Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 30/3/2023 8:16'(GMT+7)

Việt Nam nhấn mạnh cách tiếp cận toàn cầu, đa phương trong giải quyết biến đổi khí hậu

Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ (bên phải), trao đổi với Tổng Thư ký LHQ António Guterres. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ (bên phải), trao đổi với Tổng Thư ký LHQ António Guterres. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Việc Nghị quyết được 132/193 nước thành viên LHQ đồng bảo trợ và được thông qua bằng hình thức đồng thuận cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này.

Nghị quyết được đệ trình theo sáng kiến của Vanuatu và Nhóm nòng cốt gồm 18 nước,  trong đó có Việt Nam. Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về sư kiện quan trọng này.
 
Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) vừa thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết yêu cầu Toà án Công lý quốc tế đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Xin Đại sứ cho biết nội dung chính và ý nghĩa của Nghị quyết này?
 
Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) là một trong các cơ quan chính của LHQ, thực hiện hai chức năng chính là giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và đưa ra ý kiến tư vấn về khía cạnh pháp lý của nhiều vấn đề được quốc tế hết sức quan tâm. ĐHĐ và Hội đồng Bảo an (HĐBA) có thẩm quyền yêu cầu ICJ đưa ra ý kiến tư vấn đối với bất kỳ vấn đề pháp lý nào, trong đó có biến đổi khí hậu, còn các cơ quan khác của LHQ chỉ được đề nghị Toà cho ý kiến pháp lý đối với những vấn đề thuộc phạm vi chức năng hoạt động của mình. Trong gần 80 năm hoạt động, ICJ đã nhiều lượt đưa ra ý kiến tư vấn, như về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập…

Với Nghị quyết này, ĐHĐ yêu cầu ICJ làm rõ hai vấn đề liên quan biến đổi khí hậu. Một là, xác định nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế nói chung và các công ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu nói riêng như Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS)…, nhất là liên quan việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính do các hoạt động của con người gây ra. Hai là, trên cơ sở các nghĩa vụ đó, ĐHĐ LHQ đề nghị ICJ xác định trách nhiệm pháp lý của các quốc gia đã gây ra phát thải lớn và dẫn tới những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các nước khác, cũng như đối với thế hệ hiện tại và tương lai. Thực tế là cộng đồng quốc tế đã có những cơ chế quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như UNFCCC, Hiệp định Paris nêu trên. Tuy nhiên, nhiều quy định trong các thoả thuận này còn chưa thực sự cụ thể, dẫn tới việc các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu của các quốc gia còn chưa được như mong muốn. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp như chúng  ta thấy ở rất nhiều nơi trên thế giới. Nhiều mục tiêu chung của quốc tế khó có thể đạt được.

Vì vậy, nếu ý kiến tư vấn của ICJ đưa ra làm rõ hơn được trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia, cộng đồng quốc tế sẽ có thêm nhiều cơ sở để đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thời gian tới, góp phần giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu cũng như giúp các quốc gia thích ứng tốt hơn. Với những nội hàm và ý nghĩa quan trọng đó, đây sẽ có thể là một trong những ý kiến tư vấn quan trọng nhất, sâu rộng nhất mà ICJ đưa ra.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ (ngồi giữa), gõ búa thông qua nghị quyết. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Được biết trách nhiệm đối với hệ quả biến đổi khí hậu là một vấn đề rất phức tạp và đã từng là nguyên nhân chính khiến nhiều hội nghị quốc tế về môi trường, biến đổi khí hậu không được như mong đợi, thậm chí không đạt thoả thuận. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của việc Nghị quyết nói trên được thông qua bằng đồng thuận?

Chúng ta biết rằng không phải tự nhiên mà rất nhiều các hội nghị quốc tế lớn thời gian qua về biến đổi khí hậu đều gặp nhiều khó khăn. Điều đó là do những cam kết về biến đổi khí hậu can hệ trực tiếp tới tồn vong của nhiều quốc gia, tới mô hình, đường lối, mức độ phát triển của tuyệt đại đa số các nước. Việc xử lý thoả đáng giữa yêu cầu chống biến đổi khí hậu và bảo đảm tăng trưởng, phát triển sẽ tác động trực tiếp tới tương lai các nước nói chung cũng như khả năng phát triển của nhiều lĩnh vực then chốt. Ý kiến tư vấn của ICJ về trách nhiệm, nghĩa vụ của các nước sẽ có thể  tác động rất lớn đến nhiều nước, nhất là các nước, các ngành, các lĩnh vực gây xả thải lớn. Chính vì vậy, việc Nghị quyết được 193 nước thành viên LHQ thông qua bằng đồng thuận, trong đó có 132/193 nước đồng bảo trợ là đặc biệt có ý nghĩa.

Thứ  nhất, điều này cho thấy những hậu quả to lớn của biến đổi khí hậu cũng như tính cấp thiết rất rõ ràng của việc cần khẩn cấp tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ hai, tính cấp thiết đó đã lớn tới mức thu hút quan tâm quốc tế rộng rãi, khiến rất nhiều nước vốn có thể nhạy cảm với những nội dung mà ICJ có thể đưa ra trong ý kiến tư vấn, dù đã phải rất cân nhắc, song cuối cùng cũng quyết định ủng hộ mạnh.

Thứ ba, việc nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận cho thấy những ưu điểm của cách tiếp cận đa phương, đề cao luật pháp quốc tế, coi trọng tham vấn, đối thoại giữa các quốc gia. Vanuatu và nhóm các quốc gia nòng cốt đã tiến hành quá trình thương lượng cởi mở, tích cực, với đại diện cho tất cả các nhóm khu vực địa lý, đồng thời khéo léo tranh thủ các hình thức quảng bá, thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế, tất cả các nước thành viên LHQ cũng như báo giới, các nhà hoạt động xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Với kết quả này, việc thông qua Nghị quyết cho thấy cộng đồng quốc tế có thể và đã sẵn sàng hơn trong việc cùng hành động mạnh mẽ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp Đại hội đồng LHQ. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Xin Đại sứ cho biết cụ thể thêm về sự tham gia của Việt Nam đối với Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng này?

Việt Nam tham gia tích cực ngay từ đầu trong việc cùng Vanuatu thúc đẩy sáng kiến này. Chúng ta là một trong 5 thành viên đầu tiên của Nhóm các quốc gia nòng cốt. Ta đã tích cực tham gia trong quá trình xây dựng nội dung dự thảo Nghị quyết thông qua với gần 50 cuộc họp của Nhóm từ tháng 9/2022 tới nay, cũng như trong ba vòng tham vấn chính thức với toàn bộ các nước thành viên LHQ cùng nhiều cuộc tiếp xúc không chính thức khác.

Nhiều góp ý của ta được đưa vào Nghị quyết, trong đó có việc đưa  nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng khác biệt”, đề cập các tác động của biến  đổi khí hậu đối với các nước đang phát triển, các nước dễ bị tổn thương, các sáng kiến của ta đề xuất tại Hội đồng Nhân quyền về biến đổi khí hậu…. Đóng góp của ta giúp nội dung Nghị quyết cân bằng, toàn diện hơn, giúp làm rõ phần câu hỏi pháp lý là nội dung quan trọng nhất, được bạn bè ủng hộ và đánh giá cao.

Ta cũng đã tích cực tham gia điều hành các phiên tham vấn, vận động các thành viên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nước đối tác/bạn bè thân  thiết khác ủng hộ/đồng bảo trợ Nghị quyết, góp phần vào thành công chung của việc  thông qua Nghị quyết.
 
Việc tham gia xây dựng Nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?


Do vị trị địa lý đặc thù cùng đường bờ biển dài hơn 3000 km, Việt Nam được  đánh giá là một trong những  quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là từ  vấn đề nước biển dâng. Ví dụ, theo một số nghiên cứu, nếu nước biển dâng 1m,  40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long và 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 20-30 triệu người dân. Chính vì vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách toàn diện, quyết liệt nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, trong đó có việc tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh đó, việc tích cực tham gia Nhóm nòng cốt xây dựng Nghị quyết giúp đề cao các chính sách và nỗ lực tích cực của Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm cam kết giảm phát thải ròng về mức bằng 0 vào năm 2050, cũng như vai trò tích cực của Việt Nam trong các cơ chế, diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu, góp phần chung cùng các  nước tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề này, từ đó tranh thủ thêm hỗ trợ của quốc tế đối với các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu của ta. Lâu dài hơn, việc ICJ đưa ra ý kiến tư vấn có khả năng giúp có thêm những biện pháp, nguồn lực mạnh hơn cho ứng phó biến đổi khí hậu, vừa giúp giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu, vừa giúp thúc đẩy hỗ trợ trực tiếp cho các nước đang phát triển như Việt Nam trong ứng phó ở cấp độ quốc gia.

Việc tham gia xây dựng Nghị quyết này cũng khẳng định mạnh mẽ quan điểm của Việt Nam là việc giải quyết các vấn đề toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, trên cơ sở coi trọng hợp tác đa phương, coi trọng vai trò của các thể chế đa phương, và nhất là trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất