Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 30/11/2009 16:8'(GMT+7)

Xây dựng tiềm lực, thế trận vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Hải quân Việt Nam.

Hải quân Việt Nam.

Việt Nam nằm bên bờ biển Đông - vùng biển có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với khu vực và trên thế giới, là tuyến hàng hải quan trọng thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tuyến đường huyết mạch trong hoạt động thương mại và vận chuyển quân sự quốc tế. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta luôn gắn liền với biển. Đánh thắng giặc trên sông, biển bảo vệ đất nước, khai thác nguồn lợi biển phục vụ đời sống đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Biển, đảo nước ta không những mang lại nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, mà còn là một không gian chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh (QP-AN). Thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) trên biển là một bộ phận của thế trận QPTD bảo vệ Tổ quốc. Với gần 3.000 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa tạo nên các tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ Tổ quốc; nhiều đảo có vị trí chiến lược, thực sự là những căn cứ tiền đồn vững chắc trên biển.

Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” xác định mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020, phấn đấu đ­ưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH, làm cho đất n­ước giàu mạnh”. Yêu cầu đặt ra là phải tăng cường xây dựng, củng cố, hoàn thiện nền QPTD, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển ngày càng vững chắc, gắn với xây dựng, phát triển kinh tế biển, bảo vệ lợi ích quốc gia, tài nguyên và môi trường sinh thái biển. Sức mạnh của nền QPTD trên biển cấu thành bởi nhiều yếu tố. Đó là sức mạnh của chế độ XHCN, của đường lối chiến tranh nhân dân, thế trận QPTD và thế trận an ninh nhân dân trên biển, mà Hải quân nhân dân là lực lượng nòng cốt.

Phát huy truyền thống anh hùng, để hoàn thành nhiệm vụ làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, Hải quân nhân dân Việt Nam cần được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trước hết, tăng cường sự lãnh của Đảng, xây dựng tổ chức Đảng các cấp trong sạch vững mạnh, xây dựng Hải quân nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân chủng. Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ nắm chắc tình hình nhiệm vụ, hiểu rõ thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu và SSCĐ hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; xây dựng ý chí, niềm tin vào cách đánh và thắng lợi của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Toàn quân chủng tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, phát huy dân chủ quân sự, nghiên cứu xây dựng các phương án chiến đấu trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm truyền thống; chú trọng những phát triển mới trong phương thức tác chiến trên biển, đưa các tình huống tác chiến vũ khí công nghệ cao vào huấn luyện, tổ chức diễn tập theo phương án. Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực quản lí làm chủ vùng biển, chủ động bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch phương án tác chiến, tăng cường luyện tập, diễn tập nâng cao trình độ xử lí kịp thời các tình huống phức tạp trên biển. Chủ động thực hiện tốt chức năng làm tham mưu cho Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, xử lí các tình huống đúng đối sách, không để bị động bất ngờ, giữ vững chủ quyền; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, các bộ, ban, ngành, các địa phương ven biển xây dựng thế trận QPTD vững chắc trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Quân chủng tập trung kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng theo hướng tinh gọn, cơ động, linh hoạt cao, có sức chiến đấu mạnh, chú trọng tính hợp lí, đồng bộ, cân đối, đủ thành phần; bố trí lực lượng có trọng điểm trên hướng chủ yếu, khu vực quan trọng, bảo đảm phòng thủ từ xa đến gần, từ nhiều hướng. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia đầu ngành giỏi ở các lĩnh vực, từng bước làm chủ việc thiết kế, đóng mới, cải tiến, sửa chữa, khai thác, sử dụng VKTBKT, tàu thuyền hiện có và lực lượng phát triển mới của quân chủng; nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm kĩ thuật, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng trên biển, đảo, bảo đảm kiên cố và có độ bền vững cao.

Cùng với huấn luyện, SSCĐ, Bộ đội Hải quân tích cực tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội biển, đảo; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng với phát triển kinh tế-xã hội; kinh tế-xã hội gắn với QP-AN.

Với nhiệm vụ được giao, Hải quân nhân dân Việt Nam chủ động phối hợp với các lực lượng, các cấp, ngành nghiên cứu đề xuất quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống cảng biển, âu tàu ở các đảo, các nhà máy, xí nghiệp hải quân, bảo đảm phát huy thế mạnh của từng vùng và bảo đảm QP-AN trên các vùng biển, đảo. Tổ chức lực lượng bảo vệ, bảo đảm an toàn các công trình kinh tế trọng điểm, các hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động kinh tế trên biển, đảo và tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn, tạo điều kiện cho ngư dân làm ăn trên biển, góp phần phát triển kinh tế biển, ven biển, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng tham gia sản xuất kinh doanh, bảo vệ chủ quyền, nhất là trên các vùng biển xa.

Phối hợp tuyên truyền về biển, đảo, tăng cường hoạt động đối ngoại quân sự với hải quân các nước trong khu vực và thế giới, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên các vùng biển của Việt Nam... có vai trò hết sức quan trọng. Công tác tuyên truyền tập trung nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của Trung ­ương, địa phương triển khai toàn diện, sâu rộng, hiệu quả ch­ương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo gắn với tạo nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Hợp tác quốc tế song phương, đa phương trên biển được tiến hành theo khuôn khổ pháp luật, phù hợp với Công ­­ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam đã kí kết. Hoạt động đối ngoại quân sự của quân chủng được đẩy mạnh theo hư­­­ớng đa dạng, tích cực, chủ động, hiệu quả; duy trì hoạt động tuần tra chung với Hải quân các nước trong khu vực, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Hải quân nhân dân Việt Nam, tạo môi trường hòa bình, ổn định để đất nước hội nhập và phát triển.

Phó đô đốc  NGUYỄN VĂN HIẾN
UVTW Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất