Thứ Bảy, 28/9/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 28/9/2016 20:21'(GMT+7)

Văn trẻ trong dòng chảy văn học đương đại

Quang cảnh hội nghị (Ảnh:TA)

Quang cảnh hội nghị (Ảnh:TA)

Diễn ra trong hai ngày 28 và 29/9, Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX đã khai mạc trọng thể sáng nay, 28/9, tại Hà Nội.

112 cây bút trẻ tiêu biểu của 63 tỉnh, thành trên mọi miền Tổ quốc đã về dự Hội nghị và các nhà văn, nhà thơ lão thành trong giới văn học nghệ thuật cũng đã góp mặt trong ngày hội văn chương các tay viết trẻ toàn quốc.

Đến dự Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam…cùng các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và Hà Nội đến dự. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư gửi lẵng hoa chúc mừng sự kiện lớn của làng văn trẻ.

Hội nghị đã góp phần tạo cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các nhà văn trẻ với các nhà văn nhiều thế hệ; xây dựng định hướng sáng tác, bàn luận vệ công tác chuyên môn, phương pháp sáng tác; là sự chuẩn bị cho đội ngũ nhà văn trong tương lai.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Ở bất kỳ thời đại nào, cuộc sống cũng tìm cách sinh ra những nhà văn của mình. Đó là trí khôn của lịch sử, Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX là hình ảnh thu nhỏ của một đội ngũ đông đảo những người viết văn trẻ đầy say mê và tự tin tham gia vào đời sống văn học trong những năm gần đây. Cuộc sống chào đón họ và có thể nói dành cho họ những điều kiện sáng tạo tốt nhất mà không thế hệ nào trước đó có được. Một không gian tinh thần rộng thoáng, một hiện thực vạm vỡ, mới mẻ đến ngỡ ngàng, một công chúng đông đảo mà dân trí được nâng cao từng ngày, tất cả tạo nên "một cánh đồng bất tận" cho các tài năng trẻ nảy nở và phát triển.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng tin tưởng vào thế hệ các nhà văn trẻ hôm nay: Sau 30 năm đổi mới, đồng hành với các cây bút trẻ là một lớp bạn đọc trẻ đầy thông minh, sở hữu một vốn sống, sở thích, thị hiếu khác hẳn trước. Họ mong mỏi tìm thấy những đại diện tinh thần của họ, trông đợi và uỷ thác cho các nhà văn cùng thế hệ với họ nói lên thật đích đáng và say lòng người tất cả những gì đang làm nên diện mạo và cốt cách của xã hội ta hôm nay. Bất luận lý do gì, chúng ta không có quyền để bạn đọc phải thất vọng.
 
 Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh:TA)

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng hoan nghênh những cố gắng tạo cửa sổ nhìn ra thế giới của các nhà văn trẻ. Ông cho rằng họ nên trân trọng đón những cơ hội mà đổi mới mang lại; tuy vậy, tiếp thu thế giới phải có tâm thế chủ động, đứng vững trên mảnh đất văn hóa của dân tộc để tìm cho được tinh hoa của nhân loại. Khẳng định các nhà văn trẻ đã thành công bước đầu đáng khích lệ, thay mặt cho Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Hữu Thỉnh mong rằng bước sang một chặng đường mới, các nhà văn trẻ cần bổ sung, làm đầy, "vắt kiệt" mình để có những tác phẩm xứng đáng với đất nước, nhân dân và thời đại của mình.

“Tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thực chất là tạo nên một nền văn hoá mới, trong đó có sự phát triển cộng sinh giữa các giá trị truyền thống và phi truyền thống. Và đây mới thực là vấn đề mới mẻ nhất đồng thời cũng khó khăn, gian khổ, phức tạp nhất, nhọc nhằn nhất như người đi trên cát. Xây dựng các công trình công nghiệp nguồn vốn, công nghệ, thậm chí sách vở và chuyên gia, chúng ta có thể vay và thuê nước ngoài. Còn xây dựng văn hoá dân tộc thì chúng ta không thể vay mượn, dập khuôn ở bất cứ đâu hết. Do đó, tinh thần chỉ đạo hội nghị những người viết văn trẻ hôm nay không phải đơn giản là chuẩn bị nguồn bổ sung, kế cận cho văn học, mà thực chất là góp phần chuẩn bị bồi dưỡng, xây dựng một đội quân văn hoá đủ sức chuẩn bị cho nhân dân ta bước vào ngôi nhà của xã hội công nghiệp”, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Nhà văn Trẻ cho rằng: Thời gian tới, các nhà văn trẻ cần tiếp tục tham gia tích cực hơn nữa vào đời sống xã hội; thường xuyên bồi đắp kiến thức, cố gắng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, thông hiểu nhiều lĩnh vực để trở thành một trí thức độc lập, có bản lĩnh, chính kiến, thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng văn minh, dân chủ, nhân ái. Họ cũng cần tăng tính chuyên nghiệp, tiếp tục hoàn thiện kỹ năng, duy trì sức sáng tác đều đặn, bền bỉ đặc biệt đầu tư chiều sâu cho tác phẩm, lấy chất lượng nghệ thuật làm ưu tiên chính; phấn đấu mỗi tác phẩm phải là một tiếng nói tinh tế, độc đáo, đủ sức kéo con người hướng về phía ánh sáng của nhân tính và cái đẹp.

Trưởng Ban Nhà văn trẻ cũng chỉ ra những mặt hạn chế của các cây viết trẻ hiện nay như: Khó khăn thứ nhất của văn trẻ hiện nay là: sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng, giữa đa dạng với độc đáo. Rất nhiều tác giả, tác phẩm xuất hiện rầm rộ, nhưng ít tác giả, tác phẩm đặc sắc. Văn trẻ đã đồng hành cùng dân tộc qua các biến cố lớn, đã sôi nổi, đã nhiệt tình, nhưng đa phần mới chỉ dừng ở đấy. Trong khi đó thực tế đang đặt ra vô số vấn đề về kinh tế, về đạo đức, về văn hóa, thậm chí là về cả lí tưởng. Hơn bao giờ hết xã hội cần những tác phẩm đề cập một cách ráo riết, kiệt cùng tới số phận con người, cũng như cần những cắt nghĩa, những cảnh báo, cần cả khoảng yên bình, sâu lắng để tâm hồn được tĩnh lại. Vậy mà thật hiếm tác phẩm văn học đủ sức quyến rũ và độ tin cậy để độc giả có thể bấu víu vào đó; khó khăn thứ hai: do sống giữa thời đại công nghệ thông tin với một thế giới phẳng, tương tác trực tiếp cho nên nhiều nhà văn mất dần khả năng ẩn nhẫn, khuất lấp để suy tư. Đành rằng tác giả cần được mọi người biết đến, đành rằng vinh quang là thứ không ai chối từ, ngay cả các bậc thánh thần, nhưng trước khi vươn vai thành người khổng lồ, Thánh Gióng có ba năm im hơi lặng tiếng và sức trỗi dậy khủng khiếp, ngoạn mục của Ngài bắt đầu từ nền tảng của quãng thời gian khuất lấp, lặng lẽ ấy. Con đường sáng tạo thường đi từ chiều sâu của cá nhân đến với bề rộng của cộng đồng. Nhà văn có quyền tự khuất lấp khi thấy điều ấy cần thiết cho những cú bật xa tiếp theo của mình. Văn trẻ chưa nhiều người sử dụng cái quyền đặc biệt ấy, chưa để ý rằng thầm lặng là mảnh đất của những cây cổ thụ; khó khăn thứ ba: một số ít cây viết trẻ do mải mê tìm kiếm, xác lập cái mới cho riêng mình nên đôi khi đã bỏ qua những yêu cầu tối thiểu về thẩm mĩ, về luân lí, cũng như phẩm cách nghề nghiệp. Thực ra, cách tân không phải đạp đổ mà là khám phá, bởi xét cho thấu đáo thì cái đích cuối cùng của cách tân và hiện đại là để trở thành truyền thống và cổ điển. So với thế giới, nền văn học của chúng ta khá khiêm tốn, không phải là một siêu đô thị đồ sộ, chằng chịt, mà có dáng vẻ của một ngôi làng ấm cúng, hòa nhã. Thế nhưng ngôi làng ấy cũng có nền tảng, có truyền thống, cũng đủ sức bồi đắp, dung chứa và nâng bước mọi kích cỡ tài năng. Thánh Gióng lớn lên không phải bởi thuốc tiên hay phép màu nhiệm xa lạ, Ngài lớn lên bởi quả cà và niêu cơm bình dân của thôn xóm mình. Đó vừa là một ẩn dụ vừa là một bài học kinh nghiệm cho người sáng tác; Phê bình, ngoài việc đã tạo ra nhiều hiệu quả tốt, nhưng vẫn còn dấu hiệu của sự ẩu thả, hời hợt. Vẫn còn việc khen chê không đúng với kích cỡ của tác phẩm và tác giả, vì thế có lúc làm nhiễu loạn một bộ phận độc giả, thậm chí nhiễu loạn cả một bộ phận các tác giả trẻ; ở dịch thuật, không kể những bản dịch kém chất lượng, không kể đâu đó còn chọn dịch chưa phù hợp, thì hạn chế lớn nhất là mới chỉ khơi dòng chảy của thế giới vào Việt Nam, còn dẫn nguồn văn học Việt Nam ra với thế giới thì chưa, mặc dù chúng ta không thiếu tác giả xứng đáng. Đây là một việc khó, nhưng là mong muốn chính đáng của những người yêu quý văn học đương đại Việt Nam đối với các dịch giả trẻ. Với những kết quả và khó khăn, hạn chế vừa nêu trên, hy vọng đội ngũ văn trẻ tiếp tục phát huy những điểm mạnh, tận dụng những ưu thế, tháo gỡ dần những hạn chế. Có thể từng cá nhân sẽ có những phương hướng riêng, phù hợp với đặc điểm của mình…

Những năm qua, nhiều người viết trẻ đã vươn lên trở thành những tên tuổi chững chạc và gặt hái được thành công. Ngoại trừ những tác giả đã trở thành Hội viên Hội nhà văn, còn lại có thể nhắc đến một số tác giả tiêu biểu: Văn Thành Lê, Cao Nguyệt Nguyên, Hồ Huy Sơn, Trần Sang, Lữ Thị Mai, Vũ Văn Song Toàn, Lê Vũ Trường Giang, Lý Hữu Lương, Đinh Phương, Nhụy Nguyên… thời gian qua cũng thêm nhiều gương mặt mới xuất hiện, đang kiến tạo cho mình một lối đi riêng với rất nhiều triển vọng và kỳ vọng, như: Đào Quốc Minh, Đỗ Nhật Phi, Kiều Mai Ly, Trác Diễm, Nghiêm Quốc Thanh, Lê Quang Trạng, Vĩnh Thông, Nguyễn Văn Toan, Kiều Duy Khánh...

Ban Nhà văn Trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà văn, nỗ lực tổ chức hoạt động sôi nổi, đều đặn, thiết thực hơn để tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ sáng tạo trẻ. Ban Nhà văn Trẻ cũng sẽ tiếp tục chú trọng việc phát hiện, khuyến khích, động viên kịp thời những tài năng văn chương, những cây viết mới; đồng thời tư vấn, đề xuất tích cực với Hội Nhà văn Việt Nam kế hoạch cũng như những quyền lợi cần thiết của thế hệ trẻ.

Tại hội nghị, đa số các đại biểu thống nhất rằng: 5 năm qua, nhiều người viết trẻ đã vượt lên trở thành những tên tuổi chững chạc và gặt hái được thành công. Bên cạnh đó, các nhà văn trẻ cũng có thái độ nhập cuộc có ý thức trách nhiệm với chính trị và xã hội. Họ hầu như có mặt trong tất cả những sự kiện, biến động của đất nước. Kết quả là một số lượng dồi dào các tác phẩm đã ra đời, được độc giả mọi tầng lớp đón nhận và có tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần xã hội.
 
 Nhà thơ Phạm Phú Thang tặng ảnh tư liệu Hội nghị đại biểu những viết văn trẻ toàn quốc
khóa đầu tiên cho nhà thơ Hữu Thỉnh (Ảnh: TA)

Với số lượng lớn các tác phẩm được xuất bản, trong đó nhiều tác phẩm có tiếng vang, đoạt các giải thưởng quan trọng, như: Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hội Nhà văn Việt Nam với nhiều gương mặt chững chạc, có cá tính, 5 năm qua các nhà văn trẻ đã góp cho văn đàn đương đại Việt Nam một bầu không khí sôi động, cởi mở và đa dạng. Họ cho thấy nội lực tiềm tàng của một đội ngũ mới, sung sức, táo bạo. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi,kết quả đã đạt được, những người viết trẻ vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế như: Sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng, giữa đa dạng với độc đáo; công nghệ thông tin hiện đại khiến nhiều nhà văn mất dần khả năng ẩn nhẫn, khuất lấp để suy tư; một số ít cây viết trẻ do mải mê tìm kiếm, xác lập cái mới cho riêng mình nên đôi khi đã bỏ qua những yêu cầu tối thiểu về thẩm mĩ, luân lí cũng như phẩm cách nghề nghiệp…

Phát biểu tại Hội nghị, Nhà văn trẻ Nhật Phi (25 tuổi, Hà Nội) cho rằng: Mỗi nhà văn là một mảnh ghép của bức tranh tinh thần xã hội. Và hãy để cho bức tranh ấy được đa màu. Hữu xạ tự nhiên hương, vạn sự không thể gượng ép được! Những thách thức, khó khăn nếu có đối với người viết trẻ thì ấy chính là sự lép vế của văn hoá đọc (nếu có) trong đời sống hiện đại. Chúng ta đã chờ quá lâu để những người nghệ sĩ trẻ được chú ý và tạo điều kiện, nhưng sự phát triển của quá nhiều các phương tiện giải trí đã đẩy sự đọc vào một điểm khó thở. Điều này khiến cho người viết trẻ “không bán được hàng” hoặc phải thoả hiệp ở một mức độ nào đó để tồn tại…
 
 Nhà văn trẻ Nhật Phi (25 tuổi, Hà Nội) (Ảnh:BTC)
Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học lại có cái nhìn khác về văn chương:  Vâng! Chúng ta nhận thấy bản thân nhỏ bé, chỉ là một hạt cát. Nhưng chắc chắn đó là những hạt cát biết nói, biết xúc động thật sự, biết hành động và không thể làm ngơ trước bao số phận còn khổ đau, bao điều ngang trái vẫn diễn ra từng ngày. Chúng ta đã làm gì, viết gì, trăn trở ra sao về tương lai của quê hương, cộng đồng chúng ta, rộng hơn là đất nước?Chúng ta hãy nghĩ rằng, dù là hạt cát, nhưng những hạt cát đó có thể cùng tạo động lực và cảm hứng cho nhau, tạo hiệu ứng sâu rộng, bởi vì chúng ta có khả năng làm chủ con chữ, có nghị lực và mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước.Thời cuộc không cho phép chúng ta ỷ lại, vô cảm nữa…
 
 Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học (Ảnh:BTC)

Xoay quanh Hội nghị còn rất nhiều ý kiến tham luận, góp ý nhìn nhận về đời sống văn học hôm nay của các nhà văn trẻ, những thế hệ 8x, 9x với cách nhìn nhận cuộc sống tươi mới, góc nhìn mới đầy sôi động và đổi thay từng ngày.

Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX diễn ra đến hết ngày 29/9, tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Trong khuôn khổ hội nghị còn có Dạ hội thơ “Khúc hòa âm tháng 9” chủ đề “Mùa thu, tình yêu, và những con đường” diễn ra tối 28/9 tại Hồ Thiền Quang (Hà Nội), 02 cuộc tọa đàm “Văn trẻ-Nhập cuộc và sáng tạo” và “ Thơ trẻ - Truyền thống và cách tân”. Các đại biểu tham dự cũng được thăm quan, giao lưu với một số cơ quan báo chí tại Hà Nội và nhiều hoạt động bên lề khác./.

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất