Thứ Sáu, 27/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 31/1/2009 21:57'(GMT+7)

Việt Nam ủng hộ mục tiêu cao cả của Luật Nhân đạo quốc tế trong các cuộc xung đột vũ trang

Đại sứ Lê Lương Minh

Đại sứ Lê Lương Minh

Ngày 29/1/2009, HĐBA thảo luận về thúc đẩy tôn trọng Luật Nhân đạo quốc tế. Trợ lý Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề pháp lý, bà Patricia O'Brien, cùng đại diện Chữ thập đỏ Quốc tế, Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn, Cao uỷ Nhân quyền và Cơ quan Điều phối các hoạt động nhân đạo được mời tham dự và phát biểu ý kiến.

Bà O'Brien đặc biệt nhấn mạnh tình trạng nhân viên và trụ sở của Liên Hợp Quốc ở các nước có xung đột vũ trang trở thành mục tiêu tấn công, đề nghị các nước thành viên Liên Hợp Quốc xem xét thông qua quy chế được bảo hộ đặc biệt cho trụ sở của các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Lê Lương Minh bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tình trạng vi phạm Luật Nhân đạo quốc tế trong các cuộc xung đột vũ trang diễn ra tại hầu hết các khu vực của thế giới, gây ra những tổn thất nặng nề về sinh mạng, tài sản cho thường dân - những người được Luật nhân đạo quốc tế bảo hộ, trong khi trong nhiều trường hợp cộng đồng quốc tế không thể có hành động ngăn chặn.

Đại sứ cho rằng những cách lý giải mang tính biện hộ, việc áp dụng các tiêu chuẩn kép, có lựa chọn và các hành động chính trị hóa là những cản trở chính đối với việc tôn trọng và thực hiện các mục tiêu cao cả của Luật Nhân đạo quốc tế .

Đại sứ Lê Lương Minh bác bỏ khái niệm “mức độ thương vong thường dân có thể chấp nhận được" và khẳng định quan điểm: cách tốt nhất để bảo vệ thường dân và các đối tượng được Luật Nhân đạo quốc tế bảo hộ là ngăn ngừa và giải quyết hoà bình các cuộc xung đột vũ trang, thủ tiêu hoàn toàn các loại vũ khí giết người hàng loạt, đặc biệt vũ khí hạt nhân đang đe dọa gây ra thảm họa nhân đạo nguy hiểm nhất đối với nhân loại, coi đó là những nguyên tắc và mục tiêu chỉ đạo công việc của HĐBA.

Đại sứ nhấn mạnh các biện pháp được HĐBA xem xét áp dụng đối với bất cứ nước nào đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng hướng tới ưu tiên cao nhất là tái thiết hoà bình, ổn định và khả năng thực thi pháp luật của nước đó, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế./.

(Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất