ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ QUAN TRỌNG
Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là ngày tôn vinh truyền thống gia đình, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”. 20 năm qua, các gia đình ở Việt Nam đang được xây dựng, gìn giữ và phát triển với những giá trị nhân văn tiến bộ theo tiêu chí: no ấm, tiến bộ, hạnh phúc trên cơ sở thực hiện quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiệm giữa nam và nữ trong công việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng, bạo lực gia đình bị lên án, tỷ lệ phụ nữ tham gia quyết định các công việc quan trọng của gia đình, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ngày càng cao. Quyền trẻ em đã được pháp luật thừa nhận, được xã hội, gia đình thực hiện, bảo vệ và phát huy.
Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các gia đình hiện nay còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do cá nhân đang tác động mạnh đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình, một phần giá trị đạo đức của gia đình đang bị mai một và có biểu hiện xuống cấp. Điều đáng lo ngại là tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình ngày càng nhiều; tình trạng bạo lực gia đình có biểu hiện gia tăng; khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng rộng ra, sâu hơn; mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình không bền chặt...
Đối với Đắk Lắk, ngay sau khi Quyết định của Thủ tướng được ban hành, tỉnh đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức những hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam gắn với việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”; chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương thực hiện lồng ghép nội dung công tác gia đình, các chỉ tiêu về gia đình vào các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình hàng năm, từng giai đoạn cụ thể, bảo đảm nguồn lực đầu tư, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình.
Về công tác tuyên truyền, tỉnh đã triển khai hàng nghìn m2 panô, băng rôn, cờ phướn về tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa; chuyển tải qua hàng trăm tin/bài; cấp phát hơn 170.000 tài liệu, tờ rơi, sổ tay tuyên truyền về giáo dục đời sống gia đình, xây dựng gia đình văn hóa cho cơ sở. Hằng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức đợt tập huấn nghiệp vụ về công tác gia đình cho cán bộ làm công tác gia đình, các trưởng thôn, buôn, tổ dân phố, chủ nhiệm và các thành viên các mô hình gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trên toàn tỉnh... Qua đó đã tạo nên sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và Nhân dân về vai trò, vị trí của việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; bám sát nhiệm vụ của công tác gia đình, tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai toàn diện, đồng bộ theo hướng từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, mục tiêu về gia đình.
Trên cơ sở triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân về mục tiêu “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc” trong toàn tỉnh đã từng bước đi vào chiều sâu. Các hoạt động, sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 25/11... được các cấp ngành, địa phương quan tâm tổ chức thường xuyên với các hình thức tổ chức đa dạng, phong phú và sáng tạo, truyền tải được các thông điệp về Gia đình Việt Nam, về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực trong truyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình trong xã hội, chăm lo xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; xây dựng ý thức đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương. Mức sống của các gia đình về vật chất và tinh thần từng bước đã nâng cao rõ rệt; số vụ bạo lực gia đình hàng năm giảm; sự xuống cấp về đạo đức, lối sống đã được cải thiện; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định; nếp sống văn minh, gia đình văn hóa ngày càng nhiều, thực chất và hiệu quả.
Việc triển khai các giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình đã được các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai. Riêng năm 2020, toàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 350 vụ bạo lực gia đình, với 336 nạn nhân, trong đó 332 nạn nhân là phụ nữ, 4 vụ việc là bạo lực đối nam giới; có 343 vụ việc đã được phát hiện và tiến hành các biện pháp can thiệp xử lý kịp thời đối với người gây ra bạo lực, trong đó: góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư 319 vụ, áp dụng các biện pháp giáo dục 10 vụ, tiến hành xử phạt hành chính 13 vụ việc và 01 vụ việc buộc phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng với các biện pháp xử lý đối với người gây ra bạo lực gia đình, tại địa phương việc tổ chức các hoạt động can thiệp hỗ trợ nạn nhân cũng được quan tâm triển khai thực hiện, năm 2020 toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn tâm lý, tinh thần, pháp luật cho 287 nạn nhân.
Hằng năm, chương trình xây dựng gia đình văn hóa đều thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu theo nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra. Cụ thể, năm 2000 toàn tỉnh chỉ có (210.000/350.000) tỷ lệ 60% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, thì đến năm 2020 số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 83,3%. Tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng giảm dần (từ 1.780 vụ bạo lực gia đình năm 2009; năm 2015 có 686 vụ, xuống còn 350 vụ năm 2020); các Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ngày càng được nhân rộng, triển khai phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Các ban, ngành, đoàn thể liên quan đã phát động nhiều phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của Hội Người cao tuổi; “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh…
Kết quả trên cho thấy, việc xây dựng gia đình văn hóa ngày càng trở thành nét đẹp trong đời sống cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong các gia đình Việt Nam, từng bước xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều gia đình tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được khen thưởng nhân dịp 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam như:
Gia đình ông Y Mứt Ayun và bà H’Giang Niê, buôn Gram B, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar, từ đồng lương cạo mủ cao su ít ỏi, hai vợ chồng đã tích góp, chịu thương chịu khó phát triển kinh tế từ cà phê, hồ tiêu, nuôi dạy các con khôn lớn và trở thành hộ khá của buôn, được khen thưởng các cấp.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tịnh và bà H’Lim Buôn Krông, buôn K62, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, hiện vợ chồng sống hòa thuận trong gia đình 3 thế hệ, chăm lo lao động sản xuất, thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.
Gia đình ông Y Bhiu Mlô và bà H’Blê Niê, thôn Tân Lập 4, xã Pơng Drang, huyện Krông Buk, cả gia đình đều công tác và lao động sản xuất tốt, là tấm gương cho địa phương.
Gia đình bà H’Kiếp Kpơr, buôn Tul B, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn sinh sống trong ngôi nhà có 3 thế hệ, nuôi dạy con ngoan và làm kinh tế giỏi, thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.v.v.
Nhiều địa phương triển khai tốt công tác xây dựng gia đình như: huyện Krông Pắk, huyện Cư M’gar, huyện Ea Kar, thị xã Buôn Hồ…
|
Ngoài ra, chương trình xây dựng gia đình văn hóa còn được lồng ghép trong triển khai thực hiện các đề án của Chính phủ về công tác gia đình: Đề án “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”; Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”; Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Hầu hết các phong trào đều xem gia đình là hạt nhân để xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở. Phong trào đã có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn thể nhân dân, trở thành mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình. Kết quả thiết thực của nó không chỉ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi gia đình mà còn đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Thông qua hình thức tuyên truyền, mỗi gia đình đã tự ý thức và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất để ổn định cuộc sống. Mỗi thành viên trong gia đình ý thức được việc xây dựng gia đình văn hóa là nền tảng cốt lõi xây dựng một xã hội, một cộng đồng tốt đẹp hơn.
Về nguồn nhân lực tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình, ở cấp tỉnh, Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập năm 2008, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về gia đình tại tỉnh hiện nay có 01 Phó Giám đốc Sở, 04 cán bộ cấp tỉnh, 15 cán bộ cấp huyện và 184 cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm. Nhìn chung, cán bộ trực tiếp triển khai công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình của tỉnh đều là cán bộ tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm với công việc. Tuy nhiên, năng lực, kinh nghiệm công tác của cán bộ cơ sở có hạn nên việc tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn; kỹ năng xử lý tình huống xảy ra trong thực tế còn hạn chế. Một số địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm tới công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình như: Huyện M’Đrắk, huyện Lắk, huyện Ea Súp…
Bên cạnh các quy định của pháp luật, nhiều thôn, buôn ở Đắk Lắk hiện nay có quy ước, hương ước, trong đó có quy định về giữ gìn hạnh phúc gia đình. Ở khía cạnh nào đó, một số luật tục, tập quán tốt đẹp của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như việc ràng buộc “đền bù” bằng hiện vật cũng là những “rào cản” cho việc ly hôn. Tập quán được áp dụng phải là quy tắc xử sự phù hợp với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Nghĩa là tập quán về hôn nhân và gia đình đó phải là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng. Việc áp dụng tập quán phải tuân theo các điều kiện được quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định của Luật hôn nhân và gia đình được áp dụng.
BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ BÁU
Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng tác động không nhỏ tới giá trị văn hoá truyền thống gia đình Việt Nam; các tệ nạn xã hội như ma túy, rượu bia, cờ bạc, tín dụng đen, ngoại tình... đang từng ngày, từng giờ xâm nhập vào trong các gia đình; hiện tượng yêu sớm, sống thử, nạo phá thai, sống vô cảm ở lứa tuổi vị thành niên ngày một gia tăng; dẫn đến tình trạng bạo lực, ly hôn trong đời sống xã hội, đạo đức, lối sống một số nơi có chiều hướng xuống cấp.
Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực xã hội - gia đình và trẻ em ở cơ sở không ổn định, thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác gia đình. Ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân khó tiếp cận với thông tin các mô hình về chăm sóc gia đình, việc tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần cho nhân dân do kinh phí và nguồn lực còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ. Các mô hình gia đình ở cơ sở hoạt động còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn, năng lực của đội ngũ cán bộ và đặc biệt nguồn kinh phí phục vụ cho công tác này càn hạn hẹp. Kinh phí đầu tư cho công tác gia đình ở các địa phương còn hạn chế chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế cho công tác gia đình ở cơ sở, công tác vận động xã hội hóa đối với công tác gia đình còn gặp khó khăn.
Bài học kinh nghiệm cơ bản của Đắk Lắk qua 20 năm triển khai thực hiện công tác gia đình là:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở cần thật sự quan tâm để việc tổ chức thực hiện công tác gia đình mới có hiệu quả xuyên suốt.
Thứ hai, xây dựng duy trì ổn định bộ máy tổ chức làm công tác gia đình từ tỉnh đến cấp cơ sở; thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác gia đình, giải quyết chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ cộng tác viên làm công tác gia đình ở cơ sở.
Thứ ba, luôn đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước giáo dục về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ tư, không ngừng nâng cao chất lượng việc thu thập các chỉ số về gia đình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động xây dựng gia đình.
Thứ năm, quan tâm đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho công tác gia đình trên địa bàn toàn tỉnh.
XÂY DỰNG GIA ĐÌNH NO ẤM, BÌNH ĐẲNG, TIẾN BỘ, HẠNH PHÚC
Thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi đến toàn thể các gia đình trên khắp mọi miền Tổ quốc, gia đình Việt Nam ở nước ngoài đã khẳng định, trong giai đoạn phát triển mới, gia đình vẫn giữ vai trò, vị trí trung tâm trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân Việt Nam. Gia đình vẫn là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hoá dân tộc, là mạch nguồn vun đắp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là ngôi nhà an toàn nhất, vững chắc nhất cho mỗi thành viên trước những khó khăn, rủi ro trong cuộc sống... Tổ quốc ta đang tiến lên phía trước, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, điều đó cần phải được bắt đầu từ sự đóng góp hiệu quả từ mỗi gia đình.
Phát huy kết quả 20 năm qua, trong thời gian tới, thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững, để gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, tế bào lành mạnh của xã hội. Trong đó, chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, thực hiện triệt để tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 06-CT/TW; tiếp tục thực hiện mục tiêu “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc” gắn với thực hiện Chiến lược phát triển gia đình tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030 và các đề án, kế hoạch có liên quan trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội của tỉnh.
Thứ hai, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu gương các gia đình văn hóa, gia đình tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt, phê phán những biểu hiện không đúng trong việc xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; kiên quyết phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và cảnh báo các nguy cơ và hậu quả về mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường kiểm tra việc thi hành luật pháp, chính sách, thực hiện các nhiệm vụ công tác liên quan đến gia đình nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các gia đình.
Thứ ba, đẩy mạnh việc tổ chức, chỉ đạo, quản lý, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến gia đình, bảo đảm cho các gia đình được tiếp cận đầy đủ các chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và thực hiện trách nhiệm đối với việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Đề cao tính chủ động và trách nhiệm tham gia của từng sở, ngành, đoàn thể đối với việc thực hiện các nhiệm vụ công tác, việc hỗ trợ, xây dựng, phát triển gia đình, việc thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực gia đình thuộc phạm vi trách nhiệm của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương. Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội, các dòng họ, gia đình, cá nhân vào việc hỗ trợ hoặc tạo điều kiện giúp cho các gia đình nâng cao nhận thức và có thêm cơ hội, điều kiện tham gia vào các hoạt động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
"Mỗi người Việt Nam đều có gia đình nhỏ của riêng mình, song cũng có chung một gia đình lớn thiêng liêng chính là đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến. Tôi mong mỗi gia đình Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài không ngừng phấn đấu vươn lên, mỗi người dân Việt Nam hãy thể hiện cao nhất trách nhiệm công dân, trách nhiệm, tình cảm với người thân trong gia đình tiếp tục vun đắp, xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm nhân lên những niềm vui, hạnh phúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, niềm tự hào, khát vọng cống hiến, trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước Việt Nam thân yêu - Vì một Việt Nam vươn xa toàn cầu, hùng cường và thịnh vượng”.
Thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2021)
|
ĐẶNG GIA DUẨN
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk