Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 26/10/2009 21:26'(GMT+7)

“Vũ khí” nào giúp doanh nghiệp chiến thắng trong cạnh tranh

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)


Hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp bước vào một sân chơi bình đẳng cùng đối thủ không phân biệt loại hình, quốc gia và trong môi trường cạnh tranh đó sẽ liên tục có sự thanh lọc, loại bỏ những đối thủ yếu thế. Đặc biệt, đối với Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với các Tập đoàn, các công ty có tiềm lực mạnh, vượt trội về nhiều mặt. Vậy “vũ khí” nào để các doanh nghiệp Việt Nam trụ vững trong môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt?.

Thực tế, khả năng cạnh tranh của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay so với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên thị trường Việt Nam luôn bị đánh giá là yếu hơn về nhiều mặt. Sự yếu thế được thể hiện trên nhiều góc độ: vốn đầu tư, trình độ quản lý, nhân lực, máy móc, thiết bị khoa học công nghệ, quảng bá... Căn nguyên của sự thua kém này là do nền các doanh nghiệp Việt Nam có điểm xuất phát thấp, mới bước vào hội nhập, chưa chuẩn bị cho mình một hành trang đầy đủ, chưa có được vũ khí cạnh tranh đem lại cho các Công ty sức mạnh để đương đầu với các đối thủ, mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững, đặc biệt là trong nắm bắt, xử lý thông tin... Tuy nhiên, tất cả các yếu tố đó hoàn toàn có thể khắc phục được để giành vị thế cao trong cạnh tranh nếu doanh nghiệp tạo dựng cho mình được lợi thế riêng - một “vũ khí” dựa trên thế mạnh của mình và có sự riêng biệt để biến nó thành phương tiện giúp làm thoả mãn khách hàng và thu hút ngày càng nhiều khách hàng đến mua sản phẩm/dịch vụ của mình.

Hiện nay, có nhiều loại “vũ khí” cạnh tranh đang được các doanh nghiệp trên thế giới sử dụng như: Sự vượt trội về kỹ thuật/công nghệ; Danh tiếng về chất lượng; Sự hỗ trợ về sản phẩm và dịch vụ; Mạng lưới chăm sóc khách hàng; Khả năng giữ nhân viên giỏi; Chi phí thấp; Danh tiếng và thương hiệu; Khả năng tài chính; Sự định hướng khách hàng và khả năng nghiên cứu thị trường; Sự đa dạng của sản phẩm; Phân đoạn thị trường; Nhanh nhạy và phân tích chính xác thông tin... Mỗi một loại “vũ khí” đều có những đặc điểm riêng, có những vượt trội riêng, vì vậy mỗi loại “vũ khí” sẽ mang đến cho doanh nghiệp những lợi thế riêng.

Danh tiếng và thương hiệu được coi là tài sản quý giá và là “vũ khí” cạnh tranh hữu hiệu. Khả năng về tài chính, khả năng giữ được nhân viên giỏi là một trong những điểm mạnh giúp doanh nghiệp có đủ sức cạnh tranh với các đối thủ của mình. Danh tiếng về chất lượng, hỗ trợ về sản phẩm và dịch vụ, mạng lưới chăm sóc khách hàng, định hướng khách hàng... được coi là những “vũ khí” cạnh tranh đầy hiệu quả. Tuy nhiên, sức mạnh của mỗi loại vũ khí trong các ngành khác nhau cũng khác nhau. Do vậy, các doanh nghiệp trước hết cần phải hiểu rõ đặc điểm riêng của mình để lựa chọn “vũ khí” cạnh tranh cho phù hợp. Việc lựa chọn và phát triển “vũ khí” cạnh tranh phụ thuộc vào các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Các yếu tố bên trong như điểm yếu, điểm mạnh, năng lực của doanh nghiệp và đặc điểm ngành nghề mà doanh nghiệp đang hoạt động là cơ sở để cho doanh nghiệp lựa chọn loại “vũ khí”. Tương tự, các yếu tố bên ngoài như chủ trương, chính sách, và sự hỗ trợ của nhà nước cũng là căn cứ để lựa chọn “vũ khí” cạnh tranh.

Nền kinh tế Việt Nam đang nóng lên từng ngày, và sẽ mãnh liệt hơn khi nước ngoài bước vào. Để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam phải có đủ thông tin. Nhưng thực sự không dễ tiếp cận những thông tin đang cần. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, các kênh thông tin truyền thống, với mục tiêu phục vụ đại chúng, chưa cung cấp đúng những thông tin họ cần. Doanh nghiệp chưa có đủ thông tin cần thiết để hoạch định và tiến hành các hoạt động kinh doanh. Thiếu thông tin về chuyển động của thị trường trong nước và trên thế giới, thiếu thông tin kịp thời về dự báo nhu cầu và triển vọng sản phẩm, quy hoạch ngành, các quy định mới… Thậm chí, khá nhiều doanh nghiệp vô tình phải chịu những khoản phạt không nhỏ do không cập nhật đủ thông tin về những quy định, chính sách mới.

Khi tham gia hội nhập, doanh nghiệp được coi là nhân vật trung tâm của kinh tế thị trường và trực tiếp tham gia vào hội nhập, lời khuyên từ các chuyên gia gửi đến các doanh nghiệp là chủ động tìm hiểu luật chơi, qua đó, tạo thuận lợi cho mình trong việc mở rộng mạng lưới khách hàng, thâm nhập thị trường và tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ, kỹ năng quản lý của nước ngoài; xử lý tranh chấp thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh... Đặc biệt, doanh nghiệp phải thực sự coi trọng việc nắm bắt, cập nhật thông tin, nhất là thông tin liên quan đến tiêu thụ, sự biến động của thị trường thế giới, coi thông tin là lực lượng sản xuất trực tiếp. Đồng thời, cần khắc phục tình trạng chỉ chú tâm đẩy mạnh sản xuất đôi khi những sản phẩm mà thị trường không cần hoặc cần nhưng với số lượng, chất lượng, chủng loại, mẫu mã, giá cả, thị hiếu phù hợp hơn. Rõ ràng, đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ tiếp cận với mạng lưới cung cấp thông tin kinh doanh cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Các doanh nghiệp Việt Nam, do sự hạn chế về vốn, công nghệ và quản lý nên các doanh nghiệp phải tìm chọn ra những “vũ khí” có thể duy trì và phát triển thành lợi thế cạnh tranh như: Chất lượng sản phẩm, chi phí thấp, hỗ trợ về sản phẩm, chăm sóc khách hàng, định hướng khách hàng, nâng cao thương hiệu, đào tạo và tuyển chọn nhân viên giỏi...

Chất lượng sản phẩm là “vũ khí” cạnh tranh đầy lợi hại trên thị trường. Khi nền kinh tế phát triển, thu nhập của người tiêu dùng ngày càng cao thì chất lượng của các sản phẩm/dịch vụ càng được chú trọng. Đặc biệt, để đưa được hàng hoá vào các thị trường khó tính như thị trường Mỹ và châu Âu, chất lượng hàng hoá cần phải đạt tới mức “chất lượng quốc tế” và phải được một tổ chức có uy tín chứng nhận. Vì vậy, để xâm nhập vào được các thị trường như thị trường Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp cần xây dựng được cho mình một danh tiếng về chất lượng. Việc tạo lập được một danh tiếng về chất lượng là một điều hoàn toàn không dễ, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể làm được điều này.

Chi phí thấp cũng là một “vũ khí” cạnh tranh đầy hiệu quả. Doanh nghiệp Việt Nam, với lợi thế có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, có thể sản xuất ra các sản phẩm/dịch vụ để tiêu thụ với giá cả mang tính cạnh tranh cao. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp Việt Nam còn có thể áp dụng các phương pháp quản lý vật tư tiên tiến hoặc thiết lập đồng minh chiến lược trong cung cấp nguyên vật liệu nhằm giảm thiểu chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm.

Định hướng khách hàng là việc doanh nghiệp hoạt động theo tôn chỉ sản xuất ra các sản phẩm/dịch vụ phải trên cơ sở nhu cầu khách hàng và chất lượng sản phẩm/dịch vụ là mức độ thoả mãn nhu cầu khách hàng của sản phẩm/dịch vụ đó. Do đó, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu nhu cầu khách hàng để sản xuất ra sản phẩm/dịch vụ không chỉ thoả mãn nhu cầu khách hàng ngay từ đầu mà còn thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của họ. Việc triển khai các chương trình cải tiến chất lượng và thực hiện áp dụng các quy chuẩn chất lượng quốc tế cũng nhằm mục đích lôi cuốn khách hàng, khẳng định và nâng cao giá trị thương hiệu, sản phẩm. Bởi thương hiệu là tài sản vô hình nhưng nó có giá trị đặc biệt quyết định quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Nhưng không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng nhận thức được điều đó. Do đó, đầu tư xây dựng thương hiệu vững mạnh là việc làm cần thiết và cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải thấy được phân đoạn thị trường là một “vũ khí” cạnh tranh hiệu quả, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có nguồn lực hạn chế. Việc phân chia thị trường ra thành các phân đoạn khác nhau là lựa chọn cho mình một thị trường phù hợp là một con đường đúng đắn để đi đến thành công. Các doanh nghiệp Việt Nam với những hạn chế của mình về vật lực và tài lực có thể chọn ra cho mình một thị trường riêng không chỉ ở trên lãnh thổ Việt Nam mà còn cả ở thị trường nước ngoài.

Thực tế trong cạnh tranh cũng đã chứng minh, các sản phẩm/dịch vụ phụ trợ đi kèm đã giúp doanh nghiệp xây dựng được một mối quan hệ tốt với khách hàng và tạo cho khách hàng một niềm tin tuyệt đối vào sản phẩm/dịch vụ của mình. Đây được đánh giá là một “vũ khí” dễ thực hiện nhưng tốn kém ít.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ nhân viên cũng được coi là tài sản trong doanh nghiệp. Đây là đội ngũ trực tiếp tạo ra sự sống còn, thành bại của doanh nghiệp. Dó đó, xây dựng, tuyển chọn, đào tạo và giữ chân được nhân viên giỏi phục vụ nhiệt tình cho doanh nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng. Nhân viên giỏi là một trong những nhân tố quyết định chất lượng của công việc, quyết định hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. Giữ nhân viên giỏi là một vũ khí cạnh tranh đầy uy lực, đặc biệt là đối với các ngành công nghệ cao và dịch vụ. Tầm quan trọng của việc giữ được các nhân viên giỏi đã được kiểm chứng rõ ràng ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam thì điều này vẫn hoàn toàn mới. Vì vậy, tuyển dụng và giữ nhân viên giỏi ở lại làm việc cho doanh nghiệp là một trong những chiến lược dài hạn, đúng đắn đối với các doanh nghiệp Việt Nam./.

Ngọc Chi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất