(TCTG) - Sở dĩ tôi gọi “ván cờ trẻ thơ” bởi trên 64 ô vuông của bàn cờ, những quân cờ có sự biến hoá khôn lường, nó như biến hoá trong ý nghĩ của trẻ thơ, nông nổi nhưng cũng rất dữ dội…!
1. Thế giới có nhiều thứ đạo, Việt Nam và nhiều nước Á Đông chủ yếu theo đạo Phật, nếu chiếu theo 14 điều răn của Phật thì “sai lầm lớn nhất của của đời người là lừa mình dối người”. Lừa dối trẻ thơ đã là một điều rất tệ hại, nhưng sự lừa dối ấy để cho trẻ nhận thức được thì thật sự là kinh khủng, nó đang báo động cho một nền giáo dục vẫn lấy thành tích làm tâm điểm để phấn đấu, mà không coi trọng đến chất lượng. Minh chứng bằng câu chuyện sau: tại một trường tiểu học, khi đón đoàn lãnh đạo xuống kiểm tra chất lượng dạy và học đã tổ chức một buổi dự giờ theo thông lệ, tại tiết học này người ta đã chọn các cháu học giỏi nhất nhì các lớp khác nhau để xếp vào một lớp, các cháu học kém thì được nghỉ (rất nhiều cháu học kém do hệ luỵ của việc nhồi nhét kiến thức dẫn đến quá tải), việc sắp xếp này để phòng khi lãnh đạo đột xuất kiểm tra nhận thức của học sinh.
Tôi cứ nghĩ bệnh thành tích đã là quá khứ, nó chỉ xảy ra khi xã hội ta còn bao cấp, còn tồn tại các hợp tác xã, chuyện này cũng đã được kể bằng việc nuôi lợn của xã viên, khi có đoàn kiểm tra họ đã nhốt chung những con béo tốt vào một chuồng, khiến chúng cắn nhau sứt sát cả tai cả mặt. Đành rằng cái chuyện chăn nuôi, càng “nhồi” được nhiều càng tốt, nhưng đây là câu chuyện giáo dục, chuyện dạy và học, chuyện đào tạo con người thành người và làm người, “nhồi” theo kiểu nuôi lợn như thế không “bội thực” thì cũng dẫn đến hỏng trong nhận thức của cả một thế hệ.
2. Cũng lại chuyện cháu tôi, vốn có năng khiếu chơi cờ vua từ nhỏ nên được chọn đi thi cờ vua toàn trường, thử sức với cả những học sinh lớp trên, nhiều tuổi hơn nhưng cháu tôi vẫn giành giải nhất cờ vua của cấp tiểu học. Ngày trao giải, cháu tôi nhận được phần thưởng năm nghìn đồng tiền xu nhét trong phong bì, các cháu giải nhì, ba cũng như vậy nhưng giá trị tiền xu thấp hơn. Nhìn cái sự hân hoan của trẻ thơ bóc phong bì lấy tiền, tôi hoang mang thực sự!? Tại sao cả một bộ máy nhà trường không thể nghĩ ra những phần thưởng thiết thực và có ý nghĩa hơn nhằm ghi nhận những dấu ấn của trí tuệ (như giấy khen, chứng nhận thành tích, sách, bút, vở, quần áo…). Nó phản ánh một sự thiếu sáng tạo và rất vô trách nhiệm trong việc quan tâm, phát triển tài năng và nhân cách của tuổi trẻ. Nhiều cháu nhận phần thưởng xong đã bóc phong bì lấy tiền và hết giờ học thì ra cổng trường đi chơi điện tử. Từng được học nhiều, đi nhiều, tôi cũng nhiều lần chứng kiến cái sự hân hoan của các đại biểu nhận phong bì ở các hội nghị, hội thảo, nhiều hội nghị được tổ chức “chay” nhưng các đại biểu lại cứ nghĩ ban tổ chức “quên” mình. Khớp các sự kiện vốn rất vô cớ lại với nhau, âu lại nhận ra cái hệ luỵ của một nền “văn hoá phong bì” vốn đang tồn tại dai dẳng trong xã hội ta chưa cách nào chấm dứt được như là “quy luật về mối quan hệ phổ biến” trong triết học vậy.
Tuổi thơ, mỗi cháu là một quân cờ năng động cần những nước đi hay của người cầm quân, điều khiển quân, thắng được một trận cờ, bước qua được một kỳ thủ cũng như là thay đổi cả một cuộc đời vậy…!!!
Lê Hưng