(TG) - Sau 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có 19 tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 95 tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước, 101 nghệ sĩ nhân dân, 336 nghệ sĩ ưu tú.
Chiều ngày 16/4, Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", do đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Nghị quyết tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Tại cuộc làm việc, Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam báo cáo: trong 5 năm qua, luôn có các tác phẩm văn nghệ đi đúng hướng, phản ánh hiện thực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Văn nghệ cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái mới, tiến bộ, tạo dựng những hình tượng điển hình của con người thời đại mới. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đã tổ chức được 120 trại sáng tác thu hút trên 920 hội viên đến làm việc; đã có 120 tác giả được Nhà nước đặt hàng, qua thẩm định có 45% đạt chất lượng cao, 55% đạt chất lượng khá.
Trong quản lý văn nghệ, văn nghệ sĩ được đảm bảo tự do sáng tạo, được chú trọng bảo vệ quyền về sáng tác, biểu diễn. Ngoài kinh phí cấp thường xuyên, Chính phủ đảm bảo hỗ trợ cho việc sáng tạo và quảng bá tác phẩm, duy trì hoạt động của tổ chức Hội VHNT với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.
Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trong 5 năm qua đã quan tâm thích đáng công tác phê bình văn học nghệ thuật. Nhiều tập lý luận phê bình có giá trị ra đời, giải quyết hàng loạt những vấn đề lý luận mới đặt ra, đồng thời phê phán những quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật. Phê bình văn học, nghệ thuật trên báo chí có chất lượng hơn, khắc phục phê bình một chiều, phê bình “cánh hẩu”, ít có tính lý luận.
Sau khi Nghị quyết 33-NQ/TW khóa XI được triển khai đi vào cuộc sống, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã được thành lập với vai trò phê phán những quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật như phủ nhận, xuyên tạc lịch sử, hạ bệ thần tượng, giải thiêng các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, tuyệt đối hóa hình thức, xóa nhòa ranh giới giữa chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa,…
Về xây dựng đội ngũ, trong 5 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước luôn kiên định, vững tin đối với Đảng, găn bó sâu sắc với đời sống nhân dân, toàn tâm phấn đấu nâng cao chất lượng sáng tác. Các Hội đã tổ chức nhiều cuộc thi để phát hiện tài năng trẻ. Công tác kết nạp hội viên mới được quan tâm, đặc biệt về chất. Trong 5 năm qua, toàn Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam có 19 tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 95 tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước, 101 nghệ sĩ nhân dân, 336 nghệ sĩ ưu tú.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như một bộ phận nghệ sĩ trẻ hành nghề tự do, không muốn vào Hội. Nội dung tác phẩm của những nghệ sĩ trẻ này chủ yếu đề cập đến hiện thực đời sống xã hội đương đại với cách nhìn, cách nghĩ của giới trẻ. Tác phẩm ít có chiều sâu về tư tưởng, giá trị nhân văn, nặng về giải trí nhưng lại được các cơ quan truyền thông quảng bá rộng rãi có tác động không nhỏ đến thị hiếu thẩm mĩ của công chúng (nhất là giới trẻ). Công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ ở nhiều địa phương chưa được quan tâm…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ một số kết quả nổi bật cũng như những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện Nghị quyết 33. Các đại biểu đã nêu một số kiến nghị như: Hội cần tạo điều kiện để văn nghệ sĩ gắn bó với thực tiễn, tìm tòi sáng tạo những tác phẩm mới, tiếp thu những tinh hoa văn hoá thế giới kết hợp hài hoà với kế thừa di sản, truyền thống, bản sắc dân tộc; công tác quản lý nhà nước về VHNT hiện nay còn thiếu người có trình độ chuyên môn cao, nhất là trong công tác quản lý văn học, nghệ thuật, chỉ đạo hoạt động biểu diễn ở các Hội chuyên ngành Trung ương; tăng cường quảng bá các tác phẩm đến với đông đảo nhân dân; đổi mới phương thức lãnh đạo, lãnh đạo phải đi sâu vào nghề nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ cả nước.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương biểu dương những đóng góp của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trong thời gian qua. Bản báo cáo của Hội đã thể hiện đầy đủ, đa chiều về tình hình thực hiện Nghị quyết số 33, những tham luận đóng góp đã chỉ ra nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn trong quá trình thực hiện Nghị quyết để từ đó hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác VHNT.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng đề nghị Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tiếp tục làm nòng cốt cho việc rèn luyện hội viên, góp phần xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để hướng con người tới chân - thiện - mỹ, đồng thời góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa nhân dân trong nước cũng như 1 kênh giao lưu văn hóa quốc tế.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị trong bản báo cáo của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cần nêu bật hơn về sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với các văn nghệ sĩ, đồng thời đưa ra những đề xuất nhằm tạo thuận lợi hơn cho văn nghệ sĩ sáng tạo.
Nhật Minh