Thứ Sáu, 27/9/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 18/1/2009 22:11'(GMT+7)

Việt kiều mừng đón Tết Kỷ Sửu 2009 ở Pháp

Bà con Việt kiều sắm Tết tại Trung tâm Thương mại Thanh Bình Jeune ở ngoại ô Paris. Ảnh: Quang Hưng

Bà con Việt kiều sắm Tết tại Trung tâm Thương mại Thanh Bình Jeune ở ngoại ô Paris. Ảnh: Quang Hưng

Những “không gian Việt Nam”

Cũng như hằng năm vào dịp Tết Nguyên Đán, Hội Người Việt Nam tại Pháp cố gắng tổ chức một lễ hội đón xuân vui tươi cho bà con. Năm nay, chương trình Tết đã được chuẩn bị từ hai tháng qua.

Đây là một sự kiện văn hóa lớn của cộng đồng người Việt tại vùng Paris nên Hội Người Việt Nam tại Pháp đã vận động các thành viên và bà con Việt kiều xây dựng một “Ngày Hội” đón mừng xuân Kỷ Sửu ấm cúng và đậm đà bản sắc dân tộc.

Các chương trình truyền thống vẫn được duy trì và không ngừng cải thiện đặc biệt là phần biểu diễn văn nghệ ở sân khấu chính. Năm nay ngoài phần trình diễn mang tính cộng đồng với những tiết mục ca múa của các em thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, ca sĩ, nghệ sĩ tại Pháp …còn có sự tham gia của một đoàn nghệ thuật ca múa nhạc với hơn 20 nghệ sĩ chuyên nghiệp từ Việt Nam sang.

Ông Bùi Thanh Tùng, Tổng thư ký Hội, cho biết: “Năm nay có một số hoạt động mới so với năm trước để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của bà con. Ban tổ chức có ý tưởng tạo ra những “không gian” dành cho người cao tuổi, thiếu nhi, âm nhạc, triển lãm và ẩm thực.

Ban tổ chức cũng bố trí những không gian dành cho các bạn trẻ. Tại “Không gian hòa nhạc cổ điển”, con em của các gia đình người Việt tại Pháp học tại các trường âm nhạc có cơ hội “trổ tài”. Mong muốn của Hội là sau lễ hội Tết này, các em sẽ được tập hợp trong một khuôn khổ của hội đoàn để hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán của Việt Nam. Tiếp đó, các em sẽ chủ động gặp gỡ và trao đổi với các bạn cùng lứa về việc học tập, đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động hướng về cội nguồn.

Trong khi đó, “Không gian chợ Tết” sẽ được thiết kế như chợ quê với những gian hàng làm bằng tre. Còn “Không gian Hội đoàn” là nơi gặp và giao lưu với các tổ chức Việt kiều và Pháp, giới thiệu những chương trình và đề án hoạt động đa dạng hướng về đất nước. Năm ngoái, có 15 hội đoàn được mới tới chung vui Tết Nguyên Đán với bà con Việt kiều và năm nay dự kiến có hơn 20 hội đoàn tham dự.

Đây cũng là dịp để bạn bè quốc tế tìm hiểu, thêm yêu quý đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, hòa mình vào ngày hội văn hóa Việt Nam ở Pháp.

Ông Tùng chia sẻ: “Tới nay, đêm hội Tết đã là một sự kiện văn hóa lớn của cộng đồng người Việt, đó đó chúng tôi mong muốn chia vui với các bạn nước ngoài”.

Những nét đẹp của người Việt Nam

Trong những ngày đầu năm mới người Việt nam thường hay đi chúc Tết và thăm hỏi những người thân, hàng xóm láng giềng. Do điều kiện đời sống biệt lập ở Pháp, việc thăm hỏi nhau là cả một vấn đề không phải lúc nào cũng có thể chủ động được.

Vì vậy, Ban tổ chức đã có ý tưởng tạo ra một “không gian dành cho những người cao tuổi”, như thế dù neo đơn hay có con cháu, các bác sẽ được các cháu thiếu nhi đến chúc thọ. Qua đó, các em nhỏ sinh tại Pháp hiểu được những tục lệ ngày Tết của Việt Nam.

Ông Tùng cho biết: “Mục đích của chúng tôi là tạo ra những nơi gặp gỡ đầm ấm cho cả những người lớn tuổi và trẻ em. Đây là những điểm mới của lễ hội Tết năm nay nhằm đề cao những nét văn hóa cao đẹp của người Việt. Thí dụ, không gian cho người lớn tuổi được Hội xây dựng với hai mục đích là tạo cho họ một không khí ấm cúng của năm mới và tạo điều kiện cho các em trẻ (thế hệ thứ 2 và 3) sinh trưởng ở Pháp biết được phong tục tập quán của người Việt trong ngày Tết”.

Những hoạt động của Hội trong việc phát huy gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa của người Việt Nam không chỉ tập trung vào dịp Tết. Trong năm qua, Hội đã tích cực vận động bà con Việt kiều tham gia các hoạt động văn hóa như đợt kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ, Ngày Quốc khánh 2-9. Đây là dịp để bà con cùng nhớ về Bác và cùng chia sẻ cảm nghĩ tự hào về ngày độc lập của đất nước mình. Những bài ca, tiếng hát của anh chị em nghệ sĩ nghiệp dư trong Hội trong những dịp này đã làm góp phần làm sáng thêm những mốc son trong lịch sử của tổ quốc Việt Nam.

Sống xa tổ quốc, bà con Việt kiều tại Pháp vẫn luôn hướng về đồng bào tại quê nhà. Trước những khó khăn, không may mắn của bà con trong nước, bà con Việt kiều đã không ngừng phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tích cực ủng hộ đồng bào trong nước bằng những hành động thiết thực. Bà con Việt kiều đã tích cực hưởng ứng các đợt quyên góp để xây nhà tình thương, giúp đỡ bà con bị nhiễm chất độc da cam và tặng học bổng cho những em có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.

Sắp tới, Hội sẽ mở rộng hoạt động đóng góp với đất nước về chất xám. Có thể nói, thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là có đội ngũ trí thức tương đối mạnh, tham gia và giữ vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực tại Pháp.

Ông Tùng cho biết: “Hội sẽ tập hợp lực lượng tri thức tại Pháp cùng nhau đóng góp cho đất nước trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường. Trong năm qua, Việt Nam bị thiệt hại lớn do thiên tai, do đó, chúng tôi có ý định thành lập một trung tâm nghiên cứu về thay đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng tới vùng đồng bằng sông Cửu Long.”

Đoàn kết, vững tin bước vào năm mới


Ông Bùi Thanh Tùng, sang Pháp từ năm 1967, được bầu làm Tổng thư ký Hội năm 2006.


Trong năm qua, Việt Nam phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, tinh thần vươn lên trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào của người Việt Nam lại càng được thể hiện rõ.

Năm qua cũng là năm có nhiều ý nghĩa đối với những người con đất Việt đang sống, làm việc, nghiên cứu và học tập ở Pháp. Cộng đồng người Việt ở Pháp tiếp tục hội nhập tốt hơn vào đời sống xã hội của nước Pháp, hướng về tổ quốc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phẩm chất cao quý của người Việt Nam. Bà con Việt kiều tại Pháp cũng là cầu nối trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Pháp.

Tổng thư ký Hội Người Việt Nam tại Pháp Bùi Thanh Tùng chia sẻ: “Suy nghĩ của tôi cũng như của các anh chị em trong Hội là muốn làm sao cộng đồng người Việt tại Pháp đoàn kết và cùng nhau tìm về cội nguồn. Bà con Việt kiều ở Pháp nên gặp gỡ nhau thường xuyên hơn để chia sẻ tâm tư và suy nghĩ, cùng nhau chung tay xây dựng cuộc sống tại đây và đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước Việt Nam”.

Ông Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh. "Sống xa quê hương, những người Việt Nam tại Pháp luôn luôn gắn bó và mong muốn được chứng những đổi thay từng ngày của quê hương”.

Năm cũ sắp qua đi, xuân mới đang về. Trong giờ phút thiêng liêng này, người Việt Nam ở nước ngoài đang lâng lâng cảm xúc hướng về quê hương, tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới./.

(Theo Nhân Dân điện tử)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất