Kể từ khi môn thi đấu đầu tiên của SEA Games 31 chính
thức khởi tranh, đến lễ bế mạc vừa diễn ra tối 23/5, các VĐV của 11 quốc
gia Đông Nam Á đã trải qua 17 ngày thi tài, để lại nhiều ấn tượng
tốt đẹp không thể nào quên.
Nhìn lại chặng đường SEA
Games 31 đã qua để thấy được những hình ảnh đẹp nhất về một Việt Nam
cùng các nước ASEAN mạnh mẽ, kiên cường.
KHỞI ĐẦU NHIỀU KHÓ KHĂN, THỬ THÁCH
Chúng
ta tổ chức SEA Games 31 trong hoàn cảnh mà lịch sử Đại hội thể thao
Đông Nam Á chưa từng phải đối mặt. Đó là dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm
trọng đến công tác chuẩn bị, từ việc nhiều thành viên Ban Tổ chức bị F0,
đến việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia, nên trang thiết bị tập
luyện, thi đấu đặt từ nước ngoài không thể về kịp thời...
Các VĐV
cũng không thể tham gia tập huấn ở nước ngoài để cọ xát, giao lưu và
nâng cao trình độ. Các cuộc thi đấu thể thao đỉnh cao trong nước và quốc
tế bị hủy, hoãn vô thời hạn.
Và cũng chính vì dịch bệnh, Việt Nam
đã phải lùi thời hạn tổ chức SEA Games 31 từ tháng 11/2021 đến quý
II/2022. Nước chủ nhà Việt Nam cũng phải tính toán đưa ra các kịch bản
ứng phó phù hợp nhất để bảo đảm an toàn tại thời điểm diễn ra Đại hội.
Đúng
như Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn đã
từng chia sẻ trước thềm SEA Games 31: "Chúng ta đang ở trong giai đoạn
khó khăn chưa từng có".
Mội đại hội thể thao lớn nhất khu vực
được tổ chức 2 năm một lần rất khó diễn ra hoàn hảo khi mọi điều kiện
đều bị hạn chế. Nhiều người, nhiều quốc gia trong khu vực đã từng băn
khoăn, lo lắng không biết Ban Tổ chức sẽ chạy đua với thời gian như thế
nào khi ngày đến SEA Games 31 đang rất gần.
Tuy nhiên, bằng quyết
tâm cao và nỗ lực kỳ diệu, Việt Nam đã tổ chức SEA Games 31 thành
công trên nhiều phương diện, từ công tác chuẩn bị, công tác đầu
tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ thi đấu, nhiều
nơi đạt đẳng cấp hàng đầu quốc tế, đến công tác bảo đảm an ninh trật
tự, an toàn y tế, công tác truyền thông, và đặc biệt là công tác
chuyên môn.
Mọi hoạt động của Đại hội được thực hiện tuân thủ
đúng chương trình mà Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã quyết nghị, đề
án tổ chức SEA Games 31 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt.
Cô gái quê Bắc Giang Nguyễn Thị Oanh giành 3 tấm HCV, cùng một kỷ lục SEA Games
VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ SỐ 1 TRÊN ĐẤU TRƯỜNG THỂ THAO ĐÔNG NAM Á
Hơn
10.000 VĐV, HLV, trọng tài của 11 quốc gia Đông Nam Á đã về dự SEA
Games 31. Ban Tổ chức đã trao 1.759 huy chương các loại, trong đó có
525 HCV, 522 HCB và 712 HCĐ; với 30 kỷ lục SEA Games được xác lập.
Đoàn
thể thao Việt Nam đã đi vào lịch sử của SEA Games với kỷ lục 205 HCV,
vượt kỷ lục 194 HCV mà Đoàn thể thao Indonesia đã đạt được tại SEA Games
Jakarta 1997; phá kỷ lục SEA Games tại 17/30 nội dung.
Trong tổng
số 205 HCV, có 119 HCV các môn nằm trong chương trình thi đấu của
Olympic Paris 2024, chiếm 58% tổng số HCV đã đạt được tại SEA Games 31.
Điều
đó thể hiện khát vọng vươn lên và ý chí mạnh mẽ của các VĐV Việt Nam
quyết tâm thi đấu vì màu cờ sắc áo, quyết tâm vượt qua các quốc gia mạnh
trong khu vực và luôn cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam như Thái Lan,
Indonesia.
Nhiều kỷ lục đã được xô đổ, nhiều VĐV tỏa sáng, đóng
góp to lớn vào thành tích chung của thể thao Việt Nam. Lần đầu tiên
trong một kỳ SEA Games, chúng ta được chứng kiến kình ngư Nguyễn Huy
Hoàng giành 5 HCV và giành luôn ngôi đầu bơi nam. Kình ngư 21 tuổi người
Quảng Bình này còn tạo ra 4 kỷ lục, xô đổ 3 cột mốc tại SEA Games và 1
kỷ lục quốc gia. Với những thành tích đó, Nguyễn Huy Hoàng đã được trao
danh hiệu VĐV xuất sắc nhất SEA Games 31 và hứa hẹn sẽ còn thống trị
đường đua xanh ở những kỳ SEA Games sắp tới.
Cô gái quê Bắc Giang
Nguyễn Thị Oanh cũng đã giành được 3 tấm HCV, cùng một kỷ lục SEA Games
và lần thứ 4 tạo nên "siêu phẩm": Một ngày dự 2 nội dung, giành 2 HCV.
Nguyễn Thị Oanh đã trở thành nữ VĐV xuất sắc nhất SEA Games 31 được vinh
danh trong lễ bế mạc.
Với mong muốn không dừng lại sân chơi khu
vực, các bộ môn thi đấu tại SEA Games 31 hướng tới Đại hội thể thao châu
Á, Đại hội Olympic. Việt Nam từ chối sự lựa chọn các bộ môn thể thao có
lợi thế của nước chủ nhà, để thể hiện sự công bằng, ý chí và khát vọng
đạt thành tích cao. Chính vì vậy việc giành được 58% tổng số HCV các môn
nằm trong chương trình thi đấu của Olympic Paris 2024 đã chứng tỏ tinh
thần thi đấu trong sáng, cao thượng, sòng phẳng của nước chủ nhà Việt
Nam. VĐV đã thi đấu hết mình để giành huy chương mà không có bất cứ sự
can thiệp nào.
Các
khán đài tại các sân vận động, từ Thiên Trường, Cẩm Phả, đến "chảo lửa"
Mỹ Đình luôn kín chỗ và rực một màu cờ đỏ sao vàng. (Ảnh: VGP)
"TIẾP LỬA" CHO MỘT THỂ THAO VIỆT NAM TỎA SÁNG
Không
phải ngẫu nhiên mà hãng thông tấn Pháp AFP đã chọn khoảnh khắc "Sự
cuồng nhiệt của các cổ động viên dành cho môn bóng đá" là 1 trong 5
khoảnh khắc đáng nhớ nhất của kỳ SEA Games 31 vừa qua.
Hình
ảnh các khán đài tại các sân vận động từ Thiên Trường, Cẩm Phả đến
"chảo lửa" Mỹ Đình luôn kín chỗ và rực một màu cờ đỏ sao vàng đã gây ấn
tượng mạnh mẽ không chỉ với truyền thông quốc tế, mà còn với các HLV,
VĐV và người hâm mộ thể thao trong nước nói riêng và ngoài nước nói
chung. Chính sự cổ vũ cuồng nhiệt, tình yêu bóng đá của người yêu thể
thao nước nhà là động lực không nhỏ để giúp đội tuyển bóng đá nam và nữ
Việt Nam bảo vệ thành công HCV SEA Games.
Không chỉ đến cổ vũ cho
đội nhà, các cổ động viên nhiệt thành của Việt Nam còn đến cổ vũ hết
mình cho đội bạn. HLV Michael Weiss của U23 Lào chia sẻ, ông thực sự bất
ngờ với không khí trên sân Thiên Trường, mỗi khi U23 Lào thi đấu luôn
có rất đông khán giả đến cổ vũ cho các học trò của ông. Hay như Trưởng
đoàn Bóng đá Thái Lan, bà Nualphan Lamsam (còn gọi là Madam Pang) rất
bất ngờ về bầu không khí như lễ hội tại sân vận động Thiên Trường và cảm
ơn sự cổ vũ vô tư của người hâm mộ Việt Nam dành cho đội tuyển Thái
Lan.
Tay cơ huyền thoại Efren Reyes của Philippines với hơn 100
danh hiệu chuyên nghiệp trong sự nghiệp cũng được người hâm mộ Việt Nam
săn đón, cổ vũ mỗi khi ông thi đấu.
Không chỉ với bóng đá, các
nhà thi đấu diễn ra các môn thể thao khác của SEA Games 31 cũng luôn đầy
ắp khán giả, cổ động viên nhiệt thành đến cổ vũ, tiếp sức cho các VĐV
thi đấu hết mình đạt thành tích cao nhất.
Tinh thần thể thao trung
lập, sự nồng nhiệt lan tỏa trên nhiều sân thi đấu khiến các cổ động
viên nước ngoài không chỉ bất ngờ, mà còn vô cùng xúc động. Tinh thần ấy
đã thực sự làm cho SEA Games 31 trở thành ngày hội của tình đoàn kết,
hữu nghị. Chủ đề của Đại hội "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn" đã
được tỏa sáng và thành công rất tốt đẹp.
DẤU ẤN ĐẸP VỀ MỘT VIỆT NAM THÂN THIỆN, MẾN KHÁCH
Hình
ảnh về một "Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội
nhập và phát triển" đã được khắc họa xuyên suốt 17 ngày diễn ra
SEA Games 31 (hình ảnh trong lễ bế mạc SEA Games 31). (Ảnh: VGP)
SEA Games không chỉ mang ý nghĩa về thể
thao mà còn mang ý nghĩa về văn hóa, về con người Đông Nam Á và sự
quảng bá hình ảnh của quốc gia chủ nhà gửi đến tất cả người theo dõi.
Hình ảnh về một "Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến
khách, hội nhập và phát triển" đã được khắc họa xuyên suốt 17 ngày
diễn ra SEA Games 31.
Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã
nhấn mạnh trong buổi lễ bế mạc SEA Games 31: Chúng ta hội tụ về đây để
cùng góp phần khẳng định tầm nhìn và sứ mệnh của ASEAN, đó là đoàn kết -
hòa bình - hữu nghị - hợp tác và phát triển. Tầm nhìn đó, sứ mệnh đó đã
vượt qua cả giá trị của sự kiện ngày hội thể thao Đông Nam Á. Là nước
chủ nhà, là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của ASEAN và
cộng đồng quốc tế, với tinh thần hiếu khách và trọng thị, lãnh đạo
Đảng, Nhà nước Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt đến sự kiện này.
Hơn 3.000 tình nguyện viên đã được huy động phục vụ SEA Games 31. (Ảnh: VGP)
Việt
Nam đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng các đoàn thể thao của các nước
Đông Nam Á. Với nỗ lực tốt nhất phục vụ cho SEA Games 31, hơn 3.000 tình
nguyện viên đã được huy động tham gia vào các công việc: Dẫn đoàn thể
thao quốc tế, hỗ trợ các cổ động viên, lễ tân, phiên dịch tại các cuộc
họp báo... Họ đã để lại những ấn tượng tốt đẹp với các VĐV, HLV và thành
viên của 11 đoàn thể thao tham dự Đại hội.
Các dịch vụ về lưu trú, ẩm thực cũng đem lại sự hài lòng cho các vận
động viên, huấn luyện viên. Các VĐV, HLV các nước còn được trải nghiệm
dịch vụ xe buýt 2 tầng khi tham quan Thủ đô Hà Nội hay được tham gia các
tour du lịch miễn phí tại nhiều địa phương, qua đó hiểu thêm về lịch
sử, văn hóa và lòng mến khách của đất nước, con người Việt Nam.
SEA Games 31 thực sự đã mang lại cơ hội quảng bá cho ngành du lịch Thủ
đô cũng như các địa phương đăng cai tổ chức một số môn thể thao tại sân
chơi khu vực.
17 ngày tranh tài tại SEA Games 31 đã khép lại trên
mảnh đất Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, mến
khách. Tất cả thành công của Đại hội thể thao Đông Nam Á lần
thứ 31 là tiền đề vững chắc để cùng chờ đón SEA Games 32 tại
đất nước chùa tháp Campuchia./.
Diệp Anh (VGP)