Thứ Bảy, 18/5/2024
Nói đúng - Viết đúng
Chủ Nhật, 9/7/2023 6:0'(GMT+7)

Phiếm luận về số 2

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Có thể nói rằng, so với tất cả những đơn vị định danh chỉ số còn lại, số 2 trong tiếng Việt là đơn vị mang nhiều tên gọi nhất. Có tới 9 đơn vị ngôn ngữ có thể được sử dụng để biểu đạt về số 2, mỗi đơn vị lại mang theo nó những giá trị ngữ nghĩa và cách sử dụng đặc thù, cụ thể gồm có: Hai, Đôi, Nhị, Nhì, Lưỡng, Song, Thứ, Cặp, Đúp.

“Hai” có thể xem là đơn vị ngôn ngữ mang tính điển mẫu cao nhất và phổ biến nhất, thông dụng nhất khi được dùng để biểu thị số 2. Sắc thái của nó được xem là trung tính, có thể diễn đạt về ý niệm số 2 trong nhiều hoàn cảnh, bối cảnh hơn cả. Trong Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học), “Hai” được định nghĩa là “số tiếp theo số một trong dãy số tự nhiên”. Trong thi ca, “Hai” được sử dụng trong những ngữ cảnh mang tính chất miêu tả thông thường, ít nhiều mang tính chất số học:

Thủa còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

Ai bảo chăn trâu là khổ

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

(Quê hương - Giang Nam)

Trong diễn đạt về tình yêu đôi lứa, “Hai” được sử dụng trong những hoàn cảnh khi hai người vẫn còn có những khoảng cách, chia xa, chưa thực sự là của nhau, chưa thực sự hạnh phúc và viên mãn. Biểu đạt rất tinh tế này sẽ hoàn toàn khác nếu ta so sánh với sắc thái của “Đôi”:

Đời hai ta, đời hai ta, gắn bó với hai sông

Anh Vàm Cỏ Tây, em Vàm Cỏ Đông

Mỗi tối chiều lên, chao sóng nước

Bìm bịp kêu xao xác cả hai dòng

(Thì thầm với dòng sông, thơ: Hoài Vũ, nhạc: Thuận Yến)

Cùng mang gốc thuần Việt nhưng “Đôi” khác hẳn với “Hai”, thường được dùng để chỉ những “tập hợp gồm hai vật cùng loại, hai cá thể tương ứng với nhau và làm thành một đơn vị về mặt chức năng, công dụng hoặc sinh hoạt”. Trong đời sống thường ngày của người Việt, ta vẫn thường quen thuộc với những cách nói như: đôi đũa, đôi giày, đôi găng tay. Khi dùng “đôi” để biểu thị cho những mối quan hệ xã hội, sắc thái thân thiết, tình cảm được nổi hẳn lên, có thể thấy điều này qua các diễn đạt như: đôi bạn, đẹp đôi, đôi lứa. Trong thi ca, khi diễn đạt về tình yêu nam nữ, “đôi” rõ ràng thể hiện một sự khăng khít, gắn bó bền chặt hơn nhiều so với “hai”:

Đôi ta như thể con ong

Con quấn con quýt con trong con ngoài

(Ca dao)

“Đôi” đi vào tên gọi của những tác phẩm văn học nổi tiếng như “Đôi lứa xứng đôi” của Nam Cao; tiểu thuyết lãng mạn “Đôi bạn” của nhà văn Nhất Linh.

Hai đơn vị thuần Việt còn lại biểu thị số 2 là “Thứ” và “Cặp”. Thứ được dùng để biểu thị số 2 chủ yếu trong bối cảnh gia đình, khi nói về vợ và con. Vợ thứ được xem là người vợ lấy lần hai, trong mối tương quan với người vợ cả (lấy lần đầu). Tương tự như vậy, con thứ là khái niệm dùng để chỉ người con sinh ra thứ hai, sau con trưởng. Tiếng Việt vì thế còn có các từ “trưởng nam” và “thứ nam”. Trong học tập, thi cử và xếp hạng của người xưa, tiếng Việt cũng có cách diễn đạt “đỗ hạng thứ”.

“Cặp” so với “Đôi” có nhiều biểu hiện tương đồng về ngữ nghĩa, cũng dùng để chỉ “tập hợp gồm hai cá thể, hai vật cùng loại đi đôi với nhau thành như một thể thống nhất”. Ta vẫn thường nghe người ta nói: cặp môi, cặp mắt, cặp vợ chồng. Thậm chí, “cặp” là danh từ chỉ đồ vật với ý nghĩa “hai thanh cứng để kẹp đồ vật và giữ chặt lại” cũng xuất phát từ “cặp” với ý nghĩa chỉ số 2. Có một biểu hiện khác biệt rất tinh tế của “cặp” so với “đôi”. Đó là tính khăng khít, bền chặt và bất khả ly của “đôi” rõ ràng cao hơn so với “cặp”. Vì thế, khi nghe người ta nói: “Chúng nó đang cặp với nhau” thì cũng có một ngụ ý rằng, hai người đó chỉ mới có quan hệ tình cảm với nhau thôi và chưa hứa hẹn điều gì lâu dài cả, có lẽ có thể chia tay bất cứ lúc nào. Nhưng nếu vẫn là hai cá thể ấy nhưng được diễn đạt bởi câu: “Chúng nó là một đôi” thì hình như mức độ bền chặt cao hơn, mang đến cho người nghe niềm tin sâu sắc hơn về tính nghiêm túc, có ý thức trách nhiệm của hai cá thể này.

2. Chuyển qua những đơn vị ngôn ngữ biểu thị số 2 mang nguồn gốc vay mượn, ta có bốn đơn vị vay mượn từ tiếng Hán là nhị, nhì, lưỡng, song. “Nhị” là đơn vị biểu thị số thứ tự một cách khách quan, tương đương về giá trị ngữ nghĩa cơ bản nếu ta so với “hai”. “Nhị” tham gia cấu tạo một số đơn vị từ ngữ trong tiếng Việt như nhị diện, nhị hỉ, nhị nguyên, nhị phân. Nhị cũng được dùng để chỉ tên một loại nhạc cụ dân tộc gồm hai dây. Nhị cũng đi vào thành ngữ qua đơn vị “độc nhất vô nhị”. “Nhì” được xem là một biến âm của “nhị”, chủ yếu được dùng trong cách diễn đạt với ý nghĩa xếp hạng, chẳng hạn “về nhì”, “thứ nhì”. So với Nhị, Nhì đi vào nhiều thành ngữ của người Việt hơn:

Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống

Thứ nhất cày nỏ, thứ nhì bỏ phân

“Lưỡng” và “Song” cũng đều biểu thị ý niệm số 2, cùng đi vào tham gia cấu tạo một loạt những từ ngữ quen thuộc được sử dụng trong tiếng Việt. Về “lưỡng”, ta có các đơn vị thông dụng như: lưỡng chiết, lưỡng cư, lưỡng lự, lưỡng phân, lưỡng quyền (hai gò má), lưỡng thê. Về “song”, ta có các đơn vị thông dụng như: song hỉ, song kiếm, song hành, song ngữ, song phương, song sinh, song song, song tấu, song thai, song thân, song thất lục bát, song tiết, song toàn.

Đơn vị cuối cùng biểu thị số 2 có nguồn gốc từ tiếng Anh, chữ “đúp” trong tiếng Việt hiện nay vốn bắt nguồn từ chữ “double”. Chữ “đúp” hiện nay chỉ được sử dụng trong một vài tổ hợp mà có lẽ tiêu biểu nhất là “cú đúp”, thường dùng để chỉ việc cầu thủ ghi được hai bàn thắng trong một trận bóng, hoặc một vận động viên hai lần lập công trong một trận đấu thể thao nói chung. Ngoài ra, người Việt cũng sử dụng “đúp” trong trường hợp học sinh phải học lại hai lần một cấp độ nào đó, chẳng hạn, “nó bị đúp lớp hai”, “học đúp”.

3. Trở lại với định danh điển mẫu và thông dụng nhất là Hai, ngoài giá trị số học như những đơn vị khác, Hai còn tham gia vào những đơn vị ngôn ngữ biểu hiện những ý nghĩa tâm lý - văn hóa. Trong tiếng Việt, ta thấy có sự hoạt động của một loạt đơn vị như: hai mang, hai lòng, hai mặt mang sắc thái tiêu cực, nhằm phê phán sự không chung thủy, tráo trở, lật lọng, phản bội của con người. Cũng diện đạt về mặt biểu hiện tâm lý nhưng có sắc thái trung tính hơn là “nước đôi”. Ta vẫn thường nghe nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nói về “tâm lý nước đôi” trong ứng xử của người Việt, chẳng hạn vừa trọng lý vừa trọng tình, vừa thích tiền vừa chê tiền…

Tìm hiểu về số 2 và những biểu hiện của nó trong ngôn ngữ, ta thấy được sự phong phú, sống động, linh hoạt và giàu sức biểu cảm, sáng tạo của người Việt./.

TS. Đỗ Anh Vũ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất