Trong khuôn khổ Sáng kiến Sức khỏe châu Á, Việt Nam được nêu lên là một
trong những quốc gia có tiềm năng lớn hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh
vực chăm sóc sức khỏe.
Ngày 7/3, Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức hội thảo Sáng kiến Sức khỏe châu
Á lần thứ hai tại thủ đô Tokyo với mục đích tăng cường hợp tác song
phương và hợp tác khu vực trong các dự án và hoạt động doanh nghiệp nhằm
giải quyết các thách thức do tình trạng già hóa dân số gây ra tại khu
vực châu Á, cũng như đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của
Chương trình Chăm sóc sức khỏe toàn cầu (UHC).
Văn phòng Chính sách sức khỏe thuộc Chính phủ Nhật Bản cho biết mục tiêu
của Sáng kiến Sức khỏe châu Á là xây dựng một xã hội mạnh mẽ, năng
động, nơi con người có cuộc sống hiệu quả, sức khỏe tốt để đóng góp cho
tăng trưởng kinh tế.
Tại hội thảo lần này, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, ông Trần
Ngọc Phúc, tham gia với tư cách là diễn giả chính trình bày tham luận
với chủ đề “Vai trò của Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản trong việc thực
hiện Sáng kiến Sức khỏe châu Á".
Theo ông, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đang tăng mạnh, hiện nay
vào khoảng 250.000 người. Trong số đó, lực lượng du học sinh và tu
nghiệp sinh chiếm một phần không nhỏ. Trong thời gian tới, số lượng du
học sinh và tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng, giúp
cho cộng đồng Việt Nam tại đây phát triển.
Ông tin tưởng Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản sẽ đóng vai trò tích cực
trong việc tham vấn một cách chi tiết các vấn đề liên quan đến chăm sóc
sức khỏe giữa Nhật Bản và Việt Nam, cũng như hỗ trợ những người đang xây
dựng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Trong khuôn khổ Sáng kiến Sức khỏe châu Á, Việt Nam được nêu lên là một
trong những quốc gia có tiềm năng lớn hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh
vực chăm sóc sức khỏe. Đây chính là cơ sở cho việc thành lập Ủy ban Việt
Nam về sáng kiến sức khỏe châu Á do ông Trần Ngọc Phúc đứng đầu.
Phó Chánh văn phòng Chính sách Chăm sóc sức khỏe Chính phủ Nhật Bản, ông
Koji Fujimoto cho biết Sáng kiến Chăm sóc sức khỏe châu Á không chỉ
hướng đến Nhật Bản, mà còn hướng đến sự hợp tác trong tương lai giữa
Nhật Bản với các quốc gia châu Á, trong đó trước hết là Việt Nam, để
giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người
cao tuổi. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ở châu Á rơi vào tình trạng già
hóa dân số.
Hiện tại, Việt Nam vẫn là nước có dân số trẻ, song đã có những dự đoán
về nguy cơ Việt Nam cũng sẽ rơi vào tình trạng già hóa dân số như Nhật
Bản trong thời gian tới. Trong vấn đề tiếp nhận tu nghiệp sinh, ông
Fujimoto cho rằng cần có điều chỉnh đối với hệ thống tiếp nhận tu nghiệp
sinh cũng như môi trường học tiếng Nhật.
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)
Sáng kiến Sức khỏe châu Á tạo sự liên kết giữa chính phủ với các doanh
nghiệp, các hiệp hội cũng như những đơn vị cung cấp điều dưỡng, phối hợp
với khối doanh nghiệp tư nhân để phát triển các cơ hội kinh doanh mới.
Ông Tsutoyoshi Mori, Giám đốc điều hành công ty Polaris chuyên hoạt động
trong lĩnh vực y tế, cho biết ông thường xuyên sang Việt Nam để khảo
sát và nghiên cứu. Ông cho rằng hiện tại độ tuổi trung bình của người
Việt Nam vẫn trẻ, nhưng trong tương lai, tốc độ già hóa sẽ diễn ra rất
nhanh. Ông cho biết đã có trường hợp những người Việt Nam muốn học làm
điều dưỡng đi sang Đức và Đài Loan (Trung Quốc). Ông bày tỏ mong muốn
muốn các bạn Việt Nam sang Nhật Bản học làm điều dưỡng và tin tưởng điều
này sẽ giúp ích cho ngành điều dưỡng Việt Nam.
Đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, Chính phủ Nhật
Bản nhận định nhu cầu các dịch vụ này đang có xu hướng gia tăng tại
Việt Nam và nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực này
đang dành sự quan tâm lớn đối với Việt Nam.
Khoảng 500 đại biểu đã lắng nghe các tham luận tại hội thảo Sáng kiến
Sức khỏe châu Á lần thứ hai, chia sẻ các kinh nghiệm về hoạt động chăm
sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại các nước châu Á như Việt Nam, Trung
Quốc, Philippines, Malaysia…
Tháng 11/2017, Nhật Bản đã tổ chức hội nghị đầu tiên của Ủy ban Việt Nam
về chăm sóc sức khỏe châu Á, thu hút khoảng 200 đại biểu tham gia với
mục tiêu chia sẻ những thách thức chung và xác định những mô hình trao
đổi tu nghiệp sinh trong lĩnh vực chăm sóc y tế cho người cao tuổi giữa
Việt Nam với Nhật Bản./.
(TTXVN)