Chẳng có thứ văn nghệ nào ở bên ngoài, hoặc đứng lên trên chính trị, ngay cả sau này khi chính trị đã hết là một phương tiện chuyên chính của giai cấp mà chỉ còn là một hoạt động quản lý, điều hành xã hội.
Xưa nay, và ở đâu cũng vậy, văn nghệ và chính trị vẫn gắn bó mật thiết với nhau. Trong thư gửi các hoạ sĩ nhân triển lãm hội hoạ năm 1951, Hồ Chủ tịch đã viết: “Văn hoá văn nghệ cũng như mọi hoạt động khác, không thể ở ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Ngay những ai chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, chủ trương văn nghệ đứng ra ngoài hoặc quay lưng với chính trị, cũng là một thái độ chính trị.
Tóm lại, chẳng có thứ văn nghệ nào ở bên ngoài, hoặc đứng lên trên chính trị, ngay cả sau này khi chính trị đã hết là một phương tiện chuyên chính của giai cấp mà chỉ còn là một hoạt động quản lý, điều hành xã hội.
Chỗ có vấn đề đáng bàn, và rất cần bàn hôm nay đối với chúng ta, trên vấn đề này, theo tôi, là ở một hướng khác: ở sự lãnh đạo và quản lý văn nghệ. Không giống với một số hoạt động khác, văn nghệ đòi hỏi một phương thức lãnh đạo, chỉ đạo riêng, mà lâu nay ta có phạm sai lầm, cả trên lý luận và thực tiễn, trong đó, khía cạnh nổi lên, gây “cộm”, là sự đồng nhất văn nghệ với tuyên truyền, là ép văn nghệ phục vụ chính trị một cách sống sượng... Có tình hình trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là do một cách hiểu khô cứng, bị đóng kín kéo dài nhiều năm, và chuyển rất chậm trong nhiều năm nay. Nhưng nếu chỉ là quan niệm không thôi, thì cũng chưa có gì đáng ngại lắm. Đáng ngại là khi quan niệm đó đã được, thể hiện trong vào cách thức tổ chức, quản lý, chi phối thái độ và quan hệ cư xử giữa giới lãnh đạo, quản lý và chuyên môn thì khó tránh khỏi trở thành một lực cản cho sự phát triển của văn nghệ.
Tuy vậy khi phân tích đánh giá cách hiểu về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị trên đây cũng cần trở lại một chút “lịch sử vấn đề” để thấy những quan niệm cũ, cách hiểu cũ trong hoàn cảnh trước đây có khía cạnh mang tính lịch sử, và có lý do tồn tại của nó.
*
Năm 1905, Lênin khen tiểu thuyết Người mẹ của Gorki, xem đó là một cuốn sách rất kịp thời. Gorki tâm sự: đó là một cuốn sách viết vội và ông chưa kịp nói rõ lý do thì Lênin đã hưởng ứng ngay: đúng, phải viết vội, vì nó rất cần cho phong trào. Nhiều công nhân đã tham gia cách mạng một cách tự phát, chưa có ý thức, bây giờ đây đọc Người mẹ, họ sẽ giác ngộ và rất có lợi.
Như vậy là văn nghệ ở đây đã phục vụ chính trị một cách sát sạt, và có chức năng giáo dục rõ rệt. Người nghệ sĩ ở đây đã đóng vai trò người tiên phong, người giáo dục, đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền giác ngộ giai cấp vô sản.
Lênin cũng hoan nghênh Đêmian Betnưi về những bài thơ ông viết cho binh lính và nông dân rất có tác dụng tuyên truyền. Nhưng đồng thời Lênin có chê Betnưi ở “sự tầm thường” chạy theo sau độc giả, trong khi đáng lẽ “cần phải đi trước quần chúng một bước”.
Như vậy là trong khi cổ động cho chức năng giáo dục và sức mạnh tuyên truyền của văn nghệ, Lênin vẫn yêu cầu tác giả không được hạ thấp nghệ thuật. Và yêu cầu bám sát thời cuộc, nhằm đáp ứng trực tiếp các nhiệm vụ chính trị cụ thể của đấu tranh xã hội không hoàn toàn là lý do cản trở tác phẩm đạt những giá trị đích thực, lâu dài cho đến hôm nay, thơ của Betnưi đã bị quên có lẽ chính từ nguyên nhân này.
*
Nhiều người trong các thế hệ chúng ta hôm nay hẳn chưa quên những lời căn dặn của Hồ Chủ tịch hồi kháng chiến chống Pháp, khi Bác nói: “Văn hoá - văn nghệ cũng là một mặt trận”, khi Bác đề ra ba phương châm cho việc viết, trong đó Viết cho ai được nêu lên hàng đầu.
Viết cho ai trong hoàn cảnh của chúng ta lúc ấy là viết cho chín mươi lăm phần trăm số dân còn đang thanh toán nạn mù chữ. Có vẻ là một sự hạ thấp văn nghệ, và do vậy mà đẻ ra cuộc tranh luận về “tranh tuyên truyền và hội hoạ”, với nỗi day dứt chân thành của sự “phân thân” trong nhiều nghệ sĩ như Tô Ngọc Vân, Nam Cao... Rõ ràng với đối tượng tiếp nhận là lớp công chúng này thì văn nghệ phải mang tính phổ cập, dễ hiểu, và nội dung tuyên truyền cổ động phải ở hàng đầu. Nhưng chính với khẩu hiệu đó mà văn nghệ cách mạng đã làm được một cuộc cách mạng văn nghệ vô cùng to lớn: đó là việc đưa cây văn nghệ cắm vào đất. Để từ đó tạo một bước ngoặt, một đà mới cho sự phát triển của nền văn nghệ dân tộc - hiện thực - nhân dân.
Xác định ý nghĩa đúng đắn, cách mạng của phương châm Viết cho ai, ta chớ quên rằng cũng chính Bác là người gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện phương châm đó, qua hàng loạt thơ, diễn ca như Hòn đá, Con cáo tổ ong, Bài ca du kích, Lịch sử nước ta... và hàng loạt thơ xuân, thơ gửi các giới đồng bào.
Cũng đồng thời, đừng quên rằng, bên cạnh loại thơ trên, Bác vẫn còn một khu vực sáng tác khác, như Ngục trung nhật ký, và không ít bài thơ chữ Hán, chữ Việt chắc chắn không nhằm vào công chúng số đông, mà dường như là viết cho mình, cho số ít bạn bè gần gũi, vào những lúc mà hứng thú sáng tạo được khơi gợi, những lúc người nghệ sĩ có thể “xuất khẩu thành thơ”.
Nhớ những dòng Nam Cao viết trong nhật ký ở rừng: “Mỗi ngày ngồi cặm cụi viết bài. Từ bài “phông” đến một cái tin vặt đều phải cố viết sao cho thật ngắn, thật dễ hiểu. Viết xong, đưa cho một chú giao thông Thổ đọc trước, hỏi xem có hiểu không. Chỗ nào chú không hiểu, viết lại. Chữ nào chú chưa quen, thay bằng chữ khác”. Chăm chút sao cho câu văn, bài báo, mẩu tin được thật ngắn, thật dễ hiểu, Nam Cao đã dành trọn niềm vui thích cho một dạng công việc nếu trước đây có ai bảo ông làm, bắt ông làm, ông có thể “điên người lên được”.
Văn nghệ cách mạng của chúng ta đã trải qua những giai đoạn như thế. ở đây quả có sự hy sinh nghệ thuật, nhưng là một sự hy sinh tự nguyện, thành tâm, và người nghệ sĩ hoàn toàn yên tâm trong những hành động như vậy. ở đây văn nghệ phục vụ chính trị trực diện, văn nghệ trực tiếp làm công cụ tuyên truyền, thậm chí hoá thân vào tuyên truyền, nhưng người viết vẫn không cảm thấy mất tự do, và sản phẩm làm ra không cảm thấy bị rẻ giá.
Cố nhiên cái sẽ còn lại với thời gian ở Nam Cao không phải là những mẩu tin, bài báo, mà sự kiểm tra đầu tiên là dành cho chú giao thông người Thổ có tên Mộc. Cái còn lại, vẫn phải là những gì mang giá trị nghệ thuật đích thực mà người viết chỉ có thể ao ước trong hoàn cảnh ấy. Cái đó như một ngẫu nhiên may mắn, là nhật ký ở rừng mà nhân vật chính - người ghi là chính Nam Cao, trong tâm sự nghề nghiệp đã kể trên. Là Đôi mắt được viết vào mấy ngày Tết năm 1948 ở Vàng Kheo, “cho đỡ nhớ”.
*
Văn nghệ phục vụ chính trị, quả có khẩu hiệu đó, khi giai cấp vô sản vừa bước lên vũ đài, với nhiệm vụ hàng đầu và bao trùm là một hành động chính trị cấp bách: lật đổ chế độ cũ.
ở thời điểm đó, việc Đảng của giai cấp vô sản chủ trương đưa văn nghệ phục vụ chính trị, việc biến văn nghệ thành vũ khí tuyên truyền - nhằm giác ngộ giai cấp vô sản, số lớn còn đang trong tình trạng tối tăm, nghèo khổ, hoàn toàn là một tất yếu - một tự nguyện thành tâm; và nếu là một sự hy sinh, thì cũng là hy sinh tự nguyện.
Vào cuối những năm 20 thế kỷ XX, khi các thế lực Đức Quốc xã đang chuẩn bị nắm chính quyền, Bertolt Brecht là người ra sức nhấn mạnh chức năng giáo dục và sức mạnh cổ động, tuyên truyền của văn nghệ. Ông đã viết khá nhiều Kịch giáo huấn (Lehrstucke), theo tinh thần đó, nhằm giác ngộ, cảnh tỉnh giai cấp công nhân Đức trước hoạ phát xít và hướng công nhân vào trường đấu tranh chính trị. Nhưng chỉ hơn hai chục năm sau, vào đầu những năm 50, trên phần đất Cộng hoà dân chủ Đức (cũ) đã bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng chính Brecht lại đưa ra ý kiến cần coi trọng Chức năng giải trí (Unterhaltungsfunktion) của văn học. Câu chuyện đó sau này trở thành một đề tài gây tranh luận sôi nổi trong giới nghiên cứu về Brecht những năm 60. Có người cho rằng Brecht những năm 50, tức là Brecht chủ trương chức năng giải trí, là một Brecht đích thực, một Brecht đang đính chính lại các sai lầm cũ. Số khác lại cho rằng: ở đây không có Brecht đính chính sai lầm, mà chỉ có Brecht phát triển. Từ các kịch giáo huấn nhằm mục đích giáo dục giai cấp công nhân, đến các sáng tác nhằm vào chức năng giải trí bạn đọc là sự phát triển tự nhiên của một quan niệm nghệ thuật nhất quán nơi Brecht, phù hợp với sự phát triển của lịch sử. Bởi lẽ Brecht là một nghệ sĩ luôn mang tinh thần năng động, sáng tạo, không chịu khép kín trước thực tiễn phát triển. Là người luôn luôn nhạy cảm trước cái mới của đời sống và biết đón trước các yêu cầu mới của công chúng luôn luôn biến đổi.
*
Như vậy cần có quan điểm lịch sử trên vấn đề này, cũng như trên nhiều vấn đề khác của lý luận văn nghệ. Cũng nội dung ấy, cũng mối quan hệ ấy, không được phép đóng cửa trước yêu cầu phát triển của lịch sử. Mặt khác, nếu hiểu lý luận vừa có tác dụng soi đường, vừa là kết quả của thực tiễn, thì điều tự nhiên là không ai có ý đồ đi đến phủ định gay gắt những gì từng có lý do tồn tại, từng có ý nghĩa là động lực thúc đẩy sự phát triển trong quá khứ.
Lại nhớ một ý Bác Hồ viết trong Thư gửi giới văn hoá - trí thức Nam Bộ năm 1946: “Tôi thay mặt Chính phủ cám ơn sự ủng hộ của các bạn. Chính phủ cùng toàn thể đồng bào Việt Nam kiên quyết chiến đấu tranh quyền thống nhất và độc lập cho nước nhà, để cho văn hoá cũng như chính trị, kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do”.
Tôi hiểu, khi đặt chính trị bên cạnh văn hoá, kinh tế, tín ngưỡng (chứ không phải ở trên, hoặc bao trùm, hoặc theo cách nói “chính trị là thống soái” ), Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ một sự thay đổi trong các mối quan hệ giữa các vế đó, trên cơ sở nhận thức tính độc lập của các hình thái ý thức trong kiến trúc thượng tầng của xã hội.
Có nghĩa là khi dân tộc đã được tự do, đất nước đã chuyển sang thời kỳ xây dựng, khi mục tiêu chính trị là nhằm vào sự phát triển đời sống vật chất và tinh thần con người, thì hoạt động chính trị chính là tầm và năng lực quản lý xã hội trên mọi mặt sao cho thuận với quy luật. Yêu cầu quản lý đó được thực hiện bởi Hiến pháp và hệ thống pháp luật; bởi các thể chế, chủ trương, chính sách của bộ máy Nhà nước; bởi những người được phân công phụ trách, điều hành..
Nếu thực sự bộ máy này luôn luôn được điều chỉnh, cải tổ cho thích hợp với tình hình mới, và nếu những người thực hành có đủ trình độ, và biết cách nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo, thì mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, giữa người lãnh đạo và người hoạt động chuyên môn sẽ không có gì gay cấn, khúc mắc, cộm lên, khiến cho giới trí thức lâu lâu lại cảm thấy bức bối, phiền muộn. Để khắc phục điều đó Đảng phải nhiều lần ra các Nghị quyết trong đó yêu cầu phải “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật...” là cần thiết và đáp ứng yêu cầu phát triển của văn nghệ./.
GS Phong Lê
Viện Văn học - Viện Khoa học xã hội
(Theo Bản tin Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật số 3/2008)