Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Năm, 25/5/2017 20:37'(GMT+7)

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng bắt đầu từ mỗi cán bộ, đảng viên

Đảng ta, từ khi ra đời đến nay, được rèn luyện trong các cuộc đấu tranh cách mạng, luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tính kiên định cách mạng, tinh thần độc lập sáng tạo, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế.

Đó là truyền thống quý báu thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng ta, giúp cho Đảng có khả năng lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn to lớn, đưa cách mạng liên tục tiến lên giành thắng lợi.

Tuy nhiên, trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới, Đảng cũng bộc lộ những khuyết điểm, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên do không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, mang nặng chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội thực dụng; buông lỏng các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, quan liêu, xa dân, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn...

Trong những khuyết điểm nêu trên, có những khuyết điểm đang trở thành nguy cơ cần phải nhận diện, nghiêm túc tự phê bình, tự đổi mới để Đảng mãi mãi xứng đáng với lòng tin của nhân dân, cũng như với vai trò lãnh đạo của Đảng.

Xin được đề cập đến một số khuyết điểm, nếu không nhanh chóng khắc phục sẽ trở thành nguy cơ đối với một đảng cầm quyền như Đảng ta hiện nay.

Một là, một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động mất lòng tin; một số sa vào chủ nghĩa cá nhân, trở nên thoái hóa, biến chất

Phai nhạt mục tiêu lý tưởng của Đảng dẫn đến việc vi phạm các nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, tất yếu sẽ dẫn đến xa rời bản chất giai cấp công nhân, mơ hồ về quan điểm giai cấp và đấu tranh giai cấp, mất cảnh giác dẫn đến (vô tình hay hữu ý) tiếp tay cho các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Những biểu hiện này, bắt đầu chỉ là “ngọn lửa nhỏ” nhưng nó sẽ bùng lên thành “đám cháy lớn” có nguy cơ hủy hoại Đảng từ bên trong, bắt đầu là uy tín chính trị của Đảng, tiếp đến là năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Điều nguy hiểm nhất là "bộ phận không nhỏ" những cá nhân này đã và sẽ “góp gió” cho nguy cơ tự “diễn biến” từ bên trong - nội bộ Đảng.

Trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta chủ trương đưa nền kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng hơn, đầy đủ hơn vào nền kinh tế thế giới; ngày càng hoàn thiện hơn các yếu tố của nền kinh tế thị trường, đòi hỏi chúng ta càng cần phải tăng cường bản chất giai cấp của Đảng. Mơ hồ, xa rời lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, cũng có nghĩa “bỏ rơi” lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, lợi ích của dân tộc. Phải luôn cảnh giác với biểu hiện trên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình hình trong nước và thế giới dù khó khăn phức tạp đến đâu, mỗi đảng viên của Đảng cũng phải vững vàng, không bao giờ được xa rời mục tiêu lý tưởng của mình, luôn trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân.

Hai là, một bộ phận cán bộ, đảng viên chấp hành kỷ luật của Đảng lỏng lẻo, nhiều trường  hợp vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở rằng: Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ kỷ luật... Kỷ luật của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải là kỷ luật sắt. Một thứ kỷ luật buộc tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực hiện, nhưng thực hiện một cách tự giác.

Trên thực tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên “có chức, có quyền” hiện nay, do “suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống...” bỏ qua mọi quy định được ghi trong Điều lệ Đảng, họ tự cho mình một cái “quyền”, thứ quyền lực vượt qua mọi quyền lực khác, họ không thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng..., không trung thực thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình, thiếu dân chủ và dân chủ hình thức. Trong các trường hợp này, nguyên nhân đều bắt nguồn từ  sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Trên thực tế, ở đâu và lúc nào không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ thì ở đó và lúc đó kỷ luật của Đảng sẽ rơi vào mệnh lệnh, độc đoán hoặc trở nên lỏng lẻo.

Để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, một vấn đề có tính nguyên tắc hiện nay là: Đảng ta phải loại bỏ bằng được những phần tử hủ bại ra khỏi Đảng. Trên cơ sở tự phê bình và phê bình mà làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh.

Đây là công việc cực kỳ khó khăn. Nhưng Đảng ta hoàn toàn có thể làm được. Bởi, trong lịch sử lãnh đạo, đấu tranh và trưởng thành của Đảng, Đảng đã không ngừng được tôi luyện về bản lĩnh chính trị và năng lực trí tuệ. Ở những thời điểm có tính bước ngoặt và trước những khó khăn thử thách nặng nề, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng càng được khẳng định. Điều đó làm cho uy tín chính trị của Đảng được đề cao và chính uy tín chính trị là điều kiện không thể thiếu để Đảng vững mạnh về tổ chức và kỷ luật.

Ba là, xa rời quần chúng, xa rời nhân dân dẫn đến mất lòng tin của dân với Đảng.

Thành công của Đảng ta, kể từ khi mới ra đời cho đến nay, là do Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, được nhân dân đồng lòng ủng hộ, chở che, nhân dân đặt trọn niềm tin vào Đảng, một lòng hy sinh, phấn đấu dưới lá cờ của Đảng. Cũng trong mấy chục năm qua, sự thành công của Đảng ta một mặt có học thuyết và tư tưởng đúng, mặt khác được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhờ đó mới đủ khả năng lãnh đạo thắng lợi cách mạng Việt Nam.

Lịch sử Việt Nam - dưới các triều đại quân chủ trước đây, đến bài học về sự thất thế của các Đảng Cộng sản các nước trên thế giới hiện nay đều có chung một nguyên nhân: mất lòng tin của nhân dân, hoặc không được nhân dân ủng hộ.

Các biểu hiện tùy tiện vô nguyên tắc, vô kỷ luật, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân... của một phận cán bộ, đảng viên hiện nay là sự vi phạm trắng trợn đạo đức cách mạng của đảng viên; là biểu hiện của sự suy thoái lòng trung thành đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nếu tình trạng xa rời quần chúng, xa rời nhân dân dẫn đến mất lòng dân trở thành “phổ biến” thì các thế lực thù địch sẽ tận dụng cơ hội ấy để mị dân, chiếm lòng dân. Đây chính là nguy cơ Đảng tự đánh mất vai trò lãnh đạo, làm mất tính chính đáng cầm quyền của mình. Do đó, xa rời quần chúng, xa rời nhân dân dẫn đến mất lòng dân sẽ là nguy cơ của mọi nguy cơ.

Có thể nhận diện sự mất lòng tin ấy là một bộ phận nhân dân thờ ơ, ít quan tâm đối với các vấn đề chính trị trọng đại của đất nước như Đại hội Đảng các cấp; tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, họ làm việc này một cách chiếu lệ, bởi dân cho rằng “ai làm thì cũng vậy!”. Tiếp đến, nhân dân thiếu lòng tin vào sự tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Tâm trạng chung của dân là rất bức xúc mỗi khi có việc liên quan đến chính quyền, nhất là chính quyền ở địa bàn cơ sở xã, phường, bởi sự mất dân chủ, sự sách nhiễu, nói một đằng, làm một nẻo của cơ quan công quyền.

Sự mất lòng tin lớn nhất của dân là cuộc đấu tranh chống tham nhũng ít hiệu quả, trong khi hiện tượng không ít cán bộ, đảng viên có chức, quyền lại giàu có nhanh chóng, ăn chơi trác táng, sa đọa gia tăng. Sự suy giảm lòng tin đối với Đảng đến một mức độ nhất định, nhân dân sẽ không thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sẽ không đi theo Đảng. Đây chính là nguy cơ Đảng tự đánh mất vai trò lãnh đạo, làm mất tính chính đáng cầm quyền của mình.

Một thực tế hiển nhiên là, khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, nếu chỉ hiểu Đảng là người lãnh đạo nhân dân mà thôi, thì nguy cơ xa rời quần chúng, dễ làm nẩy sinh tư tưởng kiêu ngạo, tự mãn trong một số đảng viên sẽ trở nên hiện hữu. Vì thế, gắn với mệnh đề thứ nhất, cần phải đi kèm với mệnh đề thứ hai Đảng phải là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tư tưởng đó nói lên rằng: mục đích trong hoạt động lãnh đạo của Đảng là nhằm phục vụ nhân dân, nhằm đem lại lợi ích cho nhân dân, để không bao giờ trở thành kiêu ngạo, xa rời nhân dân.

Muốn cho dân tin Đảng, Đảng phải tự tin vào chính mình, đồng chí trong Đảng phải tin yêu lẫn nhau. Vấn đề quan trọng là đảng viên phải tin vào lý tưởng của Đảng và phải thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống hàng ngày bằng tấm gương của chính bản thân họ. Xây dựng lòng tin của Đảng đối với quần chúng là điều không phải giản đơn nếu trong Đảng còn có những người xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.

Từ sự nhận diện và phân tích các nguy cơ trên để xây dựng đảng thực sự trong sạch, vững mạnh trong giai đoạn hiện nay, cần phải làm trong sạch đội ngũ đảng viên, đưa ngay những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất, vì mưu cầu danh lợi, địa vị cá nhân mà xâm phạm tài sản và tính mạng của nhân dân, ra khỏi Đảng dù họ là ai, ở cấp nào.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải bắt đầu từ mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng. Điều đó cũng có nghĩa là xây dựng Đảng liên quan đến xây dựng con người, từ tư tưởng, tình cảm, tâm lý, lợi ích của cán bộ, đảng viên. Đó là những vấn đề nhạy cảm, rất tế nhị, nên phải rất chú ý cách làm, bảo đảm vừa kiên quyết, tích cực, không né tránh, hữu khuynh; nhưng cũng không nôn nóng, thô bạo, vừa không gây căng thẳng nội bộ và ảnh hưởng đến ổn định chính trị./.

Phạm Văn Thắng
Học viện Quốc phòng Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất