Chủ Nhật, 24/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 24/11/2017 9:51'(GMT+7)

Xu hướng phát triển thành phố thông minh

Những dự án triệu USD

Năm 2016, hãng nghiên cứu thị trường Juniper Research (Anh) đưa ra một nghiên cứu cho thấy, dù TPTM là một khái niệm mới nhưng đã nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu. Những thay đổi lớn về kinh tế và môi trường cùng sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ chính là cơ sở để các TPTM trở thành một chiến lược phát triển đô thị phổ biến nhất hiện nay.

Thế giới vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về TPTM, nhưng về cơ bản, mỗi TPTM cần tới một số yếu tố chính cấu thành và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Trong đó cốt lõi là công nghệ điện toán thông minh kết hợp công nghệ thông tin truyền thông nhằm quản lý các dịch vụ và hạ tầng trọng yếu, hay còn gọi là cơ sở hạ tầng vật lý thông minh. Ngoài ra, cộng đồng dân cư là chủ thể chính không chỉ sinh sống mà còn tham gia cùng chính quyền điện tử để giám sát mọi hoạt động trong TPTM.

Hiện tại có rất nhiều đô thị lớn, nhỏ trên thế giới theo đuổi những mục tiêu phát triển TPTM như quản lý năng lượng, giảm hiệu ứng khí thải, tăng cường an toàn công cộng hoặc cung cấp dịch vụ tốt hơn cho cư dân. Ông Jack Gold, nhà phân tích tại J. Gold Associates (Mỹ) cho biết: “Dù nhược điểm của TPTM là cần phải đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng và phần lớn các thành phố lại không có đủ tiền đầu tư toàn bộ, nhưng quá trình này vẫn đang từng bước diễn ra tại nhiều nơi”. Bên các hãng công nghệ lớn như IBM, Cisco, GE, Intel,… còn có hàng trăm nhà sản xuất phần cứng, phần mềm và ứng dụng nhỏ cũng có tham vọng tham gia xu hướng tất yếu này.

Trong báo cáo sau khi khảo sát nhiều thành phố trên thế giới dựa trên 40 chỉ số, hãng Juniper Research đã xác định năm đô thị là hình mẫu của TPTM, đó là Singapore, Barcelona (Tây Ban Nha), London (Anh), San Francisco (Mỹ) và Oslo (Na Uy). Trong số đó, hai thành phố Singapore và Barcelona dẫn đầu về các chỉ số như hệ thống giao thông thông minh, sự liên kết giữa các cơ quan của thành phố, khả năng công nghệ, việc sử dụng dữ liệu mở...

Không dừng lại ở việc biến đổi những đô thị hiện tại trở thành TPTM, nhiều chính phủ và doanh nghiệp lớn đang muốn xây mới hoàn toàn những thành phố kiểu mẫu cho tương lai. Công ty Sidewalk Labs thuộc sở hữu của công ty mẹ của Google là Alphabet (Mỹ) đã đầu tư 50 triệu USD cho dự án xây dựng thành phố kỹ thuật số Sidewalk Toronto rộng khoảng 324 ha tại khu vực Quayside ở TP Toronto (Canada). TPTM này sẽ được trang bị hệ thống giao thông tự động, mạng lưới wifi tốc độ cao cùng hàng triệu cảm biến hoạt động nhờ nguồn năng lượng tái tạo bền vững và thân thiện môi trường.

Sau khi hoàn thành, khu vực Quayside có thể giảm 73% lượng phát thải khí CO2, tiết kiệm 65% lượng nước tiêu dùng và giảm được 90% bãi chôn lấp rác phát sinh. Giao thông trong thành phố cũng ưu tiên người đi bộ, đi xe đạp và xe điện công cộng. Dự án ở Quayside được ông Justin Trudeau, Thủ tướng Canada rất hoan nghênh. Ông Trudeau kỳ vọng: “Các công nghệ sẽ giúp chúng ta xây dựng các thành phố thông minh hơn, trong lành hơn. Chúng ta hy vọng thành phố sẽ mở rộng quy mô trên bờ sông phía đông của Toronto, sau đó là ở các khu vực khác của Canada và trên toàn thế giới”.

Với số vốn đầu tư không nhỏ là 80 triệu USD, mới đây công ty Belmont Partners thuộc sở hữu của tỷ phú Bill Gates cũng đưa ra kế hoạch xây dựng một thành phố công nghệ cao mang tên Belmont nằm ở khu vực phía tây TP Phoenix bang Arizona (Mỹ). Dự kiến thành phố này sẽ là nơi sinh sống của 182.000 người. Nhiều chuyên gia kỳ vọng Belmont sẽ trở thành đô thị kiểu mẫu cho thế kỷ 21 với những ưu điểm như ưu tiên giảm ô nhiễm, bảo đảm an ninh đường phố và hệ thống giao thông tập trung vào các phương tiện thân thiện môi trường. Thành phố này còn hướng tới sự linh hoạt trong phân vùng sử dụng đất khi kết hợp nhiều mục đích sử dụng như cư trú, thương mại, khu công nghiệp...

Mô hình phát triển cho tương lai

Không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống, các TPTM còn đem lại nhiều lợi ích kinh tế bền vững. Thí dụ rõ nét nhất là dự án siêu đô thị kết hợp khu kinh doanh và công nghiệp trị giá 500 tỷ USD mang tên NEOM của Saudi Arabia liên kết với Jordan và Ai Cập. Thời gian vừa qua, nền kinh tế Saudi Arabia đã phải khá vất vả để vượt qua cuộc khủng hoảng do giá dầu xuống thấp. Trước tình hình đó, Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đã đưa ra một loạt cải cách kinh tế - xã hội, trong đó có dự án NEOM. Đây là nỗ lực lớn nhất để giải phóng nền kinh tế quốc gia này khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.

Thái tử Mohammed cho biết, NEOM dự kiến được xây dựng trên một khu vực rộng 26.500 km2 sẽ là TPTM kết hợp các khu công nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo và nước sạch. Thành phố cũng sẽ có nhiều trung tâm công nghệ sinh học và sản xuất thực phẩm an toàn, các nhà máy hiện đại... Dự kiến, giai đoạn đầu dự án sẽ hoàn tất vào năm 2025 và Saudi Arabia cần các nguồn tài chính và kỹ thuật rất lớn để xây dựng NEOM.

NEOM nằm gần biển và vịnh Aqaba cũng như các tuyến thương mại hàng hải qua kênh đào Suez, bởi vậy sẽ là cửa ngõ nối liền Ai Cập và Saudi Arabia. Đại diện Quỹ đầu tư cộng đồng của Saudi Arabia (PIF) khẳng định: “NEOM nằm ở một trong những tuyến đường kinh tế quan trọng nhất thế giới. Vị trí chiến lược của nó sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng của khu vực như một trung tâm kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi”. Thái tử Mohammed kỳ vọng đây sẽ là giải pháp giúp nền kinh tế thoát khỏi khó khăn khi giá dầu sụt giảm, bởi dự án tập trung sản xuất nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, dự án còn giúp giảm lượng tiền đầu tư ra ngoài Saudi Arabia khi NEOM cho thấy là hình mẫu hợp lý cho các khoản đầu tư trong nước.

Cùng chung một tầm nhìn như các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, Quốc vương Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng hiểu rằng nguồn tài chính cốt yếu của UAE là dầu lửa đang dần cạn kiệt. Vì vậy, ông yêu cầu các cố vấn đưa ra một kế hoạch dài hạn cho phép đa dạng hóa nền kinh tế. Câu trả lời chính là ý tưởng về một thành phố được đầu tư hoàn toàn bằng năng lượng xanh và công nghệ cao, đem lại sự phát triển bền vững trong tương lai.

Dự án xây dựng thành phố xanh đầu tiên trên thế giới Masdar ra đời và hướng đến sự bền vững ngay cả trong môi trường khắc nghiệt trên sa mạc. Masdar nằm ở khu vực gần Abu Dhabi với quy mô rộng 22 ha và hoạt động dựa vào 87.777 tấm pin mặt trời trên mái của các tòa nhà. Tất cả các phương tiện giao thông ở đây được thay thế bằng hệ thống xe điện không người lái. Để giảm bức xạ nhiệt, tường của các tòa nhà được thiết kế với lớp đệm không khí, điều này giúp giảm nhu cầu về điều hòa nhiệt độ tới 55%. Nhờ sử dụng cảm biến chuyển động thay thế các thiết bị chuyển mạch và vòi nước, thành phố cũng giảm được 51% lượng điện tiêu thụ và tiết kiệm 55% nước sinh hoạt.

Mặc dù chi phí đầu tư vào dự án thành phố Masdar rất tốn kém, dự kiến lên tới hơn 15 tỷ USD trong năm 2025 nhưng TPTM này sẽ trở thành nơi quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ trong và ngoài UAE. Trong đó, có khoảng 1.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng xanh và các dự án khởi nghiệp, tạo thêm việc làm cho khoảng 10.000 người, đóng góp 2% vào GDP của Abu Dhabi.

Ông Steffen Sorrell, nhà nghiên cứu của Juniper Research cho rằng, hai lợi ích bao quát nhất mà các TPTM đem lại là sự phát triển bền vững và hiệu quả. Các TPTM vừa đem lại thêm nhiều lợi ích kinh tế công nghệ cao vừa giải quyết được yêu cầu cấp thiết phải quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, chống chọi tốt với các tác nhân gây nên tình trạng biến đổi khí hậu. Đây cũng là động lực chính thúc đẩy các tập đoàn lớn và nhiều chính phủ chú trọng phát triển các dự án TPTM cho dù chi phí đầu tư rất lớn.

Theo Thời nay

(Nhân Dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất