Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Năm, 8/3/2012 22:24'(GMT+7)

Vai trò người mẹ trong giáo dục gia đình

Những người phụ nữ dân tộc Mông đem theo con nhỏ xuống chợ.

Những người phụ nữ dân tộc Mông đem theo con nhỏ xuống chợ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt; gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng CNXH thì phải chú ý hạt nhân cho tốt” (Bài nói tại Hội nghị cán bộ thảo luận “Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình”, 10-10-1959). Từ bao đời nay, nhân dân ta đã lưu truyền nhiều câu tục ngữ, ca dao nói về vai trò người mẹ đối với gia đình và giáo dục gia đình: “Phúc đức tại mẫu”; “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; “Cây xanh, thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành, để phúc cho con”; “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, v. v… Một gia đình có nền nếp, gia phong, được xã hội trọng vọng - tức là có văn hóa đích thực, con cái biết sống tử tế, là do sự làm gương về lối sống lương thiện và công lao vun trồng, xây dựng của cả người mẹ và người cha; nhưng vai trò người mẹ vẫn cực kỳ nổi bật, bởi: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”! Ở giai đoạn đầu của lịch sử, chế độ mẫu hệ đã chiếm một thời gian dài. Thời phong kiến vốn “trọng nam khinh nữ”, nhưng vai trò của người vợ, người mẹ vẫn không hề suy giảm, nhiều khi họ thay thế người chồng, người cha để nuôi dạy con cái nên người. Đến xã hội hiện đại, với tư tưởng “Nam nữ bình đẳng”, thì vai trò người phụ nữ càng được đề cao và người vợ, người mẹ trong các gia đình trở nên một trụ cột trong việc giáo dục con cái và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trong gia đình, thường thì người cha giáo dục các con về chí hướng, sự nghiệp và nghị lực; còn người mẹ thì thiên về việc bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm cho con. Nhờ công lao sinh thành, dưỡng dục của những người mẹ hiền, nhiều người con đã thành đạt, hiển vinh, nhiều người đã trở thành những anh hùng, thậm chí trở thành thiên tài. Vì vậy, một văn hào đã nói: “Không có phụ nữ thì không có người Mẹ. Không có người Mẹ, thì không có các anh hùng".

Con cái là tấm gương phản ánh thực trạng đạo đức, nếp sống của mỗi gia đình. Những người con ngoan, trò giỏi, những con người tử tế và thành đạt ngoài xã hội nhất định phải xuất thân từ các gia đình có nền nếp, có gia phong, cha mẹ phải là những người lương thiện, giàu lòng tự trọng, có đạo đức, có văn hóa. Trái lại, những kẻ dữ dằn, độc ác, những tên trộm cướp, lưu manh, lừa đảo, những hạng người đê tiện, thường là sản phẩm của những người làm cha, làm mẹ bất lương! “Giỏ nhà ai, quai nhà ấy”; “Rau nào sâu ấy”, “Con nhà tông, chẳng giống lông, cũng giống cánh”,... là những lời đúc kết rất chí lý của ông cha ta. Trong thực tế tốt hoặc xấu của con cái, thì dấu ấn người mẹ là sâu đậm nhất.

Người mẹ có đạo đức, có văn hóa bao giờ cũng chăm lo giáo dục con cái về đạo làm Người! Đạo làm Người, từ xưa cho đến nay, tựu trung vẫn kết tụ ở 5 chữ rất cao đẹp và sâu sắc, theo quan điểm tiến bộ của Nho giáo: Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín! Thực trạng đáng buồn, là trong thời buổi kinh tế thị trường sơ khai ở nước ta, nhiều người coi đồng tiền là “tối thượng”, cho nên một bộ phận lớn các gia đình - trong đó nổi bật là những người làm cha mẹ - đã không làm gương, không dạy con cái theo 5 tiêu chí đạo đức ấy. Nhiều người làm cha mẹ sống rất thực dụng, sống chụp giật, lừa đảo, bát nháo, chỉ cốt có nhiều tiền, bất chấp pháp luật, mất hết lòng tự trọng. Một số người cha, người mẹ khác thì ham hố chức quyền, danh vọng, ngoi lên ghế nọ bậc kia bằng mọi kế, mọi giá. Trong vòng xoáy, cơn lốc xã hội ấy, thì những người phụ nữ, những người làm mẹ bị “cuốn theo chiều gió” là cực kỳ nguy hại. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất, làm lung lay nền tảng gia đình, dễ đổ vỡ hạnh phúc gia đình, gây thất vọng và sự chán chường của những người làm con, khiến đạo đức xã hội xuống cấp, làm bất ổn định xã hội, nảy sinh nhiều loại tội phạm và các tệ nạn xã hội nghiêm trọng; trong đó, vô cùng nhức nhối là các tội phạm vị thành niên! Vì vậy, hơn bao giờ hết, hồi chuông cảnh tỉnh về giáo dục gia đình phải gióng lên liên tục và hối thúc! Cố nhiên, giáo dục gia đình phải đồng bộ với giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội; nhưng trước hết, phải là giáo dục gia đình - trong đó người mẹ có vai trò trung tâm.

Xã hội phải hun đúc nên một nền nếp giáo dục gia đình tốt đẹp, coi trọng vai trò của những người mẹ, để làm nền tảng cho giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội thực sự tốt đẹp. Có được những người con ngoan, mới có những học trò giỏi và những công dân hữu ích của đất nước. Đấy là điều đáng quý nhất trên thế gian, vì người là hoa của đất. Đó cũng là điều mong đợi to lớn và sâu xa của nước nhà. Không có những người con tốt để tạo nên những công dân tốt của đất nước - thì mọi tiền bạc, của cải, danh vị của những người làm cha mẹ cũng đều trở nên vô nghĩa, đều trở thành những thứ giả tạo và phù vân. Nói như thế, để mà đề cao, tôn vinh những người xứng đáng làm Mẹ./.


(ĐÀO NGỌC ĐỆ/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất