Tiết kiệm lương hưu, góp 100 triệu đồng cho Trường Sa
Bà Nguyễn Thị Lan ghi cảm xúc của mình với Trường Sa. Ảnh: Thanh Đạm/Tuổi trẻ TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Lan năm nay đã 85 tuổi, từng công tác tại Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng và Bệnh viện E trước khi về hưu. Điều khiến mọi người bất ngờ không chỉ vì số tiền đóng góp 100 triệu đồng - số tiền lớn nhất do một cá nhân đóng góp từ đầu chương trình - mà còn là số tiền tích cóp nhiều năm từ  lương hưu của bà  để gửi tới Trường Sa.

Đi lại khó khăn, đang có lịch châm cứu, nên bà Lan nhờ Pv báo Tuổi Trẻ đến nhà (trên đường Pasteur, Q.3) để nhận giúp. Như tấm lòng rộng rãi của bà, không cần thủ tục rườm rà, chỉ nửa giờ sau cuộc gọi, khi chúng tôi đến nhà, bà đã chờ sẵn với gói tiền vừa rút tiết kiệm ở ngân hàng về.

Trao tiền góp, bà Lan rưng rưng: “Tui hơn 80 tuổi rồi, muốn lắm nhưng chắc không còn sức nào ra tới Trường Sa thăm anh em nổi nữa. Đây là số tiền dành để dưỡng già mong góp sức, như là trách nhiệm của một người dân với đất nước”.

Hỏi bà đã để dành lương hưu trong bao lâu để có được 100 triệu đồng “góp đá xây Trường Sa”, ủng hộ hết rồi lấy gì dưỡng già thì bà khoát tay: “Cũng dành dụm lâu lâu. Nhưng mấy chú yên tâm, hồi về hưu tui có nuôi tới mấy chục con heo, cũng cất được ít vốn”.

Góp sức cho Trường Sa, bà chỉ có một lý do đơn giản: “Đâu cứ về hưu là hết trách nhiệm, tui tham gia cách mạng từ hồi 1945. Hồi đó mình “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” được thì bây giờ làm gì đó để giữ chủ quyền cho đất nước cũng là điều bình thường”.

Bà Lan kể 17 tuổi bà gia nhập lực lượng Việt Minh, rồi Thanh niên tiền phương. Năm 1947 bà gia nhập Trung đoàn 370 ở chiến khu D thuộc quyền chỉ huy của Tướng Huỳnh Văn Nghệ, hoạt động trong lĩnh vực tình báo. Nhìn vóc dáng hiền hòa của một bà lão 85 tuổi, khó ai nghĩ bà từng tổ chức vượt ngục Thủ Đức năm 1948 sau khi bị địch bắt và chiêu dụ thêm ba lính cai ngục mang tới gần chục khẩu súng theo bà về cứ. Sau năm 1954, bà cùng chồng con tập kết ra miền Bắc đến ngày giải phóng.

Câu chuyện “góp đá xây Trường Sa” với bà vì thế cứ như một lẽ tự nhiên, như nhiệt huyết đấu tranh thời đôi mươi và không gì hơn ngoài mong muốn góp sức cho đất nước như những ngày son trẻ.

Giọng nói vẫn còn sang sảng, bà bảo: “Mấy hôm xem báo, xem tivi thấy Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn vùng biển của mình, càng thôi thúc tui phải làm gì đó. Dân mình ai cũng mong muốn Trường Sa, mong muốn biển đảo của mình ngày càng vững mạnh thì không gì hơn là mỗi người ráng góp sức. Đảo yên, biển yên thì đất liền mới yên, cả đất nước mới yên”.

Khi tiễn chúng tôi ra về, bà Lan còn cười tươi bảo rằng: “Tui còn một ít tiền tiết kiệm nữa. Nếu Trường Sa còn cần, mấy chú cứ kêu tui”./.

(Theo: Tuổi trẻ TP.HCM)

Có thể bạn quan tâm

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website

Xem nhiều nhất