Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 2/12/2009 10:50'(GMT+7)

Vấn đề toàn nhân loại

Thiên nhiên càng được khai thác triệt để thì thế cân bằng tự nhiên càng bị thách thức và vì thế hậu quả của sự mất cân bằng, của sự cạn kiệt nguồn sống sẽ quay lại đe doạ con người

Thiên nhiên càng được khai thác triệt để thì thế cân bằng tự nhiên càng bị thách thức và vì thế hậu quả của sự mất cân bằng, của sự cạn kiệt nguồn sống sẽ quay lại đe doạ con người

Thế giới đã đi qua gần hết thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Nếu như trong quá khứ, số phận con người hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn phụ thuộc và hoàn cảnh bên ngoài, trong khi hoàn cảnh đó vừa bị thu hẹp, vừa chậm thay đổi, thì nay, chính con người làm thay đổi hoàn cảnh, góp phần tạo ra hoàn cảnh mới ngày càng mở rộng hơn, những biến chuyển của hoàn cảnh nhanh chóng hơn và cuốn hút sự quan tâm của toàn thế giới hơn. Hoàn cảnh càng biến đổi nhanh và rộng thì các quan hệ cộng đồng của con người cũng xuất hiện nhiều vấn đề hơn.

Quan niệm về vấn đề toàn cầu

Thực tiễn đã chứng tỏ, sự phát triển và củng cố của các mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau của thế giới là tất yếu. Hơn nữa, thế giới hiện đại chứa đựng cả những niềm vui và những nỗi bất hạnh, cả nụ cười và nước mắt, cả hạnh phúc và lo toan với biết bao mẫu thuẫn giằng xé trong một sự thống nhất của tổng thể cộng đồng.

Từ quan hệ tất yếu của cộng đồng vừa có mâu thuẫn, vừa có sự thống nhất ấy, nhân loại đúc rút những thành ngữ mới: "Vấn đề toàn cầu”, "Lợi ích toàn nhân loại"… Cộng đồng lớn toàn nhân loại chứa đựng những vấn đề bên trong của nó và những vấn đề đó được tích tụ, rõ nét dần và sâu sắc dần cùng với thời gian. Quy mô toàn cầu, quy mô toàn nhân loại đã đặt ra vấn đề cần biết đến nó và cần tìm cách giải quyết nó.

Vấn đề toàn cầu hay toàn nhân loại được quan niệm là những vấn đề mà tác động của nó có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của tất cả các dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, biên giới quốc gia.

Sự hình thành những vấn đề toàn cầu là do nhiều yếu tố khác nhau tạo nên. Những nguyên nhân trực tiếp nhất phải kể đền tác động hệ quả và những ảnh hưởng lớn lao của các cuộc cách mạng xã hội. Mỗi cuộc cách mạng xã hội tự nó thúc đẩy những bước tiến xã hội khổng lồ, giải quyết được những vấn đề cốt túy của xã hội đương thời, tẩy rửa và vượt qua được nhiều khuyết tật trên các bộ mặt xã hội lạc hậu. Vì thế, sau mỗi cuộc cách mạng xã hội, nhân loại có sức vóc mới, có tác động rất mạnh đến đời sống xã hội. Và, cũng sau đó, bản thân xã hội cộng đồng cũng xuất hiện những vấn đề mới từ nhỏ đến lớn, từ hẹp đến rộng, từ khu vực đến tổng thể. Những lợi ích và hệ lợi ích khác nhau xuất hiện. Những mâu thuẫn và thể thống nhất trong đổi mới được xác lập dẫn tới sự điều chỉnh, sắp xếp lại trật tự xã hội trên quy mô toàn cầu. Sự biến chuyển đó, biến chuuyển của những cuộc cách mạng xã hội long trời chuyển đất như cách mạng tư sản Pháp, cách mạng Tháng Mười Nga - thực sự làm cho thế giới phải xếp đặt lại.

Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng là sự phát triển như vũ bão của sức sản xuất, sự chuyển tiếp các nền văn minh, sự thay đổi nhanh chóng của các yếu tố khoa học, công nghệ đã dẫn đến sự phân bố lại lực lượng của xã hội trên quy mô lớn. Sức sản xuất thay đổi không ngừng cũng gây ra những biến cố thuận và nghịch đối với thiên nhiên, đối với môi trường sống của con người. Sức sản xuất càng phát triển, khả năng con người càng lớn hơn và mạnh mẽ hơn trong việc hiểu biết, thâm nhập thế giới tự nhiên, tiến công, chinh phục thế giới tự nhiên, khai thác, tận dụng thế giới tự nhiên để phục vụ lợi ích con người. Quá trình đó vừa có lợi cho con người, nhưng vừa mang lại hiểm họa cho con người. Thiên nhiên càng được khai thác triệt để thì thế cân bằng tự nhiên càng bị thách thức, và vì thế hậu quả của sự mất cân bằng, của sự cạn kiệt nguồn sống sẽ quay lại đe dọa con người.

Một vấn đề nữa là con người phải đối mặt với chính những hành vi của mình, thuật ngữ mới gọi là "khủng hoảng nền văn minh". Bản chất của khủng hoảng này là hoạt động của con người chứa đựng trong mình các mâu thuẫn. Sự chuyển động tự thân và mù quáng vì những động cơ và lợi ích không được điều chỉnh sẽ dấn đến vực thẳm. Hiểm họa là ở chỗ con người sản xuất ra vũ khí ngày càng hiện đại. Sự tiêu vong toàn thể loài người trong chiến tranh hạt nhân đã không còn dừng lại ở những khái niệm mơ hồ như trong kinh thánh nói về nạn "đại hồng thủy", mà sự hủy diệt dễ nhìn thấy thật. Vũ khí nhiều thêm thì quả đất như bé lại. Người ta tính rằng, nếu các kho bom đạn các loại đã có trong tay con người mà được châm ngòi thì đến chục trái đất cũng sẽ trở thành tro bụi. Chưa hết, người ta còn tính rằng, nếu như các nước đang phát triển cũng tiến theo con đường tiêu xài nguyên vật liệu và năng lượng như các nước phát triển, lại đạt tới mức như Mỹ hiện nay, thì điều đó sẽ dẫn đến cực điểm của "hiệu ứng nhà kính" và đe dọa trực tiếp sự sống.

Tác nhân gây hại

Nhưng ai cũng biết rằng, việc đòi hạ thấp mức tiêu xài năng lượng đối với các nước phát triển là rất khó. Các giải pháp đúng đắn và có hiệu quả không thể có được trong phạm vi một quốc gia. Còn đòi hỏi những cơ chế quốc tế thật đầy đủ và khách quan lại càng khó hơn bởi sự lộng hành của những kẻ vốn đã quá quen với sự tiêu xài hoang phí.

Vấn đề nhân loại, "cái toàn nhân loại" còn gắn bó và chịu ảnh hưởng của quan hệ giai cấp và chế độ xã hội khác nhau. Hiện tượng bị tha hóa và tự tha hóa con người dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, thái độ thực dụng đối với môi trường sống, chính sách ngoại giao "pháo hạm", "chiếc gậy và củ cà rốt" trong quan hệ quốc tế, rõ ràng là những yếu tố vừa cản phá việc giải quyết, vừa làm nảy sinh thêm vấn đề phức tạp trong quan hệ toàn cầu. Đành rằng phải nhấn mạng trách nhiệm chung của tất cả mọi người trong vấn đề toàn cầu, gắn lợi ích của mình trong lợi ích toàn cầu, nhưng cũng cần hiểu rõ ai là thủ phạm chính gây ra các vấn đề toàn cầu và phải tháo gỡ từ đó.

Rõ ràng là chủ nghĩa tư bản phải chịu trách nhiệm chính trong nhiều vấn đề nóng bỏng của toàn cầu hiện nay. Vấn đề phát sinh hệ quả của mối quan hệ giữa các chế độ và quan hệ quốc tế cũng đang nóng bỏng trên nhiều phương diện: quan hệ Đông - Tây, quan hệ Bắc - Nam, các mâu thuẫn giữa các trung tâm tài chính của chủ nghĩa tư bản, các cuộc xung đột gay gắt trong thế giới đang phát triển, món nợ khổng lồ của Nhà nước thuộc thế giới thứ ba… Đây là hệ thống các vấn đề mang tính chính trị - kinh tế - xã hội. Những bản tổng kết kinh tế toàn cầu mang đậm nét những món lợi cho giai cấp những kẻ có tiền và có quyền, đồng thời cũng khắc sâu những vấn đề cơ cực của những người dân nghèo khó.

Vấn đề toàn cầu đã nặng về khoảng cách chênh lệch giữa mức sống xa xỉ với sự bần hàn, thì càng bị nặng nề hơn bởi chính sự vô trách nhiệm của các nước phát triển phương Tây và của giai cấp những người giàu có. Thái độ "sống chết mặc bay " vẫn là phổ biến trong hành vi cư xử thời hiện đại của những kẻ say lợi nhuận. Người ta ra sức sản xuất thêm để thu lợi, người ta hiểu và ra sức làm sạch nơi họ sống, nhưng rồi toàn bộ độc hại, rác rưởi lại chở tới các nước châu Phi. Hiểm họa của những độc chất chế thải này làm thế hệ hôm nay và cả thế hệ mai sau của một số nước nghèo phải gánh chịu.

Vậy là con người đang đứng trước hàng loạt vấn đề gay gắt mang tính toàn cầu. Nhưng vấn đề đó đang tồn tại và có xu hướng gia tăng về số lượng, quy mô và mức độ. Tổng thể các vấn đề toàn cầu bao gồm một số dạng thức: các vấn đề có liên quan đến việc khắc phục những mâu thuẫn trong các quan hệ quốc gia, dân tộc như các vấn đề lợi ích kinh tế, vấn đề lãnh thổ, quân sự, chính trị vấn đề đấu tranh ngăn chặn chiến tranh hạt nhân - bảo vệ hòa bình khắc phục tình trạng lạc hậu ở các nước đang phát triển, thiết lập trật tự kinh tế thế giới mới; những vấn đề và những mâu thuẫn giữa các hành vi của con người đối với tự nhiên, môi trường sinh thái: “Nền văn minh đang bị khủng hoảng, nền văn minh đang nức nở", người ta gọi vấn đề toàn cầu bằng các thuật ngữ như thế.

Sự khủng hoảng đó, những vấn đề toàn cầu đó đặt ra câu hỏi nghiêm túc cho cả loài người. Khả năng tiếp tục tiến lên một cách tự phát như hôm nay, mạnh ai nấy làm như hôm nay hoặc như hôm qua sẽ đưa nhân loại đi tới vực thẳm. Thế giới đang xuất hiện những tiếng chuông cảnh báo toàn cầu. Lối thoát chủ có thể là tìm kiếm những con đường có tính chất đối sách của tiến bộ xã hội một cách hợp lý. Các quốc gia, các dân tộc cần phát triển, cần có chiến lược phát triển cho mình, những cũng cần dành ưu tiên nhất định cho toàn nhân loại.

Không một người nào, dân tộc nào, giai cấp nào bỏ qua lợi ích của mình, vì vậy không thể quan tâm đến lợi ích toàn nhân loại.

Câu hỏi nghiêm túc

Cả nhân loại đang đòi hỏi và cũng đang hoài nghi đối với thái độ của nhiều nước giàu có phương Tây. Liệu chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản có thể thích nghi với điều kiện xóa bỏ mọi thứ vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị, lập nên trật tự thế giới công bằng, ai cũng được làm chủ vận mệnh của mình không? Đây là một câu hỏi nghiêm túc và hiện nay chưa thấy được câu trả lời. Thế giới chứng kiến việc cả trăm nguyên thủ quốc gia, hàng trăm các tổ chức quốc tế, các dân tộc tụ họp ở nhiều nơi và nhiều lần để giải quyết một trong các vấn đề toàn cầu là bảo vệ môi trường, thì lại có những nước giàu nhất, am tường vấn đề này nhất, không chịu ký văn bản công ước quốc tế về môi trường. Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân là cần thiết, là một bước quan trọng mà nhân loại cần chung sức thực hịên. Những vấn đề cần nghiêm túc hơn là phải triệt thoái toàn bộ vũ khí hạt nhân khi đã có.

Từ những lý do nêu trên, chúng ta rất cần phải bàn và giải quyết vấn đề này. Đó thực sự là việc giải quyết các mâu thuẫn của nền văn minh, giải quyết những tình thế đặt ra đối với toàn nhân loại./.

GS - TS. Vũ Văn Hiền
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN
(Theo VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất