Ngày 8/12, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo "Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021 và giải pháp trong thời gian tới".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng, biến đổi khí hậu đang có xu hướng diễn biến rất phức tạp, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi thế giới. Tình hình này đòi hỏi sự chung tay của nhiều quốc gia trong việc đề ra các hành động tăng khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa phát thải carbon vào năm 2050 càng cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng đối với vấn đề này.
Việt Nam xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc thực hiện kịp thời các cam kết về biến đổi khí hậu sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước.
Quốc hội đã thông qua nhiều Luật có liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường năm 2022, Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Chăn nuôi năm 2018, Luật Đa dạng Sinh học năm 2018, Luật Thủy sản năm 2017… Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết, quy hoạch liên quan đến biến đổi khí hậu, nổi bật là Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hay Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ông Lê Quang Huy cho biết, thời gian qua, Quốc hội Việt Nam luôn chú trọng việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, phát luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan của Quốc hội được phân công phụ trách và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc chủ trì, phối hợp thẩm tra, giám sát, kiến nghị thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Hội thảo cũng là một trong số các hoạt động hợp tác tiếp nối giữa Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MCRP) của Tổ chức GIZ.
Theo ông Christoph Klinnert, Giám đốc Dự án MCRP của GIZ, trong những năm qua, Tổ chức MCRP-GIZ đã phối hợp, hỗ trợ Việt Nam thực hiện lồng ghép phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại 13 địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, lập quy hoạch thoát nước và chống ngập úng đô thị cho 3 thành phố thuộc các địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long có tính đến tác động của biến đổi khí hậu gồm: Long Xuyên, Rạch Giá và Cà Mau.
Chia sẻ về phương thức tiếp cận thích ứng với biến đổi khí hậu, theo ông Christoph Klinnert, Tổ chức MCRP-GIZ đã và sẽ cùng với Việt Nam triển khai tốt hơn nữa công nghệ đổi mới sáng tạo, phòng, chống xói lở bờ biển và bờ sông; lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy các mô hình đổi mới sáng tạo và thông minh thích ứng với khí hậu để canh tác nông nghiệp bền vững; thí điểm các cách tiếp cận thuận thiên, thoát nước và chống ngập đô thị dựa vào hệ sinh thái, thích ứng với khí hậu trong quy hoạch và phát triển đô thị.
Mặt khác, MCRP-GIZ cũng sẽ cùng Việt Nam lập kế hoạch phòng, chống thiên tai, lồng ghép phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long có sự phối hợp trong vùng; thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Tình hình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam; việc thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020; đánh giá kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị; hiệu quả các dự án đầu tư thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả việc thực hiện pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới...
Giáo sư Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam đề xuất xây dựng Luật về Biến đổi khí hậu.
Nhiều đại biểu cho rằng, xây dựng luật biến đổi khí hậu để “bao trùm” tất cả các lĩnh vực là điều cần thiết trong thời gian tới. Theo Giáo sư Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, luật biến đổi khí hậu có thể chưa thể ra đời ngay, nhưng phải bắt đầu từ bây giờ để đến năm 2024 - 2025, luật đã hình thành. Tuy nhiên, Giáo sư Trần Thục cũng nhấn mạnh, không nên quá cầu toàn về luật biến đổi khí hậu, bởi luật sẽ là bộ khung để cho các hành động tiếp theo sau có tính pháp lý trong quá trình thực hiện.
Giáo sư Trần Thục cho rằng, luật có thể quy định các điều khoản chung, còn những vấn đề chi tiết, giao cho Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư để cụ thể hóa, giúp quá trình thực thi đạt hiệu quả.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, khi xây dựng văn bản luật riêng về biến đổi khí hậu cho Việt Nam, cần xem xét và kết hợp đồng thời 4 vấn đề: Nội luật hóa các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà nước ta đã tham gia; gắn với quan điểm và chiến lược của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu; rà soát, tổng kết việc thực thi pháp luật về biến đổi khí hậu; nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Các ý kiến, thảo luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế tại Hội thảo được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận và đánh giá đây là nguồn tư liệu cho các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Đồng thời, Hội thảo còn góp phần kết nối, tạo lập thêm nhiều cơ hội, diễn đàn thảo luận chính sách pháp luật khác trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy sự hợp tác, thực thi hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường ở Việt Nam./.