ĐBSCL hiện có 92 bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện, 14 BVĐK khu vực, 17 BVĐK tỉnh, 37 bệnh viện (BV) chuyên khoa, trong đó có 21 BV phục vụ cho 5 chuyên ngành (lao và bệnh phổi, tâm thần...); các tỉnh đều có trung tâm giám định pháp y tâm thần.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương hoàn toàn không có bác sĩ (BS) ở một số chuyên khoa. Hội nghị Đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL năm 2017 tổ chức mới đây lại khơi gợi những “vùng trũng” về nhân lực của vùng.
Thiếu bác sĩ chuyên khoa trầm trọng
Cụ thể: 8/13 tỉnh thành không có BS chuyên khoa bệnh phong; 5/13 tỉnh, thành không có BS giải phẫu bệnh để phục vụ cho khoa ung bướu của BV tỉnh, các địa phương còn lại cũng chỉ có 1-2 người. Toàn vùng, mỗi tỉnh, thành đều có trung tâm pháp y nhưng chỉ có tổng cộng 4 BS pháp y. Tỉnh Kiên Giang chỉ có 1 BS chuyên khoa tâm thần, còn lại các chuyên khoa phong, giải phẫu bệnh, pháp y đều không có BS.
Tương tự, tại An Giang, Bến Tre, Hậu Giang cũng không có BS chuyên khoa phong, tâm thần, giải phẫu… Một vấn đề nan giải khác là tình trạng BS xin nghỉ việc.
Điều đáng lo là dự kiến đến năm 2020, có trên 50% số BS đến tuổi nghỉ hưu. Nếu không kịp thời bổ sung nhân lực, tình trạng sẽ ngày càng trầm trọng thêm.
Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, thời gian vừa qua đã có 10 BS ở các BV của tỉnh nộp đơn xin nghỉ việc, chuyển đi nơi khác. Tại Long An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho hay, những BS giỏi nhất đang bị hút dần về TPHCM. Tương tự ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp… tình trạng “chảy máu chất xám” cũng gia tăng.
Nguyên nhân chủ yếu do chế độ đãi ngộ ở BV công quá thấp so với BV tư; mức độ đãi ngộ chênh lệnh giữa các tỉnh thành... khiến bài toán về nhân lực y tế ở ĐBSCL càng nan giải. Trong khi đó, ngành y tế lại đang lo lắng về chương trình đào tạo liên thông đối với nguồn nhân lực y tế trong vùng. Nếu dừng chương trình này, nhân lực ngành y tế sẽ bị đẩy vào “căn bệnh” thiếu cán bộ chuyên môn có tay nghề cao trầm trọng.
Thực tế, đội ngũ cán bộ y tế ở tuyến cơ sở hiện nay là những người đã ổn định cuộc sống và thích nghi với môi trường làm việc tại địa phương. Việc đào tạo liên thông, tạo điều kiện học tiếp lên BS, về phục vụ lại tại địa phương là khả thi nhất, trước diễn cảnh các BS đổ về các trung tâm TP lớn.
Đa dạng hóa loại hình đào tạo
Hiện ĐBSCL có 6,8 BS/vạn dân và 1 dược sĩ/vạn dân, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước là 8,6 BS/vạn dân, 1,9 DS/vạn dân.
Từ thực trạng trên, kể từ năm 2015-2016, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã làm việc với Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế để được giao 150 chỉ tiêu phân bổ đều theo nhu cầu cho các tỉnh, ngoài ra còn có chương trình đào tạo liên thông từ nguồn là các y sĩ đang công tác ở các BV cơ sở.
Từ 2 chương trình này, những năm qua, đã bổ sung nguồn nhân lực y tế khá phong phú cho nhiều tỉnh, thành trong vùng. Đại diện lãnh đạo ngành y tế trong vùng đã đánh giá cao sự đóng góp của việc đào tạo BS theo địa chỉ, đồng thời kiến nghị tiếp tục duy trì đào tạo liên thông để bổ sung nguồn nhân lực y tế trong vùng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng và đào tạo liên thông góp phần giảm áp lực thiếu hụt nguồn nhân lực y tế và hạn chế tình trạng BS học xong lại đi làm ở nơi khác.
Cùng quan điểm đó, lãnh đạo ngành y tế của nhiều địa phương đều cho rằng, sẽ rất khó đạt được tỷ lệ BS, DS/vạn dân theo chỉ tiêu tại Quyết định 122 của Thủ tướng Chính phủ nếu như không có chương trình đào tạo liên thông.
Trong năm 2017, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tiếp tục làm việc với Bộ GD-ĐT và được đồng ý cho bổ sung thêm 390 chỉ tiêu (giao Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đào tạo).
Theo ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, số chỉ tiêu đó được ưu tiên phân bổ cho các huyện nghèo, biên giới, hải đảo; đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo theo hình thức liên thông chính quy, vừa học vừa làm và cho nhóm “chuyên ngành hiếm”.
Tuy nhiên, trước áp lực thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, các địa phương khu vực ĐBSCL đều có mong muốn được tăng chỉ tiêu đào tạo, đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tiếp tục đề xuất duy trì hình thức đào tạo liên thông và đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo liên thông. Và qua ý kiến của các địa phương, chúng tôi thống nhất tăng thêm chỉ tiêu đào tạo BS cho tuyến cơ sở”, nhiều địa phương đã tạm thở phào khi GS-TS Phạm Văn Lình, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cho biết.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Câu chuyện thiếu nhân lực y tế sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm ở ĐBSCL nếu các địa phương không tìm ra một giải pháp đột phá!
Lê Đình