Cho đến nay, đã phát hiện thấy ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở năm trong sáu nước GMS, bao gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Cách tốt nhất để giải quyết mối đe dọa do kháng thuốc gây ra là các nước Tiểu vùng Mekong cùng nhau loại trừ sốt rét.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 8/12, đại diện các nước đến từ Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã kêu gọi hành động khẩn cấp để loại trừ sốt rét ở Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng (GMS) vào năm 2030.
[Hai trẻ nhỏ ở Đắk Nông nguy kịch nghi do bị sốt rét rất nặng]
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh các ký sinh trùng sốt rét kháng lại các thuốc chống sốt rét, kể cả artemisinin – là hợp chất chính của các thuốc sốt rét tốt nhất hiện có.
Cho đến nay, đã phát hiện thấy ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở năm trong sáu nước GMS, bao gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Cách tốt nhất để giải quyết mối đe dọa do kháng thuốc gây ra là các nước Tiểu vùng Mekong cùng nhau loại trừ sốt rét.
Tại một hội nghị cấp cao do Bộ Y tế Myanmar phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Các nhà Lãnh đạo Chống Sốt rét Châu Á Thái Bình Dương (APLMA) nhóm họp, đại diện của sáu nước đã nhấn mạnh rằng loại trừ sốt rét trong Tiểu vùng Mekong đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp và phối hợp, với sự hỗ trợ của các đơn vị thực hiện, các nhà tài trợ và nhiều đối tác khác.
Các nước đề nghị WHO hỗ trợ để đạt được mục tiêu loại trừ sốt rét của mình.
Tiến sỹ Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc WHO Khu vực Đông Nam Á cho hay: "Sốt rét là căn bệnh mà chúng ta có thể và phải loại trừ khỏi Tiểu vùng Mekong. Việc vận động để đạt mục tiêu này vào năm 2030 cho thấy lời cam kết chung của các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực y tế ở Tiểu vùng Mekong sẽ đảm bảo sức khỏe và phúc lợi cho các nhóm dân yếu thế và chắc chắn không ai bị bỏ lại."
Tiến sỹ Shin Young-soo, Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương, chỉ rõ, muỗi Anopheles không cần hộ chiếu hay thị thực để bay qua biên giới. Các nước phải làm việc cùng với nhau chặt chẽ hơn như trong cùng một khu vực, với cùng một chiến lược nhắm đến việc loại trừ sốt rét.
WHO sẽ giúp các chính phủ đạt mục tiêu loại trừ sốt rét bằng cách hỗ trợ các nước điều chỉnh, thông qua và thực hiện các quy chuẩn của WHO áp dụng cho toàn cầu nhằm phòng chống và loại trừ sốt rét.
Bên cạnh đó, WHO trợ giúp các nước trong việc thực hiện kế hoạch chiến lược sốt rét quốc gia; giúp các nước phát triển mạnh mẽ hệ thống giám sát sốt rét…
Các nỗ lực phòng chống sốt rét gần đây ở Tiểu vùng Mekong đã đạt được kết quả ấn tượng.
Theo ước tính mới nhất của WHO, các ca sốt rét ở sáu nước trong Tiểu vùng Mekong đã giảm khoảng 74% trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2016. Các ca tử vong do sốt rét đã giảm xuống 91% so với cùng kỳ.
Tiến bộ này có thể đạt được là nhờ cách tiếp cận tốt hơn với các công cụ phòng chống sốt rét hiệu quả, đặc biệt là các liệu pháp kết hợp điều trị sốt rét dựa vào artemisinin, xét nghiệm chẩn đoán nhanh, và màn tẩm hóa chất chống côn trùng.
Sốt rét là căn bệnh đe dọa đến tính mạng gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium lây truyền cho con người khi bị muỗi cái Anopheles mang mầm bệnh đốt phải.
Các công cụ phòng chống sốt rét do WHO khuyến cáo bao gồm: màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu, phun thuốc diệt muỗi trong nhà, điều trị dự phòng cho trẻ em và phụ nữ mang thai, xét nghiệm chẩn đoán nhanh, và điều trị các ca mắc sốt rét bằng thuốc chống sốt rét có hiệu lực./.
Theo VN+