Để thực hiện “Đổi mới căn
bản và toàn diện nền giáo dục” như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã đề ra, trước hết cần quan tâm
đến đổi mới môi trường giáo dục, trong đó có nội dung bảo đảm an toàn,
an ninh trật tự trong các nhà trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an đã ra Thông tư liên tịch số 34 về công tác phối hợp bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trước khi bước sang năm học mới (2014-2015), hai ngành đã tổ chức hội thảo nhằm bàn bạc các giải pháp thực hiện thông tư một cách hiệu quả. Dư luận đánh giá cao việc làm trên của hai ngành giáo dục và đào tạo và công an, bởi lẽ việc kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra môi trường an toàn làm nền tảng giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh.
Đối với sự hình thành, phát triển nhân cách của mỗi con người, môi trường giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy nhiều giá trị truyền thống, các chuẩn mực đạo đức có dấu hiệu bị đảo lộn. Một bộ phận học sinh, sinh viên có biểu hiện lệch lạc về nhân cách và nhận thức. Dư luận không khỏi đau lòng về những vụ việc như: Học sinh rượt đuổi thầy giáo tạt a-xít ngay trên bục giảng; hành hung cô giáo ngay giữa sân trường; học sinh đánh nhau, lột quần áo của bạn v.v.. Đáng chú ý là những hành vi trên có cả ở các học sinh nữ. Rõ ràng, môi trường giáo dục học đường ở nước ta đang xuất hiện những yếu tố thiếu lành mạnh, ít an toàn đối với sự phát triển nhân cách của học sinh.
Cùng với đó là hoạt động tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một số nhà trường chưa được quan tâm đúng mức. Mục đích đặc biệt quan trọng của giáo dục-đào tạo là “học để làm việc, học để làm người”, nhưng không ít cơ sở giáo dục chưa quan tâm đầy đủ đến điều này, nặng chạy theo những con số tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh giỏi... mà thiếu quan tâm đến giáo dục nhân cách cho học sinh. Chính căn bệnh thành tích ấy đã tác động tiêu cực tới việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh trong nhà trường.
Để thực hiện “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã đề ra, trước hết cần quan tâm đến đổi mới môi trường giáo dục, trong đó có nội dung bảo đảm an toàn, an ninh trật tự trong các nhà trường. Cùng với gia đình, vai trò của nhà trường cần được phát huy trong giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho thế hệ trẻ. Nhưng không phải ai cũng nhận thức một cách đầy đủ, thấu đáo về vai trò, vị trí đó của môi trường giáo dục học đường. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cốt lõi ở đây là phải tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, trước hết là trong các thầy giáo, cô giáo. Mỗi nhà trường phải xây dựng cho được một môi trường sư phạm bảo đảm đạt được các yêu cầu về giáo dục.
Cùng với tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình và các cơ quan chức năng để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn những tác động tiêu cực từ xã hội gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và sự phát triển nhân cách của học sinh. Song hành với đó là sự mô phạm của các thầy giáo, cô giáo. Phân tích những nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường cho thấy cũng có một phần lỗi của các thầy giáo, cô giáo. Nhất là với những học sinh cá biệt, học sinh mắc khuyết điểm, nếu phương pháp giáo dục, uốn nắn của nhà trường và thầy, cô không "thấu tình đạt lý" rất dễ đẩy các em đến chỗ bị cô lập, nản chí và hành động tiêu cực. Vấn đề là ở chỗ các thầy, cô phải có lòng nhân ái, biết quan tâm, chia sẻ giúp các em đứng dậy sau những lần vấp ngã, biết tạo dựng một môi trường giáo dục thân thiện, đoàn kết trước hết là ở lớp mình, trường mình.
Thực tế giữa việc xây dựng môi trường giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh trong nhà trường hiện nay với cách hành xử của người lớn ngoài xã hội đang có những mâu thuẫn lớn. Trong khi nhà trường ra sức nỗ lực giáo dục các em theo những chuẩn mực giá trị đạo đức, nhân cách truyền thống thì ngoài xã hội lại không thiếu những lối hành xử thô tục, bạo lực… kiểu "luật rừng", "xã hội đen". Đây là một trong những khó khăn, trở ngại đối với việc xây dựng môi trường giáo dục nhân cách cho học sinh của ngành giáo dục và đào tạo. Cùng với sự nỗ lực của các nhà trường, để vượt qua những trở ngại ấy rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng xã hội. Đặc biệt ở tầm vĩ mô, yếu tố rất quan trọng là Đảng và Nhà nước cần có các chủ trương, quyết sách tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phát triển, cho những giá trị đạo đức xã hội được khẳng định./.
Kim Ngọc (QĐND)