Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Hơn 650 đại biểu dự Hội nghị, gồm: đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, đoàn thể; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí; các đồng chí đại diện thường trực cấp ủy, trưởng ban tuyên giáo, giám đốc sở thông tin và truyền thông, chủ tịch Hội nhà báo, tổng biên tập báo đảng, giám đốc đài phát thanh – truyền hình các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương,…
Hội nghị nhằm đánh giá công tác báo chí năm 2017; phân tích ưu điểm, thành tích; hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan; dự báo tình hình; trên cơ sở đó, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp công tác báo chí năm 2018.
- Về báo chí in: cả nước có 849 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 185 báo (Trung ương: 86, địa phương: 99), 664 tạp chí (Trung ương: 530, địa phương: 134).
- Về báo chí điện tử: hiện cả nước có có 195 cơ quan báo chí điện tử đã được cấp phép, trong đó có 171 cơ quan báo, đài, tạp chí thực hiện loại hình báo chí điện tử.
- Hiện có 178 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình để khai thác thế mạnh của loại hình thông tin hiện đại này, đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới, nhất là khi thông tin trên mạng xã hội ngày càng có ảnh hưởng đến xã hội.
Trong xu thế hội tụ công nghệ như hiện nay, xu hướng một cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình báo chí là nhu cầu khách quan. Năm qua, nhiều cơ quan báo chí có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong phương thức vận hành hoạt động tòa soạn.
- Về phát thanh, truyền hình: Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình, với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 281 kênh. Năm 2017, cả nước có 33 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với khoảng hơn 13 triệu thuê bao (tăng gần 1 triệu thuê bao so với năm 2016) và tổng doanh thu năm 2017 ước đạt khoảng gần 8.000 tỷ đồng.
Dự kiến trong thời gian tới, số lượng các thuê bao truyền hình trả tiền sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng có xu hướng chuyển dịch từ truyền hình trả tiền truyền thống (cáp, kỹ thuật số mặt đất, vệ tinh) sang loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet.
|
|
Những vấn đề đặt ra trong báo chí hiện nay
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2017 - nhiệm vụ, giải pháp năm 2018. Với tinh thần dân chủ và nghiêm túc, Hội nghị dành thời gian nghe đại diện các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản và các cơ quan báo chí tham luận, thảo luận, trao đổi về các vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí cũng như đời sống báo chí - truyền thông.
Trong đó, các đại biểu đã đề cập đến những vấn đề đặt ra trong báo chí hiện nay, trong đó, nổi bật lên là sự phát triển của truyền thông xã hội, kinh tế báo chí.
Trong sự phát triển của truyền thông xã hội, có thể khẳng định, sự ra đời và phổ cập mạng internet đến nay đã và đang tạo thành cuộc cách mạng thông tin thực sự. Trong các loại hình truyền thông trên internet, mạng xã hội đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, hiệu quả, được nhiều người sử dụng internet ưa dùng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại. Vì vậy, ở một khía cạnh nhất định, mạng xã hội đã có một số ảnh hưởng tích cực sau:
Thông tin trên mạng xã hội nhanh, phong phú, đa dạng, đa chiều. Hiện nay, bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cũng có thể tạo ra ảnh hưởng một “cơ quan truyền thông”, tự cung cấp thông tin bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh và được chia sẻ rộng rãi. Từ đó, hình thành nên một lực lượng "người đưa tin" hùng hậu trên mạng xã hội.
Mạng xã hội là nguồn cung cấp thông tin cho báo chí. Mạng xã hội có ưu điểm là thông tin được cập nhật vô cùng nhanh chóng, đa dạng, phong phú. Nhiều vấn đề, sự kiện được xuất hiện lần đầu tiên từ mạng xã hội, sau đó mới xuất hiện trên báo chí. Thông qua mạng xã hội, cơ quan báo chí có cách tiếp cận thông tin linh hoạt hơn, nắm bắt phản hồi từ độc giả và có sự điều chỉnh phù hợp. Cơ quan quản lý nhà nước sau đó cũng vào cuộc, đưa ra hướng xử lý kịp thời.
Mạng xã hội cũng là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí. Tận dụng ưu thế, tính năng "chia sẻ", "bình luận" và "lan truyền" của truyền thông xã hội, nhiều cơ quan báo chí hiện lập các fanpage trên mạng xã hội để chuyển tải các bài viết trên báo chí theo cách tiếp cận mới, phù hợp với nhu cầu của độc giả trẻ tuổi, vừa tiếp nhận phản hồi của độc giả về nội dung bài viết một cách nhanh chóng, từ đó nắm bắt sự quan tâm của độc giả đối với nội dung phản ánh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực, nổi bật là: Nguy cơ chi phối, lấn át về thông tin. Nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo. Nguy cơ phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập. Khi những mạng xã hội lớn như Facebook dùng tính năng hạn chế chia sẻ đường link báo chí trên nền tảng của họ thì báo chí có nguy cơ bị sụt giảm lượng người đọc và giảm khả năng tương tác.
Về kinh tế báo chí, có thể thấy, nguồn thu quảng cáo giảm, nguồn thu quảng cáo trực tuyến dịch chuyển mạnh về các nền tảng xuyên biên giới. Hiện nay, thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam chịu sự chi phối ngày càng mạnh của Google và Facebook. Google và Facebok chiếm đến khoảng 66% thị phần quảng cáo trực tuyến trong nước, Các Mạng lưới quảng cáo trực tuyến (Ad Network) chiếm 27% thị phần, trong khi các trang web trong nước (gồm cả báo điện tử, các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội) chỉ chiếm 7% thị phần. Điều này dẫn đến nguy cơ các cơ quan chí, đặc biệt là báo hình và báo điện tử không thu hút được quảng cáo, không tự chủ được chi phí hoạt động, dẫn đến những "biến tướng” về tôn chỉ, mục đích, ảnh hưởng tới chất lượng nội dung.
Chi tiêu cho hoạt động quảng cáo của nhiều ngành hàng giảm trên báo chí truyền thống do cắt giảm chi phí và do khách hàng chuyển dịch sự quan tâm sang các phương thức tiếp thị, quảng cáo khác.
Hoạt động định giá quảng cáo phụ thuộc chủ yếu vào công cụ và kết quả đo lường của các doanh nghiệp nước ngoài, khiến các cơ quan báo chí trong nước hoàn toàn mất chủ động trong việc kiểm soát giá quảng cáo, dẫn đến thất thoát nguồn thu.
Các chi phí hoạt động báo chí tăng cao. Chi phí để “sản xuất” ra tác phẩm báo chí đang bị “đội” lên rất lớn do chi phí bản quyền tăng; do đầu tư máy móc, thiết bị mới, hiện đại để đáp ứng yêu cầu về đổi mới công nghệ..., và các loại chi phí khác theo các quy định của pháp luật có liên quan như: thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất, trụ sở... Đã có tình trạng cơ quan báo hình ở địa phương bị yêu cầu truy nộp tiền thuê đất nơi đóng trụ sở - với số tiền lên tới cả chục tỷ đồng, do bị áp dụng quy định như các đơn vị sự nghiệp khác mà không tính đến tính đặc thù của cơ quan báo chí. Vì vậy, có thể nhìn thấy trước, nhiều cơ quan báo chí khó đạt mục tiêu đến năm 2020 tự chủ về chi thường xuyên theo tinh thần Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025.
Vai trò của nhà nước trong điều tiết kinh tế báo chí còn yếu. Trong những năm qua, đã có sự tham gia của Nhà nước trong hoạt động đặt hàng cơ quan báo chí cung ứng các dịch vụ công ích - đặt hàng sản phẩm, tác phẩm báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Tuy nhiên, chưa có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm một cách tổng thể, toàn diện để đưa ra những bài học, giải pháp, cách làm một cách bài bản (chủ yếu vẫn là cơ chế cấp phát, xin – cho). Do đó, chưa xác định rõ được vai trò của nhà nước trong điều tiết vấn đề kinh tế báo chí.
12 nhiệm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện trong năm 2018
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thống nhất, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm như đã nêu ở trên, rút ra bài học kinh nghiệm, nỗ lực hơn nữa, phát huy kết quả năm 2017, để hoàn thành tốt 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra dưới đây trong năm 2018:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về chính trị, tư tưởng, tạo ý chí thống nhất, đồng thuận trong xã hội để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ. Bám sát các vấn đề, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước để thông tin, tuyên truyền.
Phát huy vai trò đi đầu của báo chí trong đấu tranh phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống các xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; lan tỏa giá trị tốt đẹp, khuyến khích lối sống văn hóa, đạo đức; phê phán lối sống thực dụng; biểu dương gương người tốt, việc tốt. Tuyên truyền có hiệu quả các vấn đề về chủ quyền biển, đảo, về quan hệ quốc tế, bảo đảm độc lập chủ quyền Tổ quốc, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới.
Khắc phục khuynh hướng xa rời tôn chỉ mục đích, đăng tải quá nhiều thông tin có nội dung tiêu cực, về mặt trái của xã hội, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, giật gân, câu khách; tăng cường việc kiểm soát các bình luận (comment).
Các cơ quan báo chí phải nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền; đề cao tính tư tưởng, tính hấp dẫn và mở rộng đối tượng độc giả, khán thính giả. Xây dựng tòa soạn báo chí với phương pháp quản trị hiện đại. Xây dựng đội ngũ nhà báo giỏi nghề, có bản lĩnh chính trị, đạo đức vững vàng, biết chọn đề tài, khai thác, xây dựng nguồn tin và cách thể hiện phù hợp với đời sống hiện tại. Xây dựng quy chế phát ngôn, đăng tải ý kiến và qui định rõ trách nhiệm của những người công tác trong cơ quan báo chí khi tham gia mạng xã hội.
Các cơ quan báo chí tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả và đúng các quy định của Luật Báo chí 2016, 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Đề xuất, kiến nghị kịp thời các biện pháp, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy hoạch theo lộ trình, tránh hiệu ứng tiêu cực đối với đời sống báo chí.
Nâng cao chất lượng của công tác chỉ đạo, định hướng báo chí: Trên cơ sở dự báo đúng, chủ động, kịp thời, đảm bảo nguyên tắc tăng tính chính luận, phát huy tính chủ động, trách nhiệm của cơ quan báo chí.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí và thông tin điện tử, nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trên một số lĩnh vực trong hoạt động báo chí và thông tin điện tử: quản lý văn phòng đại diện, phóng viên, cộng tác viên; các điều kiện cấp phép thành lập cơ quan báo chí; khắc phục tình trạng đăng bài thiếu trách nhiệm, hời hợt; khắc phục bằng được sự lẫn lộn giữa tạp chí điện tử và báo điện tử, giữa trang thông tin điện tử và báo điện tử; rà soát, xử lý nghiêm việc lợi dụng tên miền gây nhầm lẫn của báo chí điện tử và trang thông tin điện tử; giảm số lượng ấn phẩm phụ của các cơ quan báo chí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý, Hội nhà báo và cơ quan chủ quản, cụ thể:
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cần nắm bắt kịp thời các vấn đề, có sự trao đổi, cung cấp thông tin thường xuyên để kịp thời định hướng, chỉ đạo thông tin, tuyên truyền, nhất là những vấn đề, sự kiện quan trọng, nhạy cảm, có diễn biến phức tạp, tránh để xảy ra khủng hoảng truyền thông; rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí.
Tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức quản lý báo chí, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, ý thức trách nhiệm xã hội và đạo đức người làm báo, nhằm trang bị cho đội ngũ nhà báo kỹ năng cách thức xử lý thông tin, tác nghiệp báo chí hiện đại để “sinh tồn” trong thời đại truyền thông xã hội đang bùng nổ như hiện nay.
Nâng cao trình độ của đội ngũ làm công tác tham mưu chỉ đạo, quản lý báo chí.
Tạo cơ chế để thúc đẩy kinh tế báo chí: Cần có sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản báo chí và các bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án về tăng cường vai trò của Nhà nước đối với việc điều tiết kinh tế báo chí. Tăng cường sự tham gia của Nhà nước như một “khách hàng” của báo chí, hoàn thiện củng cố cơ chế đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công đối với một số cơ quan báo chí trọng điểm; kiểm soát hợp lý các mô hình kinh tế truyền thông xuyên biên giới; khuyến khích các mô hình hợp tác, chia sẻ nội dung và khai thác doanh thu giữa cơ quan báo chí với các nền tảng truyền thông - viễn thông trong nước; kiểm soát chặt chẽ việc mua bán quảng cáo trên các hạ tầng xuyên biên giới bằng các công cụ, chế tài của pháp luật về quản lý nội dung, quản lý thuế, quản lý thanh toán; nghiên cứu, đề xuất các phương thức ưu đãi thuế và các hình thức ưu đãi khác theo quy định của pháp luật cho các cơ quan báo chí.
Chủ động phối hợp, cung cấp thông tin tích cực trên mạng xã hội và trên môi trường internet, nhằm tạo ra sự cộng hưởng tốt với thông tin trên báo chí.
Cơ quan chủ quản cơ quan báo chí tiếp tục rà soát, nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí thuộc quyền, khẩn trương thực hiện sắp xếp, quy hoạch lại các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Người làm báo Việt Nam phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp do hội Nhà báo Việt Nam ban hành./.
Thu Hằng