Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 4/7/2019 11:11'(GMT+7)

"Viết và Đối thoại": Không bao giờ vơi cạn niềm tin và khát vọng

"Viết và Đối thoại" là cuốn sách thứ 4 trong vòng 5 năm của Trần Mai Hạnh được xuất bản.

"Viết và Đối thoại" là cuốn sách thứ 4 trong vòng 5 năm của Trần Mai Hạnh được xuất bản.

Cuốn Viết và Đối thoại của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ấn hành. Sách là công trình gói ghém hơn nửa thế kỷ làm nghề và nghiệp viết, cả báo chí và nét chính trong sự nghiệp văn chương của tác giả Trần Mai Hạnh.

Với hai phần chính: Báo chí, Phát biểu - Tham luận - Đối thoại, và phần Phụ lục Tác phẩm và Dư luận, cuốn sách như một sự tổng kết và đặt dấu mốc quan trọng để người đọc có hình dung chung nhất mà không thiếu đi độ sâu khi muốn tìm hiểu về nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh, ở cả góc độ tác phẩm và quan niệm nghề nghiệp.

Viết và Đối thoại là cuốn sách thứ 4 trong vòng 5 năm của ông được ấn hành tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Ba cuốn trước đó: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4-75, Lời tựa một tình yêu Thời tôi sống đều thể hiện được bút lực dồi dào, khả năng chiếm lĩnh tư liệu đồ sộ của Trần Mai Hạnh.

Với gần 900 trang sách công phu, độc giả gặp lại phong cách quen thuộc của tác giả Trần Mai Hạnh. Dấu ấn đậm nhất chính là việc hiện thực hóa bằng những tư liệu không cần tranh cãi, và những bức ảnh minh họa đã hỗ trợ xuất sắc cho việc tạo ra sự sinh động, xác lập niềm tin nơi độc giả.

Phần I của cuốn sách tập hợp những bài báo tạo được tiếng vang của Trần Mai Hạnh trong một khoảng thời gian tương đối dài. Ở đó, phong cách báo chí của ông được thể hiện ở sự lựa chọn đa dạng các thể loại, phong phú các đề tài với lối viết linh hoạt và thẳng thắn.

Lịch sử cần sự chân xác, đủ đầy. Phong cách báo chí hướng đến những thông tin nóng hổi, với cách trình bày ngắn gọn và sắc sảo. Trong khi đó, văn chương lại cần nhiều khoảng lặng để suy ngẫm và chiêm nghiệm. Ở Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, tính chất báo chí được thể hiện ở một số phân đoạn khi mô tả và tường thuật kiểu thông tin sự kiện. Những tác phẩm được tập hợp ở phần I của cuốn sách vẫn đảm bảo được yêu cầu nghiêm ngặt của thể loại báo chí nhưng được kết hợp một cách khéo léo và nhuần nhị với lối viết giàu xúc cảm tạo nên văn phong lôi cuốn.

Nhiều bài báo với cách đặt nhan đề gây hấp dẫn, khơi gợi trí tò mò và sau đó được truyền tải thông tin bằng ngôn ngữ sắc gọn, chính xác; sự kiện và chi tiết sáng rõ: Những cuộc cờ tàn (Giới hạn mỏng manh và Những lần hú vía, Nhà báo hầu tòa…, Đối mặt với Cao Thị Lan và Lật ngược thế cờ), Ai ngăn cản tiếng nói cuối cùng của công lý (Vì sao có sự chậm trễ?, Cơ sở pháp lý của vụ án là đâu?)…

50 tác phẩm báo chí của Trần Mai Hạnh giúp người đọc tiếp cận từ những vấn đề gây chú ý của dư luận như vụ án nông trường Sông Hậu về bà Trần Ngọc Sương - tức Ba Sương, nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng (Day dứt chuyện Nông trường Sông Hậu, Hãy xử sự vì lợi ích xã hội…) đến những vấn đề đạo đức trong xã hội hiện đại, lối sống hưởng thụ của một bộ phận giới trẻ (Vụ án nữ sinh giết người trên xe Lexus cảnh báo điều gì?), chuyện của giáo dục với những sự kiện như đạp đổ cổng sắt Trường Trung học cơ sở Thực nghiệm (Hà Nội), tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp trung học ở Bắc Giang… Thậm chí những số phận nghệ sĩ mưu sinh chật vật giữa cái xô bồ của thời kỳ mở cửa, khi nghệ thuật truyền thống oằn mình chống đỡ trước guồng quay của kinh tế thị trường và hội nhập cũng dành được sự quan tâm đích đáng; bởi một thực tế chua xót là “con chim sơn ca khi nhặt hạt dẻ nó chỉ là một con chim bình thường, nhưng khi cất tiếng hót nó là nghệ sĩ. Không có hạt dẻ thì chim sơn ca không lấy sức đâu ra mà hót”, Trần Mai Hạnh thổ lộ.

Trần Mai Hạnh là một nhà báo, nhà văn với thế mạnh chiếm lĩnh tư liệu trong sáng tác khi khai thác những sự kiện, nhân vật có thực. Ba tác phẩm: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống thu hút được sự quan tâm đánh giá của dư luận bởi sự độc đáo, công phu trong diễn giải chiến tranh của Trần Mai Hạnh khi lựa chọn lối đi mang tính kiểm chứng và khai sáng.

Trong Viết và Đối thoại, tính chính xác của sự kiện kết hợp với xúc cảm, những nhận định chừng mực thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm thuộc đề tài lịch sử. 30-4-1975 - Ngày ấy, Hôm nay là những trang hồi ức về bài báo được viết tại thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975 với nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”.

Ở những tác phẩm này, Trần Mai Hạnh chứng tỏ thế mạnh của ngòi bút, thể hiện sự tâm huyết, khả năng đào sâu tìm tòi trong cách tiếp cận. Bởi như Trần Mai Hạnh chia sẻ, “những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời nó cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai”.

Không toàn vẹn như đời, chính những trải nghiệm thăng trầm của Trần Mai Hạnh đã khiến cho những khám phá và thể hiện cuộc sống, đúc rút quan niệm làm nghề có sức thuyết phục hơn. Thông điệp của Viết và Đối thoại chính là đem đến một cái nhìn đa chiều, dù bề bộn nhưng không bao giờ vơi cạn niềm tin và khát vọng. Có lẽ, cuộc sống của con người chỉ thực sự có ý nghĩa khi nếm trải, khi tin tưởng, cũng như vị thế của một tác giả thực sự được xác lập khi biết tìm một lối đi riêng.

Với lối tư duy và một phong cách riêng biệt, tính chất báo chí và văn chương hiện diện trong từng tác phẩm, tạo được sự thống nhất trong một chỉnh thể.

Đến nay, Trần Mai Hạnh thử sức ở hầu hết các thể loại: Phóng sự, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết… Ở thể loại nào ông cũng đề cao sự chân xác, tỉ mỉ của tư liệu, cách chiếm lĩnh và xử lý, tiếp cận riêng, bởi thế nên đều tạo được những dấu ấn đậm./.

Nhật Nam (VGP)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất