VĂN HÓA ỨNG XỬ HỒ CHÍ MINH - NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG GIÁ TRỊ NHÂN VĂN, TIẾN BỘ
Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là sự tổng hợp các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại, là hệ thống hành vi thực hiện các khuôn mẫu mang lý tưởng kết tinh những giá trị và chuẩn mực của xã hội và cộng đồng mà cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng Hồ Chí Minh hướng tới.
Nét nổi bật trong văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh là sự chân thành, bình dị, tự nhiên nhưng luôn nhất quán về mục tiêu, nguyên tắc: tất cả vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc và nhân loại tiến bộ. Nói về văn hoá ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: Con người giản dị, vĩ đại ấy cũng là người cực kỳ lịch sự, thanh tao, cao quý trong cách ứng xử với bạn bè quốc tế, với cụ già, phụ nữ, thanh niên và nhi đồng(1). Hay như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: Người vừa dân tộc, vừa quốc tế. Vừa rất mực nhân từ, vừa triệt để cách mạng. Rất uyên bác mà cực kỳ khiêm tốn. Rất nguyên tắc về chiến lược lại rất linh hoạt về sách lược. Vừa nhìn xa trông rộng, vừa thiết thực cụ thể. Vừa vĩ đại vừa vô cùng bình dị. Vừa là chiến sĩ, vừa là nhà thơ. Trong phong ba bão tố Người vẫn ung dung tự tại, lạc quan nhìn về tương lai. Trong khó khăn gian nguy, Người vẫn thanh thản chủ động, vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Ở Người là sự thống nhất giữa nước với dân, giữa dân tộc với giai cấp, giữa quốc gia với quốc tế. Ở Người, lòng yêu nhân dân, yêu nhân loại không bao giờ thay đổi. Người là một hình mẫu cao đẹp của con người mới trong thời đại mới, một biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn với đầy đủ ý nghĩa của nó(2).
Nói về phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh, các học giả, nhà ngiên cứu, phóng viên báo chí quốc tế cũng nhận định: “Mềm dẻo hay kiên quyết khi cần thiết, nhưng bao giờ cũng tự chủ và vẫn giữ phong thái Việt Nam, Ông biết đương đầu với những biến động chính trị và lịch sử, đem cái sức toả sáng phi thường và vô vàn đức tính cao quý của Ông phục vụ sự nghiệp mà Ông là hiện thân”(3). Thế giới khâm phục và tôn vinh Hồ Chí Minh không chỉ vì Người là anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất, nhà tư tưởng lớn của cách mạng Việt Nam, mà còn thừa nhận Người là một nhà lãnh đạo, nhà tổ chức thiên tài với phương pháp cách mạng đặc biệt hiệu quả, phương châm xử thế đặc biệt nhạy cảm. Nhà báo Úc Wilfred Burchett, người từng có nhiều cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta thấy nhẹ nhõm ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng. Trong những cuộc gặp gỡ tiếp theo với nhân cách vĩ đại này, sự ấm áp, giản dị, cách thể hiện rõ ràng xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp và sự thấu hiểu trọn vẹn chủ đề khiến tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc”. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anh Giôn Giô-lan (1969) đã viết: “Được gặp gỡ và nói chuyện với đồng chí Hồ Chí Minh là một ấn tượng không thể nào quên được. Đây là một con người vĩ đại nhưng không bao giờ Người tỏ ra mình là một con người vĩ đại. Mặc dầu những trọng trách phải gánh vác, Người vẫn thân ái, nhiệt tình và sôi nổi làm cho bạn cảm thấy thoải mái ngay”(4)...
Với tư cách một “người cách mệnh” văn hoá ứng xử của Hồ Chí Minh thể hiện nổi bật ở một số nội dung sau:
Trong ứng xử với mình. Người đã tự đặt ra yêu cầu “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn vật chất. Bí mật”(5). Trong cuộc sống hàng ngày Người luôn gương mẫu thực hiện các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn giản dị, tế nhị và khiêm nhường; luôn thanh đạm mà tao nhã, thanh cao; luôn lạc quan, yêu đời. Theo Người, để rèn luyện ứng xử với mình thì phải đưa mình vào nguyên tắc ứng xử có tính bắt buộc cao, phải thống nhất giữa nói và làm, nhằm mục đích cuối cùng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Trong ứng xử với người. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người”(6). Trong ứng xử hàng ngày, Người luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng; luôn nêu cao truyền thống kính già, yêu trẻ, tôn trọng phụ nữ... Khi cần nhắc nhở, Người không quên chỉ vẽ tận tình, khi phê bình thì Người rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất độ lượng, bao dung. Với bạn bè quốc tế, Người luôn ứng xử với tình cảm thủy chung, trước sau như một. Với kẻ thù của cách mạng hay những người ở bên kia chiến tuyến, phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh là tự chủ và lịch lãm, bình tĩnh và đĩnh đạc, chủ động và sáng tạo để vượt qua mọi cạm bẫy, đẩy lùi mọi đòn tiến công hiểm độc, mọi hành động gian giảo của kẻ thù. Phong cách ứng xử của Người luôn thể hiện sự tinh tế cao trong từng lời nói, cử chỉ, hành động khiến người tiếp xúc luôn kính trọng, nể phục nhưng cũng rất gần gũi, thân tình.
Trong ứng xử với công việc. Người nhấn mạnh “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên sau, phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”(7). Người yêu cầu “làm việc phải xem xét, cân nhắc kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm và sáng suốt, phục tùng đoàn thể”(8)... Theo Người, làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để ngày mai. Cần phải tránh làm việc không thiết thực, làm cho có, làm được ít mà suy ra nhiều; không được kéo bè, kéo cánh - đây là căn bệnh rất nguy hiểm cho tổ chức, từ bè phái mà đi đến chia rẽ, ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống...
Trong ứng xử với thiên nhiên. Văn hoá ứng xử của Hồ Chí Minh thể hiện qua tình yêu, sự tôn trọng, chăm sóc, bảo vệ và sống gần gũi, hoà đồng với thiên nhiên. Trong những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm, mặc dù cuộc sống vật chất thiếu thốn, công việc kháng chiến nặng nề nhưng Hồ Chí Minh luôn giữ được tinh thần lạc quan, luôn tìm niềm vui cùng cảnh vật thiên nhiên, qua đó nuôi dưỡng niềm tin thắng lợi. Cách ứng xử với thiên nhiên và môi trường là một nét đẹp của văn hóa Hồ Chí Minh, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Người hướng tới sự phát triển bền vững.
Tóm lại, với văn hoá ứng xử đầy tính nhân văn, lịch thiệp, gần gũi, luôn đặt lợi ích của dân, của nước, của nhân loại tiến bộ lên trên lợi ích cá nhân, nên trong mọi hoàn cảnh, điều kiện, khi tiếp xúc với mọi đối tượng ở Hồ Chí Minh luôn toát lên sức cuốn hút, cảm hóa, cảm phục, ngưỡng mộ và thôi thúc mọi người hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống và công tác.
Cán bộ Đoàn, đoàn viên, đội viên quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh tham gia "Hành trình Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Tôi yêu", ngày 10/6/2024.
XÂY DỰNG CHUẨN MỰC VĂN HÓA ỨNG XỬ CHO THANH NIÊN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ ĐỊNH HƯỚNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA ỨNG XỬ HỒ CHÍ MINH
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, từ những bài giảng đầu tiên khi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin đến những lời căn dặn trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của thanh niên, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, đặc biệt là công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh niên. Theo Người, thanh niên là người tiếp sức cách mạng, là lực lượng có vai trò quan trọng trong công cuộc bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thanh niên cả nước nói chung, thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố) nói riêng có điều kiện học tập, giao lưu quốc tế và hưởng thụ thành quả của nền khoa học - công nghệ hiện đại, thích ứng nhanh với những biến đổi của thời cuộc. Hoạt động giáo dục, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ Thành phố rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật và từng bước hoàn thiện nhân cách.
Hiện nay, nhìn chung phần lớn thanh niên Thành phố tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và định hướng phát triển của Thành phố, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; có ước mơ, hoài bão; có kiến thức, kỹ năng; có sức khoẻ tốt, tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm; có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và phát triển Thành phố nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thanh niên tích cực, vẫn còn một bộ phận thanh niên đang gây nhiều lo lắng và bức xúc cho xã hội. Họ sống thực dụng, ích kỷ, thích hưởng thụ, thiếu trung thực, thờ ơ, vô cảm với các vấn đề chung của xã hội, thiếu tôn trọng người khác, sống đua đòi, chạy theo số đông… Thậm chí, một số thanh niên bị lôi kéo, có những hành vi, việc làm đi ngược lại truyền thống dân tộc, vi phạm đến trật tự, an toàn xã hội, thậm trí là nguy hiểm đến tính mạng của mình và người thân... Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, một phần là do môi trường giáo dục của gia đình và nhà trường còn có những bất cập, hạn chế. Biểu hiện rõ nhất trong môi trường gia đình là do áp lực của công việc, nhiều cha mẹ thiếu sự quan tâm định hướng ứng xử, khiến con cái mất phương hướng; môi trường học đường nhìn chung vẫn quá coi trọng thành tích giáo dục kiến thức mà coi nhẹ giáo dục kỹ năng, đạo đức và văn hoá ứng xử. Từ thực tế này cho thấy, công tác uốn nắn, rèn luyện đạo đức, văn hoá ứng xử cho thanh niên Thành phố nói chung cần tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt hơn nữa.
Khẳng định nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dựng người dân Thành phố nói chung và đội ngũ thanh niên Thành phố nói riêng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ của Thành phố giai đoạn 2020 - 2025 là phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng hình thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và có tính nhân văn sâu sắc, phát huy những phẩm chất đặc trưng, tính cách của người dân Thành phố - “sự năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình”, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng các chuẩn mực văn hoá “năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình” cho thanh niên Thành phố hiện nay, chúng tôi kiến nghị một số đề xuất sau:
Một là, nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng chuẩn mực văn hoá ứng xử cho thế hệ trẻ Thành phố.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân Thành phố cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ thanh niên Thành phố phát triển xứng tầm là lực lượng xung kích đi đầu trong xây dựng và phát triển Thành phố.
Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, đưa Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở thành nhu cầu tự thân của mỗi thanh niên Thành phố.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, nhất là các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong việc rèn luyện lối sống văn hoá cho thanh niên Thành phố. Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến thanh niên gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên hiện nay.
Hai là, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện để thế hệ trẻ Thành phố học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành.
Học sinh tham quan, học tập tại một điểm "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên địa bàn Thành phố.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng “không gian văn hoá Hồ Chí Minh” tại Thành phố, chương trình cần triển khai sâu, rộng đến các cơ sở, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu qủa. Phải làm cho “văn hóa Hồ Chí Minh hiện hữu, để bất cứ ai khi đến Thành phố sẽ cảm nhận được đây là thành phố vinh dự được mang tên Bác kính yêu”(9). Trong quá trình thực hiện cần huy động được sự tham gia đông đảo của đội ngũ thanh niên - thế hệ kế cận, là chủ thể, là động lực cơ bản để phát triển Thành phố trong tương lai - để từ những hoạt động này tiếp tục định hướng hình thành các chuẩn mực văn hoá ứng xử tiến bộ cho thanh niên.
Tăng cường quản lý văn hoá, thông tin, kịp thời ngăn chặn các sản phẩm văn hoá độc hại, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của thế hệ trẻ. Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan văn hoá, văn học nghệ thuật, xuất bản, báo chí sáng tác và phổ biến tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh niên Thành phố. Khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế và sản phẩm văn hoá hiện có; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá mới; phát triển các loại hình giải trí lành mạnh cho thanh niên. Xây dựng môi trường văn hoá công sở; khu dân cư văn hoá, gia đình văn hoá.
Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, có ý thức tự trọng, tự chủ, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống của người Việt Nam. Yêu thiên nhiên và có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường.
Thành phố cần tăng cường ngân sách đầu tư cho sự nghiệp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ. Ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí để xây dựng trường học, công trình phúc lợi, vui chơi, giải trí cho thanh niên. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, tạo chuyển biến trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện an toàn giao thông, bảo vệ môi trường sống, bảo đảm cho thế hệ trẻ được an toàn trong cuộc sống, học tập, vui chơi.
Ba là, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục, rèn luyện các chuẩn mực văn hoá , đặc biệt là văn hoá ứng xử cho thanh niên Thành phố.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh niên; cùng với nhà trường trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để thanh niên Thành phố phát triển toàn diện. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hoá, ông bà, cha mẹ, anh chị mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hoà thuận, gia đình đoàn kết, thương yêu nhau, bảo vệ cái tốt, cái đúng, chống lại cái xấu, cái ác.
Xây dựng trường học thực sự trở thành trung tâm văn hoá, giáo dục, rèn luyện thanh niên, kết hợp hài hoà giữa học chính khoá và ngoại khoá; tạo điều kiện để các tổ chức Đoàn, Hội trong nhà trường tích cực tham gia quá trình giáo dục toàn diện cho thanh niên; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị, đạo đức, bảo đảm thực chất, giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc, toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sống có văn hoá, nghĩa tình, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển đất nước.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, các phong trào thi đua yêu nước; tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên Thành phố tham gia các hoạt động thực tiễn, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng qua đó rèn luyện, cống hiến, trưởng thành.
Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức của thanh niên.
Tăng cường giáo dục chính trị cho thanh niên bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, với sự tham gia, phối hợp có trách nhiệm của nhà trường, gia đình, đoàn thể và toàn xã hội. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với thanh niên, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong thanh niên, nhất là ở các địa bàn nhạy cảm. Kịp thời đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong thanh niên. Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ Đoàn, Hội, nhân rộng điển hình tiên tiến gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy tinh thần tự học tập, rèn luyện, phấn đấu trong thanh niên.
Tổ chức Đoàn, Hội chủ động phối hợp với nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ. Xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của hệ thống các nhà văn hoá thanh niên các quận, các trường đào tạo, các ấn phẩm báo chí, xuất bản của Đoàn trong công tác này. Chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh niên qua các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ, qua đó, vừa làm công tác giáo dục, vừa phát huy vai trò của lớp trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đồng thời, tăng cường khả năng đoàn kết, tập hợp thanh thiếu nhi vào tổ chức.
Các cấp ủy Đảng, tổ chức đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp cần tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên chất lượng luôn chấp hành nghiêm Điều lệ Đoàn, kỷ luật, kỷ cương, văn hóa; chú trọng xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, xây dựng nhân cách của đoàn viên thanh niên theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm là, sử dụng, phát huy vai trò của các công cụ hỗ trợ với công nghệ, phương tiện hiện đại trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh niên.
Phát huy ưu thế của thời kỳ hội nhập, tiếp thu những kiến thức mới để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tính chất cách mạng, khoa học, tiến bộ và sự cần thiết phải rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thanh niên; giúp thanh niên nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, nội dung, nguyên tắc và phương pháp xây dựng đạo đức cách mạng trong thực tiễn.
Tranh thủ cơ hội, ưu thế của cách mạng thời kỳ phát triển tiến bộ để tăng cường giáo dục ý thức tự giác của thanh niên trong quá trình tự rèn luyện đạo đức cách mạng một cách thường xuyên, liên tục. Đồng thời, nâng cao ý thức về bản lĩnh, lòng tự trọng của tuổi trẻ Thành phố, kết hợp giữa kỹ năng tự bảo vệ và ý thức trách nhiệm trước tập thể, cộng đồng khi tham gia không gian mạng để không chỉ cập nhật, sử dụng thông tin đúng, chính xác mà còn đảm bảo phản ánh đúng sự thật khách quan, có chọn lọc, kiểm định, kiểm soát chặt chẽ thông tin...
*
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh có vị trí nền tảng, làm cơ sở định hướng cho việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ. Xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử cho thành niên Thành phố Hồ Chí Minh từ định hướng giá trị văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị Thành phố, trong đó tổ chức Đoàn Thanh niên là nòng cốt và mỗi thanh niên là hạt nhân; các cấp, các ngành chức năng của Thành phố phải có sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Đặc biệt, bản thân mỗi thanh niên phải có sự cố gắng, bền bỉ trong rèn luyện. Có như vậy, việc học tập và làm theo Bác mới đạt được kết quả thực chất, góp phần hoàn thiện phong cách, hướng tới xây dựng hình mẫu thế hệ thanh niên Thành phố thời kỳ hội nhập “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”, góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc nhân dân./.
PHẠM THỊ VÂN
Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh
_____________________
(1) Nguồn: http://www.tuyengiao.vn/
(2) http://tuoitrekontum.org.vn/tin-tuc-su-kien/hoc-tap-va-lam-theo-loi-bac/van-hoa-ung-xu-trong-tu- tuong-ho-chi-minh.html, 16/1/2020.
(3) (4) https://hochiminh.vn/tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/nhung-net-dac-sac-noi-bat-trong- phong-cach-ung-xu-ho-chi-minh-9694
(5) (6) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000. t.2, tr.260, 260, 260.
(7) Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, t.6, tr.129-130.
(9) Thành Cường: Hướng tới “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 7/6/2021.