Lâu nay, việc tài trợ cho các hoạt động văn hóa, gọi tắt là tài trợ văn hóa không còn là chuyện xa lạ nữa. Từ những hoạt động sân khấu, phim ảnh cho đến biểu diễn trên truyền hình, từ chương trình ca nhạc cho đến game show, talk show hầu hết đều đi kèm với logo của một vài thương hiệu. Đó là biểu hiện tích cực của đời sống kinh tế thị trường và cũng là minh chứng cụ thể nhất của tiến trình xã hội hóa nghệ thuật. Khi cả doanh nghiệp và công chúng đã hình dung trọn vẹn khái niệm tài trợ văn hóa thì chính là lúc chúng ta có quyền nghĩ đến ý thức văn hóa tài trợ một cách sâu sắc và bền vững.
Chúng ta cần khẳng định với nhau: thứ nhất, tài trợ văn hóa là một việc làm rất đáng biểu dương của các doanh nghiệp; thứ hai, tài trợ văn hóa giúp cho các hoạt động nghệ thuật được đầu tư dàn dựng quy mô hơn, chất lượng hơn. Vì vậy, càng có nhiều tài trợ văn hóa thì khán giả càng được thụ hưởng nhiều giá trị văn hóa. Tuy nhiên, hơi đáng tiếc một chút, khi nơi này hoặc nơi kia, tài trợ văn hóa chỉ mải mê hiệu quả quảng bá. Đành rằng, doanh nghiệp bỏ ra một khoản tiền không nhỏ thì có quyền mong đợi được nhận lại dăm ba phần lợi ích về thương hiệu.
Thế nhưng, cái đáng băn khoăn là một số nhà tài trợ đã không kiềm chế được suy nghĩ thực dụng, can thiệp khá thô bạo vào kết cấu nội dung và thiết kế thẩm mỹ của sản phẩm nghệ thuật. Một số chương trình nghệ thuật gần đây không thể mang cho khán giả một góc quay đẹp qua màn ảnh nhỏ vì logo nhà tài trợ được trưng bày, phô diễn một cách thái quá. Một thực tế không thể che giấu được, là khi nhà tài trợ say sưa giành lấy mọi sự quyết định về phía mình, thì ở hậu trường từ kịch bản, lời thoại cho đến tiết mục, nghệ sĩ đều thay đổi nhoáng nhoàng, còn trên sân khấu thì hình ảnh nhà tài trợ lấn lướt chiếm lĩnh từng mét vuông sàn diễn. Và trong cảnh trớ trêu ấy, ai dám chắc thiện cảm của mọi người dành cho đơn vị tài trợ văn hóa sẽ bị hạ xuống hay được nâng lên?
Chúng ta chỉ xót xa khi một live show trên màn ảnh nhỏ bỗng biến thành cuộc phô diễn thiếu chừng mực của một nhãn hàng. Không có gì chướng mắt bằng chuyện chúng ta phải nhìn một cái logo to gấp mười lần cái tên gọi chương trình. Cũng không có gì chướng mắt bằng chuyện chúng ta phải nhìn cái bục của MC hay cái micro gắn biểu tượng băng vệ sinh hoặc thuốc khử mùi… Và đã chứng kiến những hình ảnh không mấy văn minh ấy, thì chúng ta sẽ không tránh khỏi cảm giác bẽ bàng khi biết rằng hàng chục năm nay những thương hiệu uy tín toàn cầu như Ford, Rockefeller, Hennessy hay Toyota liên tục tài trợ hàng trăm buổi hòa nhạc hoành tráng và có đẳng cấp nghệ thuật cùng hàng ngàn cuộc triển lãm quốc tế trong tư cách một "Mạnh Thường Quân" lặng lẽ!
Giữa rất nhiều hoạt động văn hóa diễn ra mỗi ngày, chúng ta không khó khăn gì để nhận ra hai kiểu tài trợ văn hóa. Một kiểu là doanh nghiệp được thuyết phục hoặc bị nài nỉ để tài trợ văn hóa, còn một kiểu là doanh nghiệp trân trọng văn hóa thực sự để tự nguyện tài trợ với sự ngưỡng mộ và trách nhiệm với văn hóa nghệ thuật. Đất nước Việt Nam thời hội nhập cần những doanh nghiệp trân trọng văn hóa thực sự ấy. Hay nói cách khác, những hoạt động nghệ thuật đang cần những sự tài trợ văn hóa bao hàm cả văn hóa tài trợ!
Theo Tuy Hòa (SGGP điện tử)