Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh
MERS-CoV. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh vào Việt Nam là hoàn toàn
có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Hàn Quốc
và các quốc gia Trung Đông.
Đây là khẳng định của lãnh đạo Bộ Y tế trong buổi gặp mặt báo chí chiều 16/6.
Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 15/6, Tổ chức Y tế thế
giới thông báo đã ghi nhận 1.313 trường hợp mắc bệnh tại 26 quốc gia,
trong đó có 460 trường hợp tử vong.
Các nước có bệnh nhân nhiễm MERS-CoV chủ yếu thuộc vùng Trung Đông. Tại Ả
Rập Xê Út, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất vẫn ghi nhận thêm các
trường hợp mắc mới.
Tại khu vực châu Á, các nước đã phát hiện bệnh là Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Tại Hàn Quốc, trong vòng chưa đầy một tháng, kể từ khi ghi nhận trường
hợp nhiễm đầu tiên ngày 20/5 đến 15/6 đã ghi nhận 150 trường hợp mắc
bệnh, trong đó có 16 người tử vong.
Trước tình hình bệnh diễn biến nhanh và trước khả năng bệnh có thể lây
lan sang Việt Nam, Bộ Y tế đã có hàng loạt giải pháp nhằm phòng chống
dịch bệnh cũng như sẵn sàng cho các giải pháp ứng phó nếu xuất hiện bệnh
nhân nhiễm MERS-CoV tại Việt Nam.
Bộ đã ban hành kế hoạch phòng chống MERS-CoV, phối hợp với các bộ ngành
liên quan triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch. Bộ cũng đề
nghị các địa phương chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông về dịch
bệnh.
Đã có bốn đội phản ứng nhanh phòng chống dịch MERS-CoV của khu vực miền
Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên được thành lập, sẵn sàng lên
đường làm nhiệm vụ phòng chống dịch.
Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát phát hiện
sớm trường hợp ốm có yếu tố dịch tễ tại cửa khẩu, cộng đồng và các cơ sở
y tế để kịp thời cách ly.
Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ củng cố hơn nữa nguồn nhân lực, điều kiện cơ
sở vật chất, củng cố năng lực về xét nghiệm để kịp thời xử lý với các
tình huống./.
(Vietnam+)