Chủ Nhật, 29/9/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 26/11/2010 21:23'(GMT+7)

WHO: Khói thuốc lá giết chết 600.000 người/ năm

Trẻ em ở những nước nghèo vẫn là nạn nhân chính

Nghiên cứu này chỉ ra cứ một trong một trăm trường hợp tử vong trên thế giới là do hút thuốc thụ động. Trong nghiên cứu để đánh giá tác động toàn cầu của khói thuốc, các chuyên gia WHO đã nhận thấy trẻ em là đối tượng bị tiếp xúc với khói thuốc nhiều hơn bất cứ nhóm tuổi khác, và một năm, khoảng 165.000 trẻ em trong số các em bị tiếp xúc với khói thuốc chết vì loại khói độc hại này.

“Hai phần ba của các ca tử vong này xảy ra ở châu Phi và Nam Á,” các nhà nghiên cứu, đứng đầu là bà Annette Pruss-Ustun tại cơ quan WHO ở Geneva, đã viết trong nghiên cứu.

Việc nhiễm khói thuốc ở trẻ em hầu như xảy ra ở nhà, và các tác động kép của bệnh truyền nhiễm và thuốc lá “có vẻ là một sự kết hợp chết người đối với trẻ em ở những khu vực này,” các nhà nghiên cứu nói.

Trong khi số ca tử vong do hút thuốc thụ động ở trẻ em nghiêng về phía các nước nghèo và các nước thu nhập trung bình, thì số ca tử vong ở người lớn đang lây lan giữa các quốc gia ở tất cả các mức thu nhập.

Ở các quốc gia châu Âu có thu nhập cao, chỉ có 71 ca trẻ em tử vong, thì có đến 35.388 ca tử vong ở người lớn. Tuy nhiên, tại một số quốc gia ở châu Phi, ước tính có khoảng 43.375 ca tử vong do hút thuốc thụ động ở trẻ em so với 9.514 ca ở người lớn.

Các nhà nghiên cứu của WHO đã xem xét các dữ liệu từ 192 quốc gia cho nghiên cứu này. Để có được dữ liệu toàn diện từ 192 nước, họ đã phải quay lại từ năm 2004 và sử dụng mô hình toán học để ước tính số người chết và số năm mất đi sức khỏe.

Trong năm 2004, các nhà nghiên cứu đã tổng kết trên toàn thế giới có 40% trẻ em, 33% nam giới không hút thuốc và 35% phụ nữ không hút thuốc bị nhiễm khói thuốc.

Tình trạng phơi nhiễm này ước tính đã gây ra 379.000 ca tử vong do bệnh tim, 165.000 ca tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp, 36.900 ca tử vong do bệnh hen suyễn và 21.400 ca tử vong do ung thư phổi.

Từ đó, các nhà nghiên cứu nêu rõ những tác hại toàn diện của việc hút thuốc, những con số tử vong này cần được thêm vào tổng số ước tính 5,1 triệu người chết mỗi năm do sử dụng thuốc lá.

Cần thực thi nghiêm khắc các luật cấm thuốc lá

Bình luận về những phát hiện trên tạp chí Lancet, hai nhà khoa học Heather Wipfli và Jonathan Samet từ Đại học Nam California cho biết các nhà hoạch định chính sách phải cố gắng thuyết phục các gia đình ngừng việc hút thuốc trong nhà.

Hai ông cho rằng “Ở một số nước, những ngôi nhà không khói thuốc đang trở thành một chỉ tiêu nhưng chúng vẫn chưa phổ biến”.

Bà Pruss-Ustun cũng kêu gọi các quốc gia thực thi Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá, trong đó bao gồm các loại thuế thuốc lá cao hơn, cấm đóng gói bao bì và quảng cáo, bên cạnh các biện pháp khác.

Bà nói: “Các nhà hoạch định chính sách nên nhớ rằng,thực thi đầy đủ các luật cấm khói thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể số người chết do nhiễm khói thuốc đồng thời giảm chi phí khám chữa bệnh tật trong xã hội và hệ thống chăm sóc sức khỏe”.

Chỉ có 7,4% dân số thế giới hiện đang sống trong các khu vực pháp lý cấm khói thuốc toàn diện, nhưng những luật này vẫn không được thực thi mạnh mẽ.

Ở những nơi các quy định không khói thuốc được tôn trọng, nghiên cứu chỉ ra việc nhiễm khói thuốc ở những nơi có nguy cơ cao như quán bar và nhà hàng có thể giảm tới 90%, và trung bình giảm 60%.

Nghiên cứu cũng cho thấy các luật này giúp giảm số lượng thuốc lá được sử dụng và dẫn đến tỉ lệ cố gắng bỏ thuốc lá thành công cao hơn.

(Theo: Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất