Các nhà khoa học New Zealand ngày 3/3 công bố một công trình nghiên cứu cho thấy vi khuẩn có thể là một loại "vũ khí" đắc lực mới trong cuộc chiến chống các loại ung thư ác tính.
Theo Phó Giáo sư Alex McLellan đến từ Khoa Vi trùng học và Miễn dịch thuộc Đại học Otago, các nghiên cứu chỉ ra rằng vi khuẩn có thể kích thích một dạng phản ứng miễn dịch trong cơ thể con người và tạo ra tế bào bạch huyết có khả năng chống tế bào ung thư.
Ông McLellan nói: "Bằng việc sử dụng vi khuẩn, chúng ta có thể kích thích tạo ra một phản ứng miễn dịch đối với các tế bào ung thư. Kết quả công trình nghiên cứu cũng cho thấy các tế bào bạch huyết đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng phản ứng miễn dịch của cơ thể con người."
Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học New Zealand chỉ ra rằng các tế bào bạch huyết được kích thích bởi vi khuẩn sẽ được tăng cường khả năng miễn dịch trước các tế bào ung thư.
Các tế bào bạch huyết dường như không tạo ra loại vaccine nào mạnh hơn, song sẽ làm hạn chế "tầm nhìn" của tế bào ung thư đối với phản ứng miễn dịch sau khi được tiêm vaccine.
Việc nghiên cứu về phương thức miễn dịch đối với ung thư được khởi xướng từ những năm 1890 bởi bác sỹ William Coley. Bác sỹ người Mỹ này đã phát hiện ra rằng khi một bệnh nhân được tiêm chủng hoặc bị nhiễm khuẩn sẽ tạo ra một hiện tượng đặc biệt trong cơ thể, thậm chí tiêu diệt một số tế bào ung thư.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này vẫn chưa được thực sự quan tâm sau khi nhân loại phát minh ra phương pháp điều trị ung thư bằng hóa chất hoặc trị xạ.
Phát hiện này sẽ cần được thử nghiệm đối với các tế bào cơ thể người và tiếp đó là áp dụng đối với bệnh nhân ung thư tại các phòng thí nghiệm ở Đức./.
(Vietnam+)