Thứ Sáu, 27/9/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 18/10/2016 20:46'(GMT+7)

“Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững”

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại Hội thảo (Ảnh DP)

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại Hội thảo (Ảnh DP)

Sáng ngày 18/10 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo: “Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, Văn hóa Doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững”.

Đến dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng chí Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL. Đến dự và phát biểu có đồng chí Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài bộ cùng dự.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết: Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chương trình hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, đồng thời hướng tới chào mừng ngày Văn hóa doanh nhân Việt Nam (10/110 vừa được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa  doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững”.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh: Sự cạnh tranh gay gắt trên quy mô toàn cầu đang đặt các Doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức phải năng động, linh hoạt, đổi mới phương thức kinh doanh để trụ vững và phát triển. Bên cạnh những yếu tố như sản phẩm, thị trường, công nghệ, năng lực kinh doanh. Văn hóa Doanh nghiệp được coi là một nguồn lực, yếu tố vàng quyết định sự thành công của các Doanh nghiệp. Vì vậy, xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, Văn hóa Doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước hiện nay.


Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam
phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh DP)

Phát biểu tại Hội thảo đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam cho rằng: Việt Nam có khoảng 93% doanh nghiệp hiện có là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xuất phát từ gốc hình thành, tính chất quy mô, năng lực quản trị các nhà quản trị các nhà quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ta thường nắm bắt, bao quát và quán xuyến hầu hết các mặt của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kỹ năng, nghiệp vụ quản lý của họ thường thấp so với yêu cầu. Mặt khác, hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ thường ngắn hạn nên chủ doanh nghiệp chưa chú trọng đúng mức đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, cái khó nhất hiện nay trong thiết kế văn hóa doanh nghiệp của chính các doanh nghiệp Việt Nam là phiên dịch từ chiến lược kinh doanh sang ngôn ngữ của văn hóa doanh nghiệp. Cho nên công việc này đòi hỏi cả lý luận và kinh nghiệm thực tiễn những ở Việt Nam khá mới mẻ. Trong nhiều trường hợp, có thể thuê công ty tư vấn nước ngoài.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, thẳng thắn và sắc sảo, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ: Việt Nam là Văn hóa lúa nước, làng xã trọng nông chứ không trọng thương đã để lại dấu ấn cho đến ngày nay. Văn hóa phải qua cọ xát của cuộc sống, làm ăn, được sàng lọc chứ không phải câu chuyện qua vài ba Hội thảo, bàn giấy. Đừng hành chính hóa Văn hóa, bởi nó không xây dựng Văn hóa bền vững được. Dồng chí Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Văn hóa là sự kết hợp của 3 lực lượng: Doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý, muốn tạo dựng Văn hóa, trước hết vai trò Trung tâm chính là Doanh nghiệp, họ từ sàng lọc, hành xử có lợi nhất, nếu hành xử không phù hợp sẽ bị đào thải. Tiếp thu Văn hóa của nhân loại, thuần túy là kinh doanh. Nước Nhật giàu lên là Văn hóa của người Nhật quyết định. Vai trò của Nhà nước phải tạo môi trường làm ăn kinh doanh để tạo Văn hóa kinh doanh lành mạnh. Tuy vậy, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: Văn hóa là chuyện nghìn năm, chúng ta không vội được.

Mang đến hội thảo kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Hong Sun, Tổng thư ký Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: Văn hóa doanh nghiệp bao giờ cũng là mục tiêu, là động lực của sự phát triển. Đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, vai trò của văn hóa doanh nghiệp càng trở nên quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn. Một trong những thách thức đó là phát triển văn hóa doanh nghiệp như thế nào để văn hóa thực sự là động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước. Chú trọng phát triển văn hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, coi phát triển văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội sẽ góp phần phát triển cho các doanh nghiệp nói riêng và đất nước nói chung.


 Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ (Ảnh DP)

Bên cạnh đó Hội thảo cũng nhận được gần 50 tham luận của các tác giả các viện nghiến cứu, trường đại học, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp tập trung vào những vấn đề như: Những vấn đề lý luận, các mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân ở Việt Nam và trên thế giới; Các điển hình thành công, bài học kinh nghiệm về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân trong nước và quốc tế; Thực trạng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra; Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân trước thách thức của hội nhập quốc tế; Giải pháp, phương hướng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe các tham luận, bài học thực tiễn của các Doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng , phát triển Văn hóa Doanh nghiệp, Văn hóa Doanh nhân như: “Văn hóa Doanh nghiệp tại Tập đoàn Vingroup” của Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Mai Lan; “Văn hóa trong hoạt động kinh doanh của FPT” của Trưởng ban Văn hóa và Đoàn thể Công ty CP FPT Lê Đình Lộc; “Văn hóa Doanh nghiệp- sức mạnh của Viettel khi đầu tư ra nước ngoài” của Giám đốc quan hệ công chúng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Nguyễn Hà Thành; “Sự cần thiết xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp và đạo đức Doanh nhân Việt Nam” của Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh , Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. PGS.TS Dương Thị Liễu…

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trân trọng cảm ơn các đại biểu là các nhà khoa học, các nhà quản lý, các Doanh nhân đã gửi tham luận, trực tiếp có ý kiến đóng góp tại Hội thảo trong việc xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, Văn hóa Doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau Hội thảo này, Bộ VHTTDL sẽ nghiên cứu, để ban hành bộ khung tiêu chí định hướng Văn hóa Doanh nghiệp, Doanh nhân Việt Nam./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất