(TG)-Cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam bao gồm các thông tin về loài cây, địa điểm, quy trình trồng, đặc tính sinh trưởng, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá hiện trạng phân bố cây xanh...
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chăm sóc cây xanh trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam (Tree Map) thông qua ứng dụng công nghệ số 4.0 trên điện thoại thông minh.
Thông tin tại buổi lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu 2021 và hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 vừa diễn ra ngày 21/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại các thành phố lớn của cả nước, trung bình tỷ lệ cây xanh vẫn chưa đạt mức quy định theo quy hoạch chung là 7m2/người khu vực nội thành; khoảng 12m2/người khu vực ngoại thành và 15m2/người theo tiêu chuẩn quốc tế.
Chính vì vậy, với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh,” Thủ tướng Chính phủ đã khởi xướng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm, nhằm góp phần phủ xanh đất trống, phục hồi hệ sinh thái của những vạt rừng trên mọi miền tổ quốc, cũng như để nhân lên màu xanh cho mỗi góc phố, con đường, từng công sở, sân trường hay mỗi ngôi nhà nhỏ ở các khu đô thị và làng quê Việt Nam.
Để hưởng ứng Chương trình trồng mới 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phục hồi, phát triển hệ thống cây xanh nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường; trong đó đề xuất các giải pháp tổng thể, bài bản, với vai trò, trách nhiệm đầu tàu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân để huy động sức mạnh tổng hợp cho hoạt động hết sức có ý nghĩa này.
Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho việc xác định địa điểm trồng, theo dõi việc quản lý và chăm sóc cây xanh sau khi được trồng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam (Tree Map) thông qua ứng dụng công nghệ số 4.0 trên điện thoại thông minh.
Cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam bao gồm các thông tin về loài cây, địa điểm, quy trình trồng, đặc tính sinh trưởng phát triển, cách chăm sóc, quản lý cụ thể trong điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương.
Ứng dụng này giúp các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá hiện trạng phân bố cây xanh; xác định các khu vực, địa điểm trồng cây cụ thể; giám sát quá trình sinh trưởng, phát triển sau khi trồng; kết nối các địa chỉ cung cấp nguồn cây, quỹ đất trồng cây.
Bản đồ số này cũng sẽ xác định được các khu vực xung yếu cần phục hồi hệ sinh thái, yêu cầu phòng hộ, ngăn chặn xâm nhập mặn, chống sa mạc hóa, phục vụ sử dụng để công bố bản đồ quy hoạch hạ tầng cây xanh và chỉ tiêu hạ tầng xanh của địa phương.
Với sự hỗ trợ của công nghệ nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân cùng có những hành động thiết thực, hăng hái tham gia trồng cây và thực hiện tốt phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.”
Vị tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường cũng kỳ vọng mỗi người dân cùng thực hiện việc trồng, bảo vệ cây xanh, thể hiện sự cam kết, trách nhiệm của thế hệ hôm nay gửi cho con cháu mai sau, góp phần quan trọng vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện môi sinh, cân bằng hệ sinh thái, bảo đảm sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, bảo vệ môi trường./.
Theo Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, khắc phục tồn tại, bất cập đồng thời chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021, cả nước sẽ chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025; trong đó có gần 700 triệu cây xanh được trồng phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn, hơn 300 triệu cây xanh trồng rừng tập trung.
Riêng năm 2021, theo kế hoạch cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh; trong đó cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020.
Cùng với các chương trình hành động của ngành nông nghiệp và các địa phương trong các nỗ lực bảo tồn và nâng cao tỷ lệ độ che phủ của rừng, Đề án sẽ không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, mà còn xanh hóa khu vực đô thị và nông thôn Việt Nam./.
TG