn thiện cơ sở pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Bà Sylvia Hernandes, nguyên Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh của Thượng viện Mehico, chuyên gia của USAID nhấn mạnh sự khác biệt giữa vai trò của Quốc hội với Chính phủ trong quá trình đàm phán các FTA là ở chỗ, trong khi Chính phủ là người đàm phán duy nhất đại diện cho lợi ích quốc gia thì Quốc hội “là đại diện cho nhiều tiếng nói khác nhau và cung cấp thông tin phục vụ cho nhà đàm phán duy nhất đó”. Vì vậy, Quốc hội phải hiểu rõ toàn bộ nhu cầu và thách thức của quốc gia, đồng thời phải tạo điều kiện, cơ hội cho từng lĩnh vực của từng đại biểu cũng như tất cả những hệ lụy của nó được thể hiện rõ ràng nhất.

Theo chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam có vai trò phê chuẩn các điều ước, hiệp định quốc tế; ban hành các văn bản luật và nội luật hóa các cam kết quốc tế. Quá trình chuẩn bị đàm phán FTA là “thời điểm mà các nhà lập pháp đóng vai trò quan trọng nhất”. Đó chính là những thời khắc mà họ thực sự phải thể hiện những kỹ năng của một đại biểu dân cử: khả năng đối thoại cởi mở với cộng đồng; khả năng nói lên những lợi ích khác nhau và thể hiện những thách thức liên quan; khả năng thông tin cho chính quyền trung ương… Sau đó là khả năng thiết kế các công cụ, chương trình và ngân sách để đáp ứng kịp thời nhu cầu của các lĩnh vực sản xuất trong nước, giúp các lĩnh vực này trang bị những gì cần thiết đảm bảo hội nhập nhanh chóng và thành công vào cuộc cạnh tranh quốc tế.

Cho tới nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký kết 8 Hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 7 Hiệp định khác. Những hiệp định này đã đánh dấu bước tiến vững chắc của Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước./.

Duy Hưng

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất