Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 8/3/2011 8:58'(GMT+7)

Xã Minh Khai - Huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) làm tốt công tác khuyến học và xã hội hoá giáo dục.

Từ khi tiếp thu nghị quyết đại hội Đảng lần thứ VIII: “các vấn đề xã hội đều giải quyết theo chính sách xã hội hoá”, đặc biệt là sau khi có nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 cuả Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, xã hội và TDTT; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế , Đảng bộ và Uỷ ban nhân dân xã  Minh Khai đã có cuộc họp các trưởng ban ngành đoàn thể, lãnh đạo các nhà trường để thống nhất về nhận thức và đề ra những giải pháp để phát triển mạnh giáo dục.

Đầu tiên là việc xây dựng cơ sở vật chất trường học: Lúc này, Ủy ban vẫn còn phải nhiều năm làm việc tạm trong khu đình làng (mãi đến năm 2008 mới xây dựng trụ sở Ủy ban mới) nhưng đã chú trọng xây dựng cơ sở vật chất các trường học rất khang trang. Cả 3 ngôi trường trong xã đều được xây dựng kiên cố. Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia năm 1996 - là một trong những trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đầu tiên cuả tỉnh Hà Tây ; Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia bậc học mầm non đầu tiên cuả tỉnh Hà Tây năm 2001; Trường THCS đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận chuẩn quốc gia năm 2012. Có cơ sở vật chất khang trang, học sinh được học trong môi trường tốt đã thu hút học trò đến lớp đều hơn.

Vấn đề học sinh bỏ học giữa chừng khi đang học THCS, Đảng ủy quán triệt nhiệm vụ đến từng chi bộ. Nếu chi bộ nào để học sinh chưa hết THCS đã bỏ học thì đồng chí bí thư chi bộ phải chịu trách nhiệm. Các chi bộ đều giao nhiệm vụ đến từng Đảng viên - mỗi Đảng viên phụ trách 5-10 gia đình cụ thể. Nếu thấy cháu nào có hiện tượng bỏ học, lập tức chi bộ cùng hội phụ huynh học sinh và các ban ngành của thôn và dòng họ ấy đi vận động các em đến lớp. Nếu vì hoàn cảnh khó khăn, thôn sẽ giúp đỡ và đề nghị nhà trường miễn giảm các khoản đóng góp cho những em thuộc diện gia đình khó khăn. Vì vậy, nhiều năm nay, Minh Khai không có học sinh nào bỏ học giữa chừng, tỷ lệ trẻ em đến lớp đúng độ tuổi (từ mầm non đến hết THCS đều đạt 100%).

Xã còn có biện pháp thu hút giáo viên giỏi ở nơi khác về giảng dạy: Vì nằm ở phía đầu huyện nên giáo viên các xã khác về công tác thường phải đi lại rất xa xôi. Địa phương đã xây dựng khu tập thể giáo viên gồm 10 phòng khép kín khang trang, đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của những thầy cô giáo ở xa. Nếu giáo viên công tác từ 5 năm trở lên, có nhu cầu gắn bó với địa phương đều được tạo điều kiện có đất làm nhà. (Cô giáo Nguyễn Thị Hoài có chồng ở Nghệ An, về công tác ở trường tiểu học đã 10 năm, nay được cấp đất từ quỹ đất giãn dân, làm nhà ngay trên xã Minh Khai)

Xã có một quỹ đất 2 dự phòng. Gia đình nào có con đỗ đại học, cao đẳng đều được cho mượn 2 sào ruộng và cấp 500.000đ làm vốn ban đầu. Gia đình được sử dụng 2 sào ruộng ấy trong 5 năm không phải nộp sản phẩm, mà để nuôi sinh viên đó ăn học, đến khi ra trường lại trả ruộng về cho Hợp tác xã.

Ban văn hoá xã hội cũng đã xây dựng được quỹ khuyến học. Hàng năm, các học sinh thi đỗ Đại học, Cao đẳng, những học sinh đạt học sinh giỏi các cấp, các thầy cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp đều được khen thưởng xứng đáng. Số tiền ấy trích từ mục khen thưởng - nguồn từ quỹ khuyến học trên.

Ngoài ra, Đảng uỷ và Ủy ban nhân dân xã còn có chính sách khuyến khích những học sinh tốt nghiệp đại học cao đẳng, nếu muốn về quê hương nhận công tác, sẽ bố trí cho làm tại Uỷ ban. Chẳng thế mà nhiều năm gần đây, đội ngũ cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp, Ủy ban nhân dân xã đều rất trẻ và có trình đô học vấn cao, đào tạo chính quy. Các em không phải mất công sức thời gian tìm việc, mà vẫn được đem kiến thức đã học về phục vụ xây dựng chính quê hương cuả mình.

Mô hình dòng họ khuyến học đã hình thành và nhanh chóng được nhân rộng ra toàn xã. Mỗi dòng họ đều lập quỹ khuyến học, khen thưởng cho các học sinh có thành tích cao trong học tập, đỗ đaị học, cao đẳng và học sinh vượt khó trong dòng họ. Điển hình như họ Nguyễn Chí (Cụ tổ là Nguyễn Ích Tốn - Tiến sĩ khoa thi Giáp thân. Hiện có văn bia tại Văn Miếu - Hà nội); dòng họ Phí (cụ tổ là tiến sĩ Phí Đăng Nhậm); Rồi dòng họ Hoàng Kim, họ Đỗ Xuân…

Khi nhân dân thấy được vai trò cuả việc đầu tư cho con cháu học hành thì cũng tự nguyện đóng góp cơ sở vật chất cho các nhà trường, tạo cảnh quan sư phạm, khuôn viên đẹp hơn. Điển hình là một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã - mà chủ các doanh nghiệp này đều là con em, nhân dân Minh Khai: như ông Đỗ Đức Mến (chủ doanh nghiệp bánh kẹo Kinh Bắc) đã ủng hộ trường THCS 20 bộ bàn ghế Xuân Hoà học sinh loại 2 chỗ ngồi trị giá 14 triệu đồng; Ông Đỗ Xuân Vân (giám đốc doanh nghiệp điện Minh Khai) ủng hộ cột cờ và pa nô trang trí trị giá 6 triệu đồng; Ông Nguyễn Hữu Sơn (chủ tịch hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân Minh Khai) ủng hộ công trình trang trí toàn bộ các phòng học trường THCS trị giá 8 triệu đồng. Ông Nguyễn Danh Hồng (chủ tịch hội đồng quản trị – Doanh nghiệp Minh Dương) ủng hộ công trình tượng đài Chu Văn An tại trường THCS trị giá 50 triệu đồng…Ngoài ra rất nhiều các nhà hảo tâm ủng hộ cây cảnh, ghế đá, trong đó có cả các thầy cô giáo đã nghỉ hưu và sư thầy Thích Đàm Linh trụ trì chùa Mậu Hoà.

Nhờ làm tốt công tác khuyến học và xã hội hoá giáo dục nên chỉ mới có hơn 10 năm, Minh Khai đã là 1 trong những xã đầu tiên của huyện Hoài Đức hoàn thành phổ cập Tiểu học và THCS, đang tiến tới phổ cập giáo dục THPT. Số học sinh thi đỗ vào THPT ngày càng nhiều (xếp thứ 5 cuả huyện Hoài Đức). Học sinh đỗ đại học, cao đẳng cũng tăng lên. Trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp đều có nhiêù em được chọn vào đội tuyển cấp huyện dự thi cấp tỉnh, thành phố, đạt giải cao (như em Luyến - giải nhất tỉnh Hà Tây môn địa lý lớp 9, em Dương - giải nhất tỉnh Hà Tây môn viết chữ đẹp lớp 5…). Đội ngũ thầy cô giáo đạt giải trong các kỳ thi giáo viên giỏi các cấp cũng đã bắt đầu xuất hiện ở Minh Khai. Năm 2005 đã có giáo viên đầu tiên đạt giải nhì cấp tỉnh Hà Tây môn GDCD, năm 2006 có 1 giáo viên đạt giải nhì cấp huyện môn Lịch sử, Năm 2010 có 1 giáo viên lọt vào chung kết môn HĐNGLL chuyên đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - cấp sở.

Đặc biệt sau khi sáp nhập về Hà nội, Đảng uỷ đã chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 06/2009/NQ- HĐND ngày 17/7/2009 về việc đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và y tế cuả thành phố Hà Nội (giai đoạn 2009 - 2015) cuả HĐND thành phố Hà Nội khoá VIII - kỳ họp thứ 8.

Mặt bằng dân trí được nâng lên, người dân hiểu biết hơn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống vật chất ngày một khấm khá, đời sống tinh thần cũng chuyển biến. Mọi người có học nên sống có văn hoá, cư xử với nhau đẹp hơn, tình làng nghĩa xóm được bền chặt khăng khít. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy việc xây dựng đời sống nông thôn mới.

(Nguyễn Thị Diệp - Phó hiệu trưởng THCS cát Quế B - Hoài Đức - Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất