Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 12/12/2008 21:51'(GMT+7)

Về công tác tổng kết

Trong những tuần cuối năm, mọi cơ quan, đơn vị đều bận rộn việc tổng kết năm, đó là nếp làm việc tốt có từ trước. Một năm công tác, một năm học tập, một năm kinh doanh, bây giờ ngồi lại để kiểm điểm những công việc đã làm trong năm, kết hợp tổng kết thi đua, khen thưởng là cần thiết.


Một số ngành, cơ quan làm rất nghiêm chỉnh, không những thống kê đầy đủ thành tích, đối chiếu với chỉ tiêu đề ra đầu năm, mà còn kiểm điểm những việc chưa làm được, nguyên nhân vì sao, và trong phương hướng năm tới đề ra biện pháp khắc phục. Nhưng cũng có cơ quan điểm công việc đã làm một cách qua loa, nêu ra thành tích mà không thấy đánh giá toàn diện để rút kinh nghiệm cho thời gian tới. Phần thi đua, khen thưởng có khi lại rất dài và là phần chủ yếu.

Ðể cho việc tổng kết khen thưởng có sức động viên, có ích cho mọi người, cần có sự đánh giá đúng mức. Từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp tự đánh giá, mỗi thành viên của tổ chức tự đánh giá, cùng nhau rút kinh nghiệm để năm tới và những năm sau đó tiến lên, ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Nhưng còn có một sự tổng kết hết sức quan trọng và cần thiết, cần đặc biệt quan tâm và không nhất thiết làm vào cuối năm. Ðó là công việc sơ kết, tổng kết những chủ trương mới của Ðảng, Nhà nước.

Từ trước, chúng ta đã có nếp làm việc khoa học này. Nghiên cứu, đề ra chủ trương, và khi có chủ trương thì triển khai, từng bước có sơ kết và cuối cùng là tổng kết. Bước vào giai đoạn xây dựng đất nước, hội nhập kinh tế thế giới, nhiều vấn đề đặt ra rất mới. Tình hình trong nước cũng như ngoài nước chuyển biến không ngừng. Các chủ trương mới về kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là chủ trương có phạm vi rộng, tác động đến lợi ích của nhiều người càng cần có kế hoạch triển khai, sơ kết, tổng kết. Có chủ trương rất đúng, rất hay, nhưng cách tiến hành không đúng, có thể làm lệch mục đích của chính chủ trương đó.

Hiện nay, có nhiều chủ trương, khi bắt đầu cũng đặt vấn đề thí điểm, sơ kết tổng kết, nhưng sau đó thì không thực hiện, nên nhiều người băn khoăn. Thí dụ như vấn đề "cổ phần hóa" doanh nghiệp. Hay việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế cũng là một việc lớn, mới mẻ. Ðến nay đã có 17 tập đoàn, nhưng chưa thấy sơ kết. Trong giáo dục-đào tạo, có một chủ trương đặc biệt quan trọng, đó là giáo dục-đào tạo cùng với khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu. Mọi người đều thấy chủ trương rất đúng và rất hoan nghênh, nhất là anh chị em trong ngành giáo dục. Nhưng đến nay cũng chưa được tổng kết.

Chủ trương xã hội hóa cũng vậy, là một chủ trương lớn của Ðảng, nhằm huy động sự tham gia của xã hội cùng với Nhà nước, giải quyết những công việc chung của dân như giáo dục, y tế... Nhưng có người hiểu như vậy là Nhà nước không còn trách nhiệm nữa mà giao cho cá nhân tự giải quyết. Vì vậy, rất cần phải sơ kết, làm rõ vấn đề.

Qua đây, thấy việc sơ kết, tổng kết là hết sức cần thiết, để khẳng định những chủ trương đúng, đánh giá những nội dung chủ yếu của nó và cách thực hiện như thế nào để đạt mục đích, ý nghĩa của chủ trương.

Việc sơ kết, tổng kết là một khâu cực kỳ quan trọng trong việc tổ chức thực hiện. Nhiều văn kiện của Ðảng nhận xét, "tổ chức thực hiện là khâu yếu nhất". Thực tế ngày càng chứng minh điều đó. Vì vậy, cần hết sức quan tâm khắc phục.

NGUYỄN THỊ BÌNH
Nguyên Phó Chủ tịch nước

(Theo Nhân Dân điện tử)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất