Bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học đang chuẩn bị được bổ sung thêm nguyên tố thứ 117 khi một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã chế tạo thành công một số nguyên tử của nguyên tố này, hiện được gọi là Ununseptium cho tới khi nó được đặt tên chính thức.
Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ion nặng GSI Helmholtz, một phòng thí nghiệm gia tốc ở Darmstadt, Đức, khẳng định họ đã tạo ra và quan sát một số nguyên tử Ununseptium. Họ đã công bố kết quả nghiên cứu của mình trên tờ tạp chí Physical Review Letters.
Nguyên tố số 117 được tạo ra lần đầu tiên trong một nghiên cứu với sự hợp tác của các nhà khoa học Nga và Mỹ vào năm 2010. Tuy nhiên, để có thể chính thức được đưa vào Bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học, khám phá này cần phải được xác nhận một cách độc lập.
Ununseptium được gọi là nguyên tố 117 bởi nó có một nguyên tử với 117 proton xoay quanh chung quanh hạt nhân. Nguyên tố này từng là một mục còn thiếu trong Bảng Tuần hoàn các nguyên tố Hóa học. Toàn bộ các nguyên tố có số proton lớn hơn 104, hay còn được gọi là các nguyên tố siêu nặng, không phải là các nguyên tố tự nhiên trên Trái Đất mà chỉ có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Cũng giống như nhiều nguyên tố siêu nặng khác ở gần cuối bảng tuần hoàn, nguyên tố Ununseptium cực kỳ thiếu ổn định và chỉ tồn tại trong một vài phần nhỏ của giây trước khi phân rã thành các nguyên tố khác. Trong thực tế, các nhà khoa học không thực sự quan sát bất kỳ nguyên tử nào của nguyên tố 117, sự tồn tại của nó chỉ có thể được xác nhận bởi các chất nó phân rã ra.
Để tạo ra nguyên tố 117, các nhà khoa học đã bắt đầu với các nguyên tử Berkelium (có 97 proton) và bắn phá chúng bằng các ion Canxi với tốc độ cao. Kết quả là họ đã tạo ra được các nguyên tử Ununseptium từ các ion Canxi và Berkelium. Các nguyên tử này sau đó nhanh chóng phân rã thành các nguyên tố 115 và 113, như đã từng được nhóm các nhà khoa học Nga - Mỹ quan sát.
Bước tiếp theo để nguyên tố 117 được bổ sung chính thức vào bảng tuần hoàn là Liên minh quốc tế hóa học thuần túy và ứng dụng (IUPAC) sẽ xem xét những dữ liệu mới để xác định xem có đủ chứng cớ để nói rằng nguyên tố 117 đã được khám phá hay không. IUPAC sau đó sẽ xác định xem cơ quan nào sẽ được quyền đặt tên cho nguyên tố mới.
Theo Nhân Dân