Thứ Bảy, 23/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Bảy, 28/7/2018 19:46'(GMT+7)

Về nguồn, thăm căn cứ Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5

Tại đây, các cựu chiến binh, nguyên là cán bộ Tuyên huấn Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 đã có buổi gặp mặt, ôn lại truyền thống của đơn vị; nhắc lại kỷ niệm của những ngày gian khổ phục vụ kháng chiến nhưng vô cùng anh dũng tại Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đồng chí Nguyễn Kim Tuấn - Trưởng Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 chia sẻ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Khu V vô cùng ác liệt, chịu nhiều tổn thất hi sinh nhưng rất đỗi hào hùng với những chiến công oanh liệt. Trong điều kiện đó, nhằm đảm bảo an toàn, Căn cứ của Khu luôn được dời chuyển. Cụ thể, từ năm 1945-1955, căn cứ Khu 5 đóng tại núi Bạch Mã, Thừa Thiên-Huế; từ 1955-1975 qua 20 năm, trải qua 08 lần dời chuyển, tất cả đều đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong đó,  Hiệp Đức vinh dự là nơi Căn cứ đứng chân cuối cùng, từ năm 1973-1975. 

Trải qua 30 năm (từ 1945 đến 1975), Đảng bộ Khu tổ chức 03 lần Đại hội thì căn cứ tại Hiệp Đức là nơi tổ chức Đại hội cuối cùng, đó là Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khu V lần thứ III, diễn ra vào tháng 12 năm 1973.

 

Theo ông Hồ Phước Huề, Phó trưởng Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Khu ủy khu 5, Đại hội lần thứ III của Đảng bộ Khu ủy khu 5, được tổ chức tại xã Phước Trà, huyện Phước Sơn, nay thuộc xã Sông Trà huyện Hiệp Đức vào tháng 12/1973. Đại hội đã quán triệt Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh hoạt động tấn công địch, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam”. Đồng thời, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục chấn chỉnh tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận và ngoại giao. Cương quyết đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm, thu hẹp vùng địch, mở rộng vùng ta, phát triến lực lượng và phong trào cách mạng vùng địch kiểm soát, giữ vững và phát triển thực lực ta về mọi mặt: quân sự, chính trị, kinh tế; đưa cách mạng tiến lên”. 

Đại hội thảo luận và ra Nghị quyết mở các chiến dịch lớn diệt địch, mở rộng vùng giải phóng trên các chiến trường từ Tây Nguyên đến đồng bằng, tạo thời cơ thuận lợi tiến đến giải phóng các tỉnh trong toàn Khu 5.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ gồm 38 đồng chí, 9 đồng chí trong Ban Thường vụ, đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa III làm Bí thư Khu ủy, đồng chí Đại tướng Chu Huy Mân làm Phó Bí thư kiêm Tư lệnh Quân Khu. Đại hội đã thành công tốt đẹp, củng cố thêm sự đoàn kết nhất trí và lòng tin tưởng trong toàn Đàng bộ Khu V. 

Sau Đại hội, các ban tham mưu của Khu ủy cùng các địa phương, đơn vị tích cực triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội, mở nhiều chiến dịch lớn tấn công địch, tiến lên giải phóng Tậy Nguyên, làm bàn đạp giải phóng đồng bằng và thành phố, đập tan bộ máy chiến tranh của địch ở Khu V, mở rộng con đường thần tốc tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 

 

Để tham mưu cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Khu 5, cùng với các Ban của Đảng, Ban Tuyên huấn Khu 5 được thành lập từ tháng 5 năm 1960 sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về đường lối Cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị tiến tới có kết hợp vũ trang.

Ban Tuyên huấn Khu 5 ra đời với chức năng là cơ quan tham mưu cho Khu ủy về tư tưởng chính trị trong kháng chiến chống mỹ cứu nước tại chiến trường khu 5, ngoài chức năng tham mưu, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 còn được giao quản lý và chỉ đạo nội dung chuyên môn thuộc các binh chủng trên mặt trận tư tưởng như: Tuyên truyền, huấn học, báo chí, Thông tấn xã, giáo dục, văn hóa văn nghệ, điện ảnh, các đoàn nghệ thuật nhà in, đài điện tín, trường Đảng. .v..v Ban Tuyên huấn lúc này vừa tổ chức xây dựng bộ máy, vừa đáp ứng kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị trong mọi hoàn cảnh tại chiến trường Khu 5.

Sau ngày kết thúc chiến tranh, vào năm 1993, di tích Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng “Di tích Lịch sử Văn hóa” cấp Quốc gia; được Chính phủ và tỉnh đầu tư, tôn tạo các hạng mục di tích để góp phần giáo dục truyền thống cho muôn đời sau.

Từ tháng 4/2004, một chương trình trùng tu căn cứ đã được khởi động. Căn cứ được tái hiện với nhà và hầm làm việc đồng chí Võ Chí Công, Hội trường Đại hội III, các giếng nước, ao cá, ao rau muống, đường nội bộ, hơn 300 hiện vật gốc được sưu tầm và trưng bày. Các bia lưu niệm như Bia Trung tâm Di tích Ban Tuyên huấn, Thông tấn xã Việt Nam tại Trung Trung bộ; Bia kỷ niệm các đoàn Đại biểu tham dự Đại hội; Nhà Trưng bày hiện vật được xây dựng; các công trình phục vụ như Nhà đón tiếp khách, Sân bãi đỗ xe, Nhà nghỉ, Khu trồng cây lưu niệm, Khu bảo tồn Nhà sàn đồng bào dân tộc thiếu số được đầu tư đồng bộ…. 

Hiện nay, huyện Hiệp Đức đang lập hồ sơ dự án để tiếp tục xin đầu tư kinh phí nâng cấp, mở rộng công trình Nhà bia của Ban Tuyên huấn Khu 5 và xây dựng tượng đài của Khu di tích Khu 5. Đồng thời, hiện nay đang trình Chính phủ xem xét quyết định địa bàn xã Phước Trà và xã Sông Trà là các xã ATK. Nếu được công nhận, là điều kiện thuận lợi để góp phần phát triển kinh tế- xã hội và cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. 

Sau buổi gặp mặt ý nghĩa này, các đại biểu đã đến đặt vòng hoa tại Bia truyền thống Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 và viếng hương các anh hùng liệt sỹ công tác tại Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thăm khu trưng bày các hiện vật liên quan đến quá trình hình thành và hoạt động của Khu ủy Khu 5; thăm Khu nhà làm việc và hầm bí mật của đồng chí Võ Chí Công trong những năm tháng hoạt động tại đây.

Thu Hằng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất