Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 14/11/2013 7:53'(GMT+7)

Xây dựng Đại học Thái Nguyên trở thành hình mẫu đại học vùng

Đồng chí Phạm Văn Linh phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Phạm Văn Linh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương được đồng chí Đặng Kim Vui, Giám đốc nhà trường trình bày báo cáo về thực trạng nhà trường, những kết quả đạt được và nhiệm vụ, giải pháp phát triển Đại học Thái Nguyên trở thành đại học lớn của khu vực trong thời gian tới. Đồng chí nói: Đại học Thái Nguyên  được thành lập ngày 04-4-1994 theo Nghị định số 31/CP của Chính phủ, trên cơ sở sắp xếp lại 04 trường đại học và 1 trường Công nhân kỹ thuật trên. Là đại học đa lĩnh vực, đa ngành, đa cấp, làm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của vùng trung du, miền núi Bắc bộ; góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Đại học Thái Nguyên đóng trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục của vùng trung du, miền núi phía Bắc. Số dân trên 13 triệu người, nằm trên diện tích trên một diện tích rộng lớn hơn 10 triệu ha (bằng 30,7% diện tích cả nước). Đây là một nguồn cung cấp nhân lực dồi dào cho đào tạo và là địa bàn rộng lớn, có nhiều tiềm năng, tính đặc thù để phát riển khoa học, công nghệ.

Hiện, Đại học có đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ khoa học có trình độ cao, có trình độ ngoại ngữ, năng lực thực tiễn và khả năng vận động quần chúng tốt. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển của Đại học.

Đại học Thái Nguyên được Bộ GD và ĐT giao nhiệm vụ đào tạo 6 trình độ: Tiến sĩ, Cao học, Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Tuy nhiên, trong thời gian đầu mới thành lập, Đại học Thái Nguyên chủ yếu đào tạo bậc đại học và một số bậc thấp hơn như cao đẳng, trung cấp và công nhân nghề; đào tạo sau đại học mới được thực hiện ở bậc cao học với số lượng chuyên ngành ít và quy mô nhỏ.

Cùng với quá trình phát triển của Đại học, các ngành nghề đào tạo, bậc học không ngừng tăng lên một cách nhanh chóng. Cụ thể là, năm 1994, Đại học mới đào tạo 41 ngành và chuyên ngành trình độ thạc sĩ và tương đương trở xuống, trong đó có 10 chuyên ngành thạc sĩ, 16 chuyên ngành ở trình độ đại học. Đến năm 2013, đại học đã đào tạo 224 ngành và chuyên ngành ở cả 6 bậc học, trong đó có 94 chuyên ngành đào tạo sau đại học. Việc tăng lên nhanh chóng của các ngành và chuyên ngành đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học là kết quả huy động tổng hợp các nguồn lực chung của Đại học cho phát triển công tác đào tạo.

Công tác tuyển sinh cùng không ngừng tăng lên với tốc độ nhanh chóng cùng với quá trình phát triển. Năm 2013, quy mô tuyển sinh đại học đã đạt 20.484 học sinh sinh viên. Đặc biệt tuyển sinh sau đại học tới 2.282 người. Cùng với công tác tuyên sinh không ngừng tăng lên, quy mô đào tạo của Đại học cũng tăng lên qua các năm. Quy mô đào tạo năm năm 2013 đạt 90.300 người, trong đó quy mô đào tạo sau đại học là 5.091 người. Sự tăng lên nhanh chóng của các ngành nghề đào tạo, quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học đã phản ánh sự phát triển nhanh của Đại học Thái Nguyên trong công tác đào tạo và từng bước khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo của Đại học.

Trong gần 20 năm qua, Đại học Thái Nguyên đã đào tạo và cung cấp cho vùng và đất nước trên 109.500 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, trong đó có gần 6.000 cán bộ có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, hàng trăm bác sĩ chuyên khoa cấp I và cấp II, hàng nghìn cán bộ có trình độ trung cấp và công nhân lành nghề. Số cán bộ khoa học-kỹ thuật được đào tạo góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của vùng và đất nước.

Đồng chí Giám đốc cũng thừa nhận sau sự lớn mạnh không ngừng gần 20 năm qua, thì Đại học Thái Nguyên vẫn còn bộc lộ những bất cập cần khắc phục như: Cơ sở vật chất - kỹ thuật nhìn chung vẫn ở tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đồng bộ, đặc biệt là các thiết bị nghiên nghiên cứu hiện đại, chuyên sâu. Đội ngũ cán bộ nhìn chung còn thiếu và bất cập, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn và cán bộ chuyên gia giỏi. Đối tượng đào tạo là con em đồng bào các dân tộc vùng trung du, miền núi Bắc bộ, nơi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển kém và là một trong nhưng vùng nghèo nhất của cả nước, nên việc huy động nguồn lực từ người học và các thành phần kinh tế là rất hạn chế; chất lượng đầu vào của người học thường thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài của Nhà nước và Đại học chưa đủ mạnh để thu hút và giữ những cán bộ giỏi.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm xây dựng và phát triển được thành lập trên cơ sở các trường đại học trên địa bàn, được kế thừa các giá trị từ các trường đại học thành viên đã được xây dựng, tích lũy và khẳng định trong một thời gian dài phát triển. Được kế thừa cơ sở vật ban đầu từ các trường đại học thành viên, là tiền đề rất quan cho việc tiếp tục xây dựng và phát triển.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó ban Tuyên giáo Trung ương nói: Thực tiễn sau gần 20 năm xây dựng và phát triển các đại học vùng ở nước ta cũng cho thấy mô hình đại học vùng đang từng bước hoàn thiện và phát huy những lợi thế như (Tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển đơn vị mới; xây dựng các nhóm chuyên gia liên ngành, chuyên ngành; xây dựng đội ngũ; xây dựng cơ sở vật chất…). Vì vậy, xây dựng và phát triển Đại học vùng là yêu cầu khách quan và cấp thiết. Tuy nhiên, để cho đại học vùng phát huy được tính ưu việt hơn hẳn trong hệ thống giáo dục quốc gia, Đại học Thái Nguyên cần giải quyết một số vấn đề sau;

Một là, tập trung đầu tư một cách thỏa đáng cho Đại học vùng để cho các trường đại học nằm trong đại học vùng có lợi thế hơn so với các trường nằm ngoài đại học vùng.

Hai là, có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt cho Đại học vùng trong việc thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao, và các nguồn lực khác cho phát triển đại học.

Ba là, có cơ chế, chính sách quản lý tài chính, tài sản cho phép các Đại học vùng có quyền huy động, điều hòa các nguồn lực về tài chính, tài sản phục vụ cho phát triển chung của Đại học.

Bốn là, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý Đaị học vùng. Sớm ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng, trong đó cần nêu rõ mối quan hệ giữa đại học vùng và các trường đại học thành viên.

Đồng chí cũng nêu lên các định hướng lớn và giải pháp để đưa Đại học Thái Nguyên trở thành đại học lớn của khu vực trong thời gian tới như: Nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đảm bảo đạt chuẩn quốc gia, khu vực và đáp ứng cơ bản nhu cầu của xã hội.

Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các Viên nghiên cứu để các Viện này có khả năng thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu, nghiên cứu đa ngành và nghiên cứu ứng dụng ở tầm cỡ khu vực và thế giới.

Xây dựng Đại học Thái Nuyên theo định hướng đại học nghiên cứu trên cơ sở phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực khoa học và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu.

Mở rộng, phát triển hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nhằm tranh thủ kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ và tăng cường nguồn lực cho xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ khoa học và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa ở từng lĩnh vực công tác. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và đồng bộ.

Để cụ thể hóa những định hướng trên Đại học Thái Nguyên cấn giảm dần quy mô đào tạo từ trình độ đại học trở xuống, tiến tới ổn định vào năm 2020; không mở thêm ngành nghề đào tạo từ trình độ đại học trở xuống, (trừ ngành, nghề xã hội thật sự có nhu cầu và có ích cho phát triển kinh tế - xã hội) để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng cơ bản nhu cầu xã hội.

Tập trung phát triển đào tạo sau đai học, nâng dần quy mô đào tạo sau đại học phù hợp với điều kiện thực tiễn của đaị học; Ưu tiên mở những ngành mới có tính mũi nhọn, đột phá, có nhu cầu xã hội cao; tập trung vào việc phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo các ngành truyền thống; phấn đấu đến năm 2020, quy mô đào tạo sau đại học chiếm 30% tổng quy mô đào tạo chính quy.

Đẩy mạnh liên kết đào tạo quốc tế, nhập khẩu các chương trình đào tạo từ các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; phấn đấu đến năm 2020, quy mô học viên liên kết đào tạo và học viên học tập các chương trình tiên tiến chiếm 15% tổng quy mô đào tạo chính quy.

Đầu tư xây dựng đội ngũ chuyên gia nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành có khả năng đề xuất và giải quyết những vấn KH&CN lớn, tổng hợp, chuyên sâu có tầm khu vực và thế giới.

Tăng cường xây dựng đôi ngũ và cơ sở vật chất cho mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển dẫn từ quan hệ hợp tác xin tài trợ sang hợp tác các bên cùng có lợi, nâng cao vị thế của đại học trong khu vực và thể giới.

Xây dựng chính sách thu hút nhân tài, cán bộ, chuyên gia giỏi; thực hiện việc trả lương theo vị trí công việc và năng lực cán bộ.

Cũng trong ngày đoàn công tác đã đến thăm Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên là một trường đại học kỹ thuật đào tạo bậc đại học và sau đại học các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển nông thôn cho cả nước đặc biệt là các tỉnh miền núi phía bắc. Trải qua 43 năm hình thành và phát triển cho đến nay, nhà trường đã không ngừng phát triển, trưởng thành và khẳng định được vị trí trọng điểm số một, thực hiện nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao về lĩnh vực nông, lâm nghiệp cho khu vực. Ngày đầu thành lập, Nhà trường mới chỉ đào tạo đại học cho 2 ngành, đến nay đã có 20 chuyên ngành đại học, 7 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 7 chuyên ngành đào tạo tiễn sĩ. Đến năm 2013, Trường đã đào tạo cho đất nước 25.300 kỹ sư, 1065 thạc sĩ, hơn 30 tiến sĩ và nhiều cán bộ trình độ cao đẳng, trung cấp và kỹ thuật viên ngành nông lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường, phát triển nông thôn, trong đó một nửa là con em các dân tộc thiểu số và người sống ở vùng sâu vùng xa khu vực miền núi. Trường Đại học Nông Lâm còn là một trung tâm nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội bền vững ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Đặc biệt trong năm 2013 nhà trường đã đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động, phần thưởng vô cùng lớn lao của Đảng và Nhà nước trao cho nhà trường./.

Duy Hưng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất