Thứ nhất, toàn lực lượng
Quản lý thị trường đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn
bản chỉ đạo, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động công vụ của
lực lượng (như các đề án, công điện, chỉ thị và văn bản chỉ đạo về: Tăng
cường kiểm tra, giám sát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận
thương mại dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm
2025; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và
kinh doanh mặt hàng vàng; đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ
nguồn gốc xuất xứ trên môi trường thương mại điện tử; thực hiện nghiêm
quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; tăng
cường kiểm tra, giám sát thị trường sau cơn bão Yagi…, góp phần lành
mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và
thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước.
Năm 2024, Tổng cục Quản lý thị trường đã kịp
thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc toàn lực lượng triển khai
thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để ngăn chặn tình trạng vận chuyển,
buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất
lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ hai, lực lượng Quản lý thị trường đã
triển khai khá tốt nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường,
thanh tra chuyên ngành đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận
thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhiều vụ việc vi phạm lớn đã bị phát hiện và xử lý (thể hiện rõ qua số
vụ thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý, số tiền xử phạt và số vụ chuyển
cơ quan điều tra đều tăng đáng kể so với năm trước).
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại chợ Bến Thành, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Một
số lĩnh vực nổi cộm, có diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã được
quan tâm chỉ đạo, như: Lĩnh vực thương mại điện tử, số vụ xử lý tăng 2,4
lần và số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023; lĩnh vực
kinh doanh mặt hàng vàng, lực lượng Quản lý thị trường đã đồng loạt ra
quân kiểm tra, xử lý trên 550 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 15 tỷ
đồng, góp phần thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong việc quản
lý thị trường vàng.
Triển khai chỉ đạo của
Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường ở các tỉnh, thành phố căn cứ vào tính chất địa
bàn, nguồn nhân lực đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử
lý nghiêm các hành vi vi phạm, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi
cộm; tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ
các kho tàng, bến bãi; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt
động kinh doanh trên môi trường online; công tác niêm yết giá bán và bán
đúng giá niêm yết; tăng cường giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu
nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Trong đó chú trọng kiểm tra, xử lý
vi phạm đối với mặt hàng vàng, xăng dầu, thuốc lá, thuốc lá điện tử,
thuốc lá nung nóng... Theo đó, năm 2024, toàn lực lượng đã thanh tra, kiểm tra
68.280 vụ; phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm; chuyển cơ quan điều tra
178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2%). Thu nộp NSNN trên 541 tỷ đồng
(tăng 8%). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng.
Thứ ba, công tác tham mưu
cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác Quản
lý thị trường và sự phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn
(như Sở Công Thương, Công an, Quân sự, Biên phòng, Hải quan, Thuế…)
trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… có
sự chuyển biến tích cực. Nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp đã được xử lý
khá tốt, từ đó củng cố được niềm tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân
địa phương đối với lực lượng Quản lý thị trường (như: Vụ triệt phá kho
hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng kinh doanh qua mạng xã
hội với trị giá hàng hóa trên 20 tỷ đồng tại Hà Nội và vụ phát hiện đối
tượng kinh doanh vàng trang sức không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá
hàng hóa trên 7,3 tỷ đồng tại TP. Hồ Chí Minh...).
Một trong những điểm nhấn trong hoạt động kiểm tra kiểm soát của lực
lượng Quản lý thị trường trong năm 2024 được thể hiện qua việc phát hiện, ngăn chặn
kịp thời các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử. Theo đó, tiếp tục
triển khai Đề án 319 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng cục
Quản lý thị trường đã chỉ đạo thành lập Tổ Thương mại điện tử tại 64 đơn vị nghiệp vụ tại các địa
phương nhằm chủ động nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin cũng như
thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến các vụ việc về thương
mại điện tử. Theo đó, trong năm 2024, Lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý
3.124 vụ vi phạm (tăng 266 % so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra
4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220 % so với năm
2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440 % so với năm
2023)...
Phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử là một trong những điểm nhấn trong hoạt động kiểm tra kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường trong năm 2024.
Thứ tư, kỷ cương hành
chính, nề nếp công tác (từ Tổng cục đến các đơn vị trực thuộc) đã được
chấn chỉnh và có chuyển biến khá tích cực. Công tác cán bộ trong toàn
lực lượng được kiện toàn đồng bộ, tạo được sự đồng thuận trong tổ chức
thực hiện; đặc biệt Tổng cục đã thực hiện khá tốt chủ trương bổ nhiệm
nhiều cấp trưởng không phải là người địa phương và đã triển khai nghiêm
túc quy định về luân chuyển, điều động công chức các cấp.
Thứ năm, công tác thông
tin truyền thông, đối ngoại, hợp tác quốc tế của Tổng cục và các đơn vị
trực thuộc được chú trọng và có nhiều chuyển biến rõ nét, giúp nâng cao
năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức thực thi và góp phần tạo
môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, Tổng cục Quản lý thị trường chú trọng đến công tác
truyền thông giúp người dân nhận biết và phòng ngừa. Theo đó, trong năm
2024, các kênh thông tin truyền thông của Tổng cục Quản lý thị trường đã đăng tải
gần 8.000 tin bài và gần 400 video, bản tin về hoạt động kiểm tra, kiểm
soát thị trường. Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường duy trì việc sản xuất "Bản
tin Quản lý thị trường" hàng tuần nhằm tổng hợp các vụ việc nổi bật được lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra xử lý trong tuần để bạn đọc dễ dàng nắm bắt, tiếp cận. Tổng
cục Quản lý thị trường cũng duy trì và đẩy mạnh hoạt động Phòng trưng bày Nhận diện
hàng thật - hàng giả tại 62 Tràng Tiền. Trong năm 2024, Tổng cục Quản lý thị trường tổ
chức thành công 4 kỳ trưng bày với các chủ đề khác nhau về Mỹ phẩm,
thực phẩm, sách giáo khoa và đồ dùng học tập. Phòng trưng bày thu hút sự
quan tâm của hàng trăm khách tham quan, tìm hiểu thông tin mỗi ngày và
được người tiêu dùng đánh giá cao về ý nghĩa cũng như hiệu quả mang lại...
Các đại biểu dự Hội nghị tập huấn về công tác truyền thông do Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19/9/2024.
Bên cạnh những kết quả đạt
được, hoạt động Quản lý thị trường vẫn còn những hạn chế, bất cập. Hiệu quả công tác Quản lý thị trường, đấu tranh phòng
chống các vi phạm, gian lận thương mại (nhất là trong thương mại điện
tử) vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra; tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ
nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn vi phạm
ngày càng tinh vi, có hệ thống. Các vi phạm về hàng hóa trong thương mại
điện tử có xu hướng gia tăng. Số vụ phát hiện và xử lý tuy có tăng so
với năm trước nhưng so với thực tế vi phạm thì còn rất nhỏ, chưa phản
ánh đúng thực tế tình trạng vi phạm đang diễn ra trên thị trường. Công tác kiểm tra, kiểm
soát địa bàn của các tổ, đội, cơ sở chưa thực sự sâu sát; công tác thanh
tra, kiểm tra tại một số đơn vị mới chỉ tập trung chủ yếu vào những
hành vi vi phạm đơn giản; áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. Công tác quản lý,
giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ cho cán bộ công chức ở
nhiều đơn vị chưa tốt...
Năm 2025, tình hình kinh
tế - xã hội nói chung và ngành Công Thương nói riêng được dự báo tiếp
tục có nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận
lợi. Nền kinh tế mở cùng với tốc độ gia tăng cao của thương mại điện tử
(nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới) sẽ ngày càng đặt ra nhiều
vấn đề khó khăn, phức tạp hơn cho công tác Quản lý thị trường. Tình
trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất
lượng bùng phát và ngày càng tinh vi hơn. Bên cạnh đó, kinh tế nước ta
đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc tham gia nhiều
các Hiệp định thương mại sẽ mang lại nhiều thời cơ, thuận lợi cho hoạt
động ngoại thương nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý hàng hóa
nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất.
Từ bối cảnh trên, mục tiêu chung của công tác Quản lý
thị trường năm 2025 là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất
tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản
xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất
trong nước. Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra và kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập thời gian qua, toàn lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng,
hiệu quả công tác, thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ năm 2025
được giao, thông qua các nhiệm vụ:
Thứ nhất, tiếp tục quán
triệt thật sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389
quốc gia và của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ (qua các Nghị định, Thông
tư, Chỉ thị, Công điện…), cùng với khuyến nghị của các Bộ, ngành liên
quan và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương để thực hiện
đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường, tạo
môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, qua
thực tiễn quản lý, thực thi công vụ, lực lượng Quản lý thị trường cần
tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành, địa
phương ban hành mới (hoặc sửa đổi, bổ sung) các quy định, cơ chế chính
sách bảo đảm đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong
hoạt động của toàn lực lượng.
Lực lượng Quản lý thị trường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu.
Thứ hai, tăng cường hơn nữa
(đặc biệt là trong
các dịp Tết, Lễ) nhằm kịp thời phát hiện và xử lý thật nghiêm các sai
phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất kinh doanh
hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chú trọng
kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các ngành hàng thiết yếu như: xăng
dầu, phân bón; các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (nhất là thuốc lá
thế hệ mới); thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, hàng thời
trang, hàng điện tử...
Thứ ba, tăng cường phối
hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian
lận thương mại trong thương mại điện tử, đặc biệt là thực hiện nghiêm
túc, hiệu quả Nghị quyết của UBTV Quốc hội về giám sát chuyên đề Thương
mại điện tử và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong lĩnh vực
thương mại điện tử (như Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng
trong thương mại điện tử đến năm 2025; Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính
phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại
điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; tăng cường công
tác hậu kiểm trong quản lý hoạt động thương mại điện tử).
Thứ tư, tập trung chấn
chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chỉ đạo điều hành và ý thức
chấp hành pháp luật của công chức trong toàn lực lượng. Tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng
quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân
sai phạm, nhất là đối với hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong
thực thi công vụ.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh
công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức,
sự đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội đối với
các hoạt động của ngành; đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ thông
tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn
trên các mặt công tác trong toàn lực lượng.
Thứ sáu, sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng Quản lý thị trường.
Thực hiện chủ trương của Bộ
Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo
Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công thương đã
chỉ đạo kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và
chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành
phố quản lý, kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở.
Xác định đây là việc khó, phức
tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn.
Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị
cấp uỷ, Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị
trường địa phương cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ
trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ
và của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương về sắp xếp, tinh gọn tổ
chức bộ máy. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao tinh
thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm
vụ này; toàn lực
lượng cần làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ
(nhất là việc bố trí, sắp xếp và thực hiện chính sách cán bộ), tạo sự
đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong toàn lực
lượng và từng cơ quan, đơn vị. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải làm khách quan, dân chủ, khoa
học, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức
năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị (tổ, đội)./.
HOÀNG MINH